Mùa thu của cây dương

Có 2 con bé đang ngồi tâm sự trên bậc tam cấp, dưới ánh hoàng hôn:
– Này! Mày nói nếu tao chết đi thì bố mẹ có hối hận vì đã đánh tao không? Hức.
– Ờ, chắc có@@. Nhưng lúc ấy mày sẽ không biết gì nữa. Dù có thấy bố mẹ khóc lóc hối hận thì mày cũng chết rồi. Mày sẽ thành người vô hình. Mày sẽ không được ăn uống, không được mua áo quần mới. Điều vui vẻ duy nhất là không phải đến trường!!!

Mùa thu của cây dương - kazumi yumoto

Hehe, hồi nhỏ mấy cái cuộc đối thoại này cứ cách dăm ba bữa lại xảy ra. Cái chết – một điều bí ẩn gây tò mò đối với mọi đứa trẻ. Như cô bạn tôi ở trên kia, cứ ấm ức là lại đòi chết, nay thì hết rồi, mô phật.

Đã lâu rồi tôi không còn suy nghĩ về cái chết nữa. Chết chỉ là trạng trái tim ngừng đập, não ngừng hoạt động. Tôi quên mất những thắc mắc trẻ thơ, cho đến khi đọc được cuốn sách này.

Cuốn sách được viết theo dòng hồi tưởng của nhân vật Chiaki: hiện tại- quá khứ- hiện tại. Mở đầu là thông báo về cái chết của bà cụ chủ nhà trang viên Cây dương, nơi Chiaki cùng mẹ chuyển đến sau cái chết của bố cô bé. Trên hành trình đó, biết bao kí ức từ năm 6 tuổi lại ùa về.

Bố ra đi đột ngột, để lại mẹ con Chiaki bơ vơ trăm ngả. Hai mẹ con cứ đi trong vô định, cho đến một ngày họ phát hiện khu trang viên Cây dương. Tại đây, họ quyết định bắt đầu cuộc sống mới. Cũng tại đây, cô bé Chiaki nhạy cảm đã dần tìm lại được khoảng hồn thuộc về tuổi thơ.

Có thể nói nhân vật làm đổi hướng cuộc đời của Chiaki là bà cụ chủ nhà. Một bà cụ với biểu hiện có – vẻ – khó – tính, nấu ăn dở, kĩ tính, không ưa trẻ con. Đó hoàn toàn là một đối tượng mà bọn trẻ không muốn đến gần. Ấy thế mà, như có một sợi dây vô hình đầy kì diệu, đã buộc hai con người một già một trẻ với nhau. Phải chăng sợi dây đó là sự cô độc trong tâm tưởng? Hoặc chăng là tình cảm tinh tế đến từ cả hai phía? Tôi không biết, chỉ biết nụ cười khẽ càng lúc càng đậm khi từng trang giấy lật về phía sau.

Cũng như trong Khu vườn mùa hạ, giọng văn Kazumi từ từ như từng cước bộ, thủ thỉ nhẹ nhàng. Nhưng cá nhân thì tôi thích cuốn này hơn Khu vườn mùa hạ. Có lẽ vì giọng dịch chăng? Rất cảm ơn dịch giả Hương Giang đã cho ra đời một bản dịch thật tinh tế và dễ thương như thế.

Một cuốn sách nói về cái chết, nhưng người đọc lại bắt gặp sự hồi sinh. Giờ thì có lẽ tôi đã tìm ra một phần trả lời cho niềm thắc mắc thuở nhỏ. Cái chết có thể đáng sợ, nhưng điểm đáng sợ nhất có phải là sợ bị quên lãng? Thế thì điều đó vẫn xảy ra được khi bạn còn sống đấy ^ ^.

Nếu bạn chết đi, chắc vẫn có người nhớ đến bạn chứ? 

Hang Nguyen review

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *