Review “Rừng Na-uy” (Haruki Murakami) hay Nỗi cô đơn tự sát

Rate this post
“Rừng Na-uy” là cuốn sách đầu tiên đọc mà bản thân chỉ hiểu được 2%. Một tháng đọc, gấp, lấn cấn, đọc lại, lại lấn cấn, tìm hiểu và viết review. “Rừng Na-uy” là câu chuyện dưới góc nhìn của cậu Toru Watanabe mười tám đôi mươi, về xúc cảm tình yêu, tình dục cùng các mối quan hệ xã hội của cậu. Bao trùm lên cuốn sách là “nỗi buồn Nhật Bản hiện đại”. Nỗi-buồn Nhật-Bản hiện-đại? Thật chẳng hiểu nổi, và mình đi tìm câu trả lời. Loạng quạng thế nào mà va phải bốn chữ ‘chủ nghĩa tư bản’.
Review sách: RỪNG NAUY – Haruki Murakami
Một câu chuyện tình yêu thì dây mơ rễ má quái gì tư bản?! Khi đọc “Rừng Na-uy”, mình bị ám ảnh bởi những cái chết. Kizuki, tự sát bằng ống xả trong ô tô kín, 17 tuổi. Chị gái Naoko, treo cổ trong phòng ngủ, 17 tuổi. Bác ruột Naoko, nhảy vào đoàn tàu đang chạy, 21 tuổi. Hatsumi cắt cổ tay sau khi kết hôn được hai năm. Họ giỏi, trẻ trung, đặc biệt, và cái chết của họ đều đùng một cái. Không dấu hiệu báo trước, chỉ đơn giản là bất thình lình đến mức không một ai có thể cứu-cản nổi. Không thể nào hiểu lại có điều gì khiến ai đó dễ dàng chấm dứt cuộc sống này đến vậy. 17 tuổi bình thường có gì để buồn thực sự? Thế nên mình đâm ra bối rối. Lộn ngược lộn xuôi quyển sách, bìa ghi “được giới trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc tìm đọc nhiều nhất”, lộn ra lộn vào, thấp thoáng mấy chữ “chủ nghĩa tư bản”.
“Chủ nghĩa tư bản”, “nỗi buồn Nhật Bản thời hiện đại”, “nỗi ưu tư và cô đơn […] nơi những người mới lớn”, những từ khóa này có lẽ đã khiến ta mơ hồ xâu chuỗi chút ít điều gì. Nhật Bản, hiện đại và tuyệt vời, nhưng gắn liền với nó còn là những vấn đề mệt mỏi như tỉ lệ tự sát cao. Tất nhiên nguyên nhân dẫn đến tự sát có nhiều, nhưng ở đây mình chỉ đặt vào bối cảnh chung của xã hội tư bản. Ở một đất nước tư bản có cường độ làm việc cao và áp lực bậc nhất, ta phải không ngừng cố gắng để có vị trí, để không bị thất nghiệp, để nuôi sống bản thân và gia đình. Đi làm với tư tưởng đấy có gì vui? Đầu óc căng thẳng làm ta mệt nhoài, stress, vô hồn và im lặng. Không ngơi nghỉ, không chia sẻ và kết nối với xã hội làm ta thấy lạc loài, loanh quanh trong những vấn đề của chính bản thân. Vấn đề chồng vấn đề, đẩy ta đến ngõ cụt. Khi đó cách giải thoát duy nhất là tìm đường sang thế giới bên kia. Hóa ra cái mà Haruki đề cập đến không đơn thuần là tình yêu, mà còn là tâm bệnh của cả một xã hội. Đó không chỉ là tuổi 17, 19 hay 21 bình thường, mà còn là khoảng thời gian bồng bột của sự chênh vênh tròng trành. Haruki viết cho Nhật Bản hiện đại, viết cho giới trẻ tự thấy mình bế tắc cô đơn.
“Nhẽ ra đã phải có ai làm cái gì đó – bất cứ cái gì – để cứu cô ấy.” Watanabe hồi tưởng về cái chết của Hatsumi với nỗi niềm thương tiếc vô hạn. Đúng, đã chẳng ai có thể cứu những người như Hatsumi- Kizuki, hay làm cho họ biết cách cứu mình. Cứu thế nào được, khi họ im lặng và “đã đạt đến một giai đoạn nào đó của cuộc sống – và đã quyết định – hầu như hoàn toàn bất ngờ – kết thúc nó”, khi họ còn chẳng cho mình lấy đến một cơ hội. Mình nhớ đến Dazai Osamu, tác giả ‘Thất lạc cõi người’, với vẻ ngoài vui vẻ và thu hút, nhưng tồn tại với tâm can của người chết. Naoko cũng vậy, nàng mang tâm bệnh , chữa trị và gắng gượng, rồi cuối cùng tự về với đất trong rừng cây. Haruki mang Naoko xuyên suốt “Rừng Na-uy” , có lẽ cho ta hiểu được tâm trạng của một người bất ổn như nào, là cầu nối dẫn ta đến với cõi lòng đã chết của một người tự tử, để ta thấu hiểu và cố gắng giúp họ. Nhưng, “Dù cậu có cố mấy, thì người ta vẫn cứ bị đau khổ khi đã đến lúc họ phải đau khổ. Đời là vậy.”
“Rừng Na-uy” của Haruki Murakami là một tác phẩm văn chương rating 18+ đúng nghĩa, từ nội dung cho đến tư tưởng. Muốn cảm nhận hết từng xúc cảm trong câu chữ của ông, ta cần có đủ tuổi đời và trải nghiệm sống. Viết review để vài năm sau đọc lại, xem bản thân đã đi xa bao nhiêu
Reviewer: Bùi Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *