Haruki Murakami và các tác phẩm của ông

Mọi người cảm nhận về Haruki Murakami và các tác phẩm của ông thế nào ạ?

Với mình, mình luôn thấy truyện của Haruki Murakami là một mê cung không dễ tìm đường ra. Tại sao mình lại nói vậy

Haruki Murakami
1, Haruki Murakami có vẻ rất thích bỏ ngỏ vấn đề.

Ông tạo nên các nút thắt, nhưng không cởi bỏ nó – việc đó ông để cho trí tưởng tượng của người đọc thực hiện. Điển hình như việc, trong truyện của ông bao giờ cũng có ít nhất vài ba nhân vật hoặc chết không rõ lí do, hoặc tự dưng…biến mất. Haida trong Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương đột ngột biến mất không dấu vết. Quốc xã trong Rừng Na Uy cũng cùng chung số phận, biệt tăm sau khi để lại cho Toru cả tá chuyện dở khóc dở cười. Người tự tử thì nhiều như ngả rạ, nhưng những người tự tử mà ta biết được nguyên nhân lí do thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bạn mình bảo quan tâm mấy cái nhỏ nhặt đó làm gì, nó chả ảnh hưởng gì đến cốt truyện. Song mình không thấy thế. Trong cuốn sách, một khi chi tiết, nhân vật đã được tạo ra thì nó phải đóng vai trò nào đó trong truyện. Nhân vật này sống hay chết, nói gì, làm gì đều có ảnh hưởng nhất định tới các nhân vật khác chứ không thể coi việc họ biến mất là không có dụng ý được. Thật ra việc không giải quyết triệt để các vấn đề là một điều tối kị trong nghệ thuật. Nhưng với Haruki Murakami thì mình hiểu ông cố tình làm thế để “giữ” cảm xúc ở lại với người đọc. Và mình cũng thấy truyện của ông sẽ thú vị hơn nhiều nếu còn một mảnh chi tiết nào đó bị bỏ ngỏ để mình suy nghĩ về nó
2, Các chi tiết tả cảnh trong tác phẩm của Haruki Murakami

Cực kì nhiều, đôi khi tưởng như thừa thãi. Cơ mà không biết với mọi người thì thế nào, nhưng với mình thì nó cứ như một đòn tâm lý cực kì khôn khéo ý. Ví dụ khi mình khoanh trắc nghiệm vào cùng 1 đáp án quá nhiều lần thì tự dưng sẽ sinh ra ngờ vực đề bài, ngờ vực bản thân mình và thậm chí đổi thành đáp án khác. Ở đây cũng vậy. Các chi tiết tả cảnh xuất hiện dày đặc như thế làm mình tự hỏi “Cái này xuất hiện ở đây có tác dụng gì”. Cứ đọc đi đọc lại, rồi mỗi lần đọc lại mình lại nhìn nhận vấn đề ấy ở một khía cạnh khác. Và chắc chắn đấy, từng cơn gió thoảng qua, từng cành cây rung động, từng sóng nước đánh khẽ được tả trong truyện của Haruki Murakami đều có ý nghĩa riêng. Song hệ quả của nó là gì? Là có quá nhiều đáp án cho câu hỏi, quá nhiều suy nghĩ cho 1 chi tiết và dần dần mơ hồ về mọi thứ luôn. Phải chăng ông cố tình khiến người đọc hoang mang như thế?
3, Tâm lý nhân vật trong truyện của Haruki Murakami

Cực kì khó hiểu, đòi hỏi người đọc phải có sự từng trải nhất định, hoặc có cái nhìn tâm lý khá sâu thì mới cảm nhận được hết. Hồi đọc xong những người đàn ông không có đàn bà, mình cứ nghĩ mãi về truyện ngắn Scheherazade. Tại sao người phụ nữ lại kể câu chuyện đấy, trong bối cảnh đấy, với một gã đang bị cầm tù trong 4 bức tường? Kể câu chuyện kì quặc ấy để thể hiện điều gì, chứng tỏ điều gì? Hay ngay cả trong Rừng Na Uy cũng vậy. Mình khá ngưỡng mộ nhân vật Nagasawa, dù cho nhân sinh quan của hắn là cái ô chữ mình giải mãi chưa xong. Nhân vật này phải nói là một kẻ chiến thắng ngay từ vạch xuất phát. Từ xuất thân, gia cảnh, học hành, công việc, đàn bà, các mối quan hệ,…môn gì hắn cũng thủ khoa tuốt. Trong khi Naoko, Watanabe, Reiko hay ngay cả Midori luôn bị cuộc đời chơi xỏ hết lần này đến lần khác, thì một mình Nagasawa có cái quyền “chơi” lại cuộc đời. Cuộc đời này là sân chơi của hắn. Thế nhưng cái triết lý sống của người này cứ thế nào. Gọi là “thế nào” vì chính mình đến bây giờ cũng không biết dùng từ gì chính xác để gọi nó. Cái lối sống ấy không hẳn là lệch lạc, nhưng cũng không hẳn là đúng đắn. Xin mượn câu nhận xét của Watanabe: “Hắn vừa là một đạo linh hồn cao thượng tuyệt vời, vừa là hạng rác rưởi cống rãnh vô phương cứu chuộc”. Mình không biết, thậm chí không đoán được mục đích thật sự của Nagasawa trong cuộc sống này là gì, vì về cơ bản thì hắn đứng trên cả cái cuộc sống này rồi – cứ nhìn cách hắn sống thì biết. Thế nhưng cái cách sống ấy lại tạo cho mình cảm giác hắn là con người vĩ đại (chỉ là cảm nhận chung thôi nhé, chứ cái cách Nagasawa đối xử với Hatsumi thì chắc chắn 10000% là không vĩ đại gì rồi). Thì chắc là vì mấy câu Nagasawa nói đại loại như “Không bao giờ động đến 1 cuốn sách mà tác giả của nó chết chưa đến 30 năm”, hay ” Nếu đọc những sách mọi người đều đang đọc, cậu sẽ chỉ nghĩ những gì mọi người đang nghĩ”. Người có đầu óc tầm thường chả ai nói ra được mấy câu thế này đâu. Cái kiểu sống của Nagasawa ấy mà, nó vĩ mô quá, vĩ mô đến mức kẻ bình thường tuổi đời non trẻ như mình chưa đủ “sâu” để hiểu hết. Đấy, tâm lý 10 nhân vật thì đến 6 7 nhân vật lằng nhằng như thế này thì ai mà dễ hiểu cho được!
4, Hình ảnh biểu tượng trong truyện thì nhiều cũng không kém các chi tiết tả cảnh.

Nếu dễ hiểu như cái giếng, đôi giày đã đành, nhưng cứ như con mèo trong Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót thì đúng là… Chưa kể mấy bản nhạc Jazz, nhạc The Beatles mà ông nhắc đến cũng đòi hỏi người đọc phải biết kha khá về mảng này thì mới cảm được. Mình thuộc thể loại thích nhạc cổ điển và có những hiểu biết nhất định mà cũng chưa rõ được hết nữa…Nói chung đọc xong là cứ phải dò lại 1 hồi mấy bài hát được nhắc đến, bật lên nghe thử, vừa nghe vừa ngẫm lại tình tiết truyện là ổn nhất!

Lan man vậy thôi. Truyện của Haruki Murakami khó hiểu thật, nhưng một khi đã hiểu được khoảng 70% thì sẽ thấy nó cực kì thấm. Mà những điều được thể hiện trong tác phẩm của ông cũng chẳng phải xa xôi gì, mà gần ngay trong hiện thực. Thậm chí còn là thật đến đáng sợ luôn (tiêu biểu: quyển “Ngầm”), đôi khi còn gặp chính bản thân mình trong truyện nữa. Như mình thì cực kì relate với quyển Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương

Haruki Murakami thì vẫn luôn có nhiều ý kiến trái chiều rồi, nhưng với mình thì đây là nhà văn mình rất rất thích. Tiện đây recommend cho các bạn 2 quyển mình mới đọc của Haruki Murakami là Desire và Birthday Stories nhé. 2 quyển này đều là kiểu collection ý, chứ cũng không hẳn là sáng tác mới. Desire là những truyện ngắn về tình yêu (đã xuất hiện trong những tác phẩm trước của ông), còn Birthday Stories là những truyện ngắn về ngày sinh nhật do chính Haruki Murakami tìm tòi và tập hợp lại, cộng thêm 1 truyện chính ông sáng tác mới nữa. 2 quyển này là sách ngoại văn và chưa có bản dịch, nhưng từ vựng và cấu trúc câu cũng không khó lắm nên bạn nào có khả năng đọc hiểu tiếng anh kha khá là hiểu được rồi. Ngoài ra thì After The Quake, After Dark và The Elephant Vanishes cũng rất hay, nếu đọc được ngoại văn thì nên thử. Còn series “Triology of the Rat” nghe review có vẻ hay lắm, nhưng hiện tại mình vẫn chưa có thời gian mua về đọc :((

Ahh quên mất, giờ quay trở về với câu hỏi mình đặt ra ở title nhé: Mọi người nghĩ thế nào về Haruki Murakami và các tác phẩm của ông vậy?

Hà Thu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *