ĐẠI HIỆP HONGKONG – CHÂU NHUẬN PHÁT

Đại hiệp Hồng Kông - Châu Nhuận Phát' đến Việt Nam
Gấp lại 364 trang sách “Đại hiệp Hồng Kông – Châu Nhuận Phát”, tôi có chút rơm rớm, bùi ngùi nhớ đến mấy ca từ của nhạc sĩ Vũ Thành An:
“Có một lần mất mát mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu
Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về
Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng…”
Phải chăng vì đã nếm trải đủ tư vị ngọt bùi cay đắng, những mất mát đau thương …từ thưở niên thiếu cho đến giai đoạn trưởng thành mà Châu Nhuận Phát – người đã băng qua biết bao mưa khói của thời đại để có được hào quang rực rỡ vẫn giữ được khí phách trượng phu, khiêm cung và nhân văn đến vậy.
Nhà văn Pháp Victor Hugo từng nói “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”.
Lần giở từng trang sách “Đại hiệp Hồng Kông – Châu Nhuận Phát” được viết bởi tiến sĩ Lin Feng, với những tư liệu quý và khảo cứu công phu, tôi tin rằng bạn đọc sẽ có được một cái nhìn toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt là sự song hành giữa tài năng và đức độ của Châu Nhuận Phát – người được công chúng chọn làm đại diện cho bản sắc và nhân dạng con người Hồng Kông.
Bên cạnh việc cung cấp một góc nhìn đa chiều về một nghệ sĩ chưa từng có tiền lệ tại Hương Cảng, thì cuốn sách cũng giúp ta hiểu được những biến động lịch sử, những chuyển mình lớn lao của Hongkong để vươn mình thành con rồng Châu Á. Thông qua việc phân tích những thăng trầm của điện ảnh Hồng Kông, cuốn sách đã làm bật lên những khác biệt về tư tưởng, lẽ sống, bản sắc giữa Hồng Kong với Trung hoa đại lục.
Đây là cuốn sách mà gần đây tôi đã rất nhiệt tình giới thiệu cho bạn bè mình tìm đọc. Và các bạn tôi sau khi đọc xong cũng có chung cảm nhận đó là: cuốn sách khiến họ có cảm hứng sống đẹp và vươn lên tiến thân trong xã hội hơn, nhưng đồng đời cũng nhắc nhớ giữ lại những giá trị tư cách cốt lõi thuộc về: chân – thiện- mỹ. Đặc biệt giữa thời đại mà truyền thông đang hô hào đám đông để tâm quá mức vào những thứ lấp lánh bề ngoài của chủ nghĩa tiêu thụ cá nhân, thì cuốn sách giống như một nốt lặng khiến ta chậm rãi suy tư về nhân sinh và những nỗi niềm triết học bình dị như: hạnh phúc nội tại, lựa chọn và đánh đổi, ứng xử trước vinh nhục cuộc đời…
Để tránh nói năng giông dài, tại hạ xin mạn phép chia sẻ những điểm mà bản thân ấn tượng và học hỏi từ Phát ca ( cái tên trìu mến mà người dân Hongkong đặt cho Châu Nhuận Phát).
CON NGƯỜI CÓ SỐ, NHƯNG VẬN MAY LÀ DO MÌNH TẠO
“Đã chắc rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ”
Hình tượng người anh hùng Hứa Văn Cường trong bộ phim kinh điển Bến Thượng Hải (1980) đã đưa tên tuổi của Châu Nhuận Phát nâng tầm quốc tế. Kể từ đó trở đi, người ta nhìn thấy hào quang luôn toả sáng suốt chặng đường sự nghiệp về sau của ông.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng Châu Nhuận Phát đã phải trải qua tuổi thơ vô cùng khốn khó. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở đảo Nam Nha, người cha đi làm nghề đi biển nhưng là người ham mê cờ bạc và mắc nợ rất nhiều nên khiến gia đình Nhuận Phát lâm vào cảnh khốn cùng. Một mình mẹ ông – bà Trần Lệ Phương với gánh điểm tâm sáng đã cáng đáng cả gia đình.
Năm mười chín tuổi, được bạn bè giúp đỡ học phí học lớp diễn xuất Châu Nhuận Phát đã rất vui mừng. Nhưng suốt quãng thời gian được đi học ông thường xuyên túng thiếu, vì không có việc làm thêm. Bí quá, Châu Nhuận Phát bèn khoác lên mình bộ com-lê duy nhất mình có đứng ở trước cửa thang máy đài TVB thử vận may xem có đạo diễn, nhà sản xuất nào để mắt đến mình hay không, hy vọng có thể kiếm thêm chút tiền. Và quả là trời không phụ lòng người, sau mấy tháng kiên trì quanh quẩn đứng ở thang máy, mỉm cười với cả thiên hạ thì một bà chủ một công ty quảng cáo nổi tiếng lúc đó là Lân Nhã Ninh đã để mắt đến và mời cậu làm diễn viên cho phim quảng cáo mới. Đây cũng chính là bước ngoặt trong sự nghiệp diễn viên của Châu Nhuận Phát.
Đúng là con người không chọn được nơi sinh ra, nhưng có thể tự tạo ra vận may cho mình.
KHÍ PHÁCH ĐẠI TRƯỢNG PHU
Châu Nhuận Phát được xem là biểu tượng Hongkong, điều này xuất phát từ chính con người thực ngoài đời của ông và các nhân vật ông thủ vai – những anh hùng rất gần gũi, bình dị, dũng cảm, coi thường tiền bạc và trọng nghĩa khí. Vài mẩu chuyện nhỏ về con người đại hiệp ấy:
• Cung cách lịch thiệp , tôn trọng tuyệt đối…mà Châu Nhuận Phát đã đối đãi với phụ nữ ngoài đời
cũng như trên phim ảnh đã vô tình tạo nên một tấm gương cho thanh niên thời đại mới và góp phần hậu thuẫn cho phong trào kêu gọi bình đẳng giới với phụ nữ Hongkong. Nếu đàn ông Hongkong là những trượng phu tài năng của thời đại thì tại sao phụ nữ Hongkong không thể cùng tranh tài để tạo nên dấu ấn thời đại riêng của họ?
• Châu Nhuận Phát dù là một minh tinh quốc tế và giàu có với tài sản lên đến 780 triệu dollars, nhưng vẫn sống rất bình dị: mua đồ giảm giá, ăn uống lề đường, di chuyển bằng tàu điện ngầm và luôn sẵn sàng selfie cùng người hâm mộ. … Ông đã hiến toàn bộ tài sản để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo.
• Phát ca thường xuyên nâng đỡ những anh em mới vào nghề và giúp đỡ bạn bè lúc khốn khó. Ông đã từng trả hết nợ nần và cất nhắc để Lưu Đức Hoa an tâm đóng phim và toả sáng.
Tôi thích triết lý của Châu Nhuận Phát:
“ Nếu bạn có thể làm cho một người khác hạnh phúc, đó cũng chính là phúc phần của bạn.Có rất nhiều bất hạnh đang diễn ra trên trái đất này, và nếu bạn có thể khiến ai đó hạnh phúc hơn trong giây lát thì đó là một điều rất hữu ích.”
VĨ NHÂN CŨNG CẦN MỘT TRI KỶ TRONG CUỘC ĐỜI
Sẽ rất là đáng tiếc, nếu bạn không đọc chương cuối về cuộc tình cũng như hôn nhân của ông với Trần Hội Liên . Bà là người phụ nữ kém sắc nhất trong số các người tình của ông, nhưng chính sự sinh động, thông minh, dí dỏm và một chút “máu giang hồ chị đại Singapore” bà đã trở thành người bạn đời tuyệt vời và là một trợ thủ đắc lực của Châu Nhuận Phát.
Bạn sẽ phải ồ lên thú vị, khi nghe người đàn bà đặc biệt này nói về bí quyết giữ chân một đại hiệp Hongkong tài năng, khí phách, hào hoa… như vậy:
“Người bạn đời lý tưởng của ngôi sao phải biết yêu “phần lõi” của ngôi sao đó, phần không có ánh sáng, phần đầy rẫy thống khổ, sợ hãi và tổn thương của tâm hồn nghệ sĩ.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *