ĐỨA CON ĐI HOANG TRỞ VỀ – ANDRÉ GIDE

Rate this post
Có quyển sách nào mà bạn chỉ mất một ít thời gian để đọc nhưng lại mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ chưa? Đối với mình thì đó là một quyển sách do Phanbook phát hành với tựa đề Đứa Con Đi Hoang Trở Về.
Đứa Con Đi Hoang Trở Về là một truyện ngắn của nhà văn Pháp André Gide. Tác phẩm được viết năm 1907, lấy cảm hứng từ dụ ngôn Người con hoang đàng trong Kinh thánh.
Dụ ngôn Người con hoang đàng có thể tóm tắt như sau:Nhà kia có hai con trai. Người con trai thứ xin cha chia tài sản thừa kế cho hắn, rồi hắn bỏ nhà đi, đem số tài sản ấy ăn chơi phung phí. Khi hắn hết tiền cũng là lúc nạn đói ập đến. Hắn phải đi chăn heo để kiếm cái ăn. Không thể chịu nổi cảnh đói nghèo, người con thứ quay về nhà cha để xin làm tôi tớ, ít ra còn được ăn uống đàng hoàng hơn ngoài kia. Người cha mừng rỡ giang tay đón lấy hắn và ra lệnh cho đầy tớ mở tiệc ăn mừng.
Giành Lại Đứa Con Hoang Đàng - Hướng Đi Ministries
Dụ ngôn đề cao tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho những kẻ biết hối cải. Dựa trên những điều đã xảy ra trong ngụ ngôn, André Gide đã viết ra bốn cuộc hội thoại giữa Đãng tử (người con thứ) với từng thành viên trong gia đình để phát triển thêm chiều sâu của câu chuyện.
Trong dụ ngôn, người cha tượng trưng cho Thiên Chúa giàu lòng vị tha. Trong tác phẩm này, người cha vẫn gắn liền với hình ảnh Thiên Chúa qua sự cài cắm của tác giả về một khẳng định bất diệt trong Kitô giáo: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi.
“Cha há chẳng ở khắp cùng mọi nơi đó sao?” Đó là lời của Đãng tử khi người cha hỏi “Sao con bỏ cha ra đi?”. Đãng tử yêu quý cha, nhưng hắn ra đi vì cảm thấy bị Ngôi Nhà cầm giữ. Ngôi Nhà đầy đủ tiện nghi mà lại cầm giữ hắn, cũng giống như lề luật của Giáo hội: giúp ta không bị sa ngã nhưng lại kìm hãm tự do của ta. Vì chán ngán Ngôi Nhà và thấy còn có nhiều vui thú ngoài kia đang chờ đợi, Đãng tử dứt áo ra đi mà không quên mang theo của cải lẫn lòng kiêu căng: hắn tưởng hắn đủ mạnh mẽ để đến được vùng đất tự do.
Đãng tử quay về không phải vì tình yêu mà là vì đói nghèo. Khó ai có thể chấp nhận lý do này, thế nhưng người cha giàu lòng vị tha đã dịu dàng an ủi hắn, nói rằng:
“Chính ta gầy dựng con; cái gì trong con, ta biết. Cha biết cái gì thúc giục con lên đường; cha đã chờ con ở cuối con đường. Lẽ ra con cứ gọi cha… cha có mặt ở đấy.”
Nếu ví hành trình của Đãng tử là hành trình của một người bứt ra khỏi lề luật Giáo hội để tìm con đường riêng đến với Chúa, thì có lẽ Đãng tử đã suýt thành công. Lâm vào cảnh khó nghèo, hắn mới nhận ra tình yêu của hắn rõ ràng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, người quen sống trong giàu sang như hắn cuối cùng cũng phải đầu hàng trước cám dỗ. Không thể đi đến cuối con đường, hắn quay trở lại nơi bắt đầu: cha vẫn ở đó. Dù là nơi hắn từng vứt bỏ hay là nơi hắn muốn đến, cha vẫn đang đợi hắn. Điều quan trọng nhất là Đãng tử đã tìm được bình yên nơi vòng tay cha.
Người con cả là người siêng năng, biết chăm lo của cải gia đình, được cha giao quyền trông coi Ngôi Nhà. Tuy nhiên, dụ ngôn không đề cao người con cả vì hắn không thể hiểu được sự tha thứ của cha dành cho đứa con thứ phóng đãng. Mình nghĩ người con cả tượng trưng cho những người tự cao tự đại vì nghĩ mình nắm rõ mọi lề luật của Chúa. Hắn ta muốn mọi người phải làm vừa ý hắn, mà hắn ngỡ là vừa ý cha. Kiêu căng và cứng nhắc, hắn chỉ chăm chăm bám vào “vòng trật tự” và “cái hiện có”, vì thế hắn không thể nhìn ra điểm bất hoàn hảo của Ngôi Nhà.
Người mẹ cũng giàu vị tha giống như người cha. Bao nhiêu ngày Đãng tử xa nhà là bấy nhiêu ngày bà khóc lóc và cầu nguyện cho hắn quay về. Với mình, bà giống như một Kitô hữu ngoan đạo chuẩn mực, ngày đêm khóc than và cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi sớm biết hối cải mà quay về với Chúa. Nhưng bà chưa hiểu được lý do của sự “ra đi”. Bà nhìn thấy đứa con út của mình đang mơ tưởng tới việc bỏ nhà ra đi, liền nhờ Đãng tử khuyên nhủ em.
Người con út vốn không có trong dụ ngôn, mà là do tác giả tự thêm vào. Người con út cảm thấy mình bị anh cả kìm hãm, và rồi hắn cũng mơ tưởng tới những miền đất xa xăm. Hắn nhìn thấy cảnh trở về của Đãng tử mà lấy đó làm động lực, vì Đãng tử toát ra vinh quang của một kẻ dám ra đi. Nếu người con út ra đi thành công, chắc chắn hắn còn được nhận nhiều vinh quang hơn thế.
Người con út khác với Đãng tử ở chỗ hắn ra đi mà không mang theo của cải gì. Hành trang của người con út làm mình nghĩ đến hành trang mà các tông đồ của Chúa Giê-su: “không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.” Với trang bị như thế, người con út đã sẵn sàng cho cảnh màn trời chiếu đất. Thấy vậy, Đãng tử tin tưởng em mình có thể vượt qua những cám dỗ mà bản thân hắn không vượt qua nổi, nên hắn không ngăn cản em. Nếu thành công, người em sẽ không quay về, và sẽ tìm được cha ở cuối con đường.
Cho đến nay mình vẫn tin rằng Giáo hội không bao giờ là hoàn hảo, vì thế chuyện có người muốn bứt ra khỏi lề luật của Giáo hội để tìm một con đường riêng dẫn đến Chúa cũng là điều dễ hiểu. Họ tin rằng Chúa đang đợi họ ở cuối con đường ấy. Mình cho rằng người con út chính là một người như thế. Hắn có cách tiếp cận khác với Đãng tử. Sự nghèo khó mở ra cho hắn một lối đi chắc chắn hơn, vì Kinh thánh có nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.”
Mình chỉ mất 15 phút để đọc hết Đứa Con Đi Hoang Trở Về nhưng lại mất vài tuần để nắm bắt ý nghĩa của câu chuyện. Nhiều câu thoại trong truyện mang tính gợi mở, nếu không biết liên tưởng thì không hiểu được. Phải áp dụng kiến thức về Kinh thánh mình mới liên tưởng ra được tầng nghĩa sâu xa của tác phẩm. Vẫn còn nhiều chi tiết khác mình không thể hiểu rõ, nên mình đã lùng sục trên mạng bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh nhưng không tìm được bài viết nào đủ sâu về tác phẩm này.
Mình rất thích cách dịch của dịch giả Bửu Ý. Cách dùng từ của ông rất tinh tế và đặc biệt.
Trên đây là toàn bộ góc nhìn của mình về Đứa Con Đi Hoang Trở Về.Hy vọng được lắng nghe thêm nhiều ý kiến khác về tác phẩm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *