MẸ ĐÃ SAI RỒI – MICHEL BUSSI

Rate this post

Câu chuyện mở đầu với khung cảnh sân bay Le Havre, nơi 2 mẹ con cậu bé Malone chuẩn bị lên máy bay. Ngay sau đó, chúng ta lại đi theo Thiếu tá Marianne Augresse, người đang chỉ huy cuộc truy bắt một gã Alexis Zerda nào đó. Gã là ai? Mối liên hệ của 2 mẹ con cậu bé Malone với câu chuyện này như thế nào?

Đó, đương nhiên là những câu hỏi đầu tiên mà chúng ta phải đặt ra khi đọc những cuốn sách trinh thám như thế này. Nhưng với những ai đã có kinh nghiệm bị Bussi “lừa” thì tôi tin rằng họ sẽ thận trọng hơn khi đặt ra những câu hỏi, bởi tưởng vậy mà không phải vậy.
Cậu bé Malone Moulin ba tuổi rưỡi, thông minh, nhạy cảm, đã kể cho bác sĩ tâm lý Vasile Dragonman một câu chuyện kỳ lạ: người mẹ hiện tại của cậu không phải là mẹ cậu, và cậu khẳng định như vậy là vì Gouti, người bạn từ lúc sơ sinh của cậu đã luôn nhắc nhở cậu, trò chuyện với cậu, lặp đi lặp lại những điều đó, cùng với cả những câu chuyện về khu rừng, lũ yêu tinh, tên lửa, lâu đài và con tàu cướp biển… Gouti là một con thú nhồi bông. Khó tin lắm đúng không? Nhưng bác sĩ Dragonman đã lựa chọn tin cậu bé và đến gặp Thiếu tá Augresse để nhờ cô giúp đỡ. Tất nhiên, thiếu tá chỉ huy đội hình sự đang bận truy bắt một kẻ bị truy nã 10 tháng thì không có rảnh để hứng thú với những câu chuyện lông gà vỏ tỏi như vậy. Nhưng trên hết, bác sĩ Dragonman là một anh chàng đẹp mã có lối nói chuyện thật sự cuốn hút và có sức thuyết phục, đặc biệt với phái nữ.

Bằng cách kể thay đổi góc nhìn nhân vật luân phiên qua các chương, Michel Bussi đã làm cho câu chuyện trở thành một trò ghép hình thực sự. Một bên, chúng ta quan sát, bóc tách cuộc điều tra của đội cảnh sát. Một bên, chúng ta phiêu lưu vào thế giới riêng của Malone & Gouti, cố gắng nắm bắt sự thật. Và ở giữa là những suy luận đơn tuyến của bác sĩ Dragonman, bổ sung cho cả 2 mảng của bức hình ghép.

Một khía cạnh mà cuốn tiểu thuyết này đề cập đến: mối liên hệ giữa trẻ và mẹ. Malone, với những khẳng định trong tâm trí non nớt, đã liên tục đặt ra các câu hỏi về sự gắn bó của cậu với “Mẹ kia” – người không phải mẹ thật của cậu – người chăm sóc cậu, thương yêu cậu, đưa cậu đến trường, cho cậu ăn… Cậu cảm nhận được, cậu tin vào điều đó, nhưng cậu lại luôn tìm kiếm, luôn đợi chờ người “Mẹ thật” của cậu. Thậm chí cậu còn nghĩ rằng sẽ thật tốt nếu được chung sống cùng cả Mẹ và Mẹ kia.

Review sách Mẹ đã sai rồi

Michel Bussi, như thường lệ, đã viết 1 cuốn sách trinh thám chặt chẽ và bất ngờ tới mức các manh mối luôn là những nút thắt, và chỉ khi đọc đến phần kết chúng ta mới hoàn chỉnh việc khám phá ra sự thật. Một chút đáng tiếc nho nhỏ là tác giả đã không khai thác sâu miêu tả tâm lý của người Mẹ kia… nhưng nếu đào sâu vào khía cạnh này thì e rằng nội dung bí ẩn sẽ bị phá hoại đi ít nhiều… thôi vậy, hoàn hảo quá cũng khó ^^ Mời các bạn tìm đọc.

(Trần Hùng)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *