Thà rằng đừng động đến tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh mà sống đời vất vưởng, còn không mười người đọc thì tới chín người sống dở chết tức tưởi vì những lỗ thủng mà lão nhà văn già của những năm 80, 90 khoét sâu trong tâm tưởng người đọc đến man dại.
Chẳng là, có ngày hội sách nọ, tôi cũng đinh ninh là phải tậu cho ra hồn những cuốn sách kinh điển, đồ sộ như Suối nguồn, Bắt trẻ đồng xanh, Thiên Nga Đen, Tế bào gốc, Chuông nguyện hồn ai… mới thỏa cái lòng mong đợi đến ngày “dùng tiền để mua tri thức”. Lân la từ Alphabook, Đông A, Tao Đàn, Quảng Văn, Nhã Nam… cũng lững thững bê được vài cuốn vốn lạ hô lạ hoắc mà cảm giác nếu chưa nghe, chưa kháo nhau, chưa biết tường tận từ trước thì khó mà cầm, mà sờ nó trên tay. Vậy mà cuốn sách mỏng manh, khó thu hút bởi vẻ ngoài này cũng lọt vào tủ sách cá nhân của mình ngon ơ theo kiểu: “Không mang ta về, đừng trách ta ám ảnh nhà ngươi”. Mà đúng thật, đọc đến trang cuối cùng mới thấy, giọng văn đời của Trung Trung Đỉnh có sức ma mị đến khó tả.
Tiểu thuyết của ông vẽ nên một khung cảnh bình yên, thâm trầm nhưng trầy trật, đầy vấn đề mà cũng lắm của chua xót. Câu chuyện được bắt đầu bằng ngôi ba, dệt lên câu chuyện về những anh gù, những con người bị khiếm khuyết, bị xã hội ruồng rẫy từ trong tâm thức cho tới cả hành động. Thiếu đi một phần cơ thể, họ như thiếu đi một phần người, kéo theo cả một khoảng trống tình yêu và lòng người thương, đời thương. Và cứ thế câu chuyện gói ghém mọi số phận đương thời của những người dân trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường vào một khuôn, một khoảng trống. Khoảng trống ấy có những căn nhà lụp xụp, những hàng quán đời xã, những con người “không có văn hóa” vùi lấp nhau và một cái lỗ thủng ở cuối con ngõ nhỏ được gọi lóng bằng cái tên “Ngõ Lỗ Thủng”. Nghe không sang nhưng so với tên thật mà giới chính quyền đặt cho, nó mang ý nghĩa trào phúng hơn nhiều.
Xem thêm : Vong Bướm – Nguyễn Huy Thiệp
Ngõ Lỗ Thủng có thật không, có thân xác hay chứng cứ nào xác nhận rằng Ngõ Lỗ Thủng là một con ngõ nào đó nằm đìu hìu trên cái đất Hà Nội này từ ngày xưa đến nay không? Tôi không tin là không có, và càng chấp nhận điều đó dễ dàng hơn khi đọc qua đoạn trích trong một cuộc nói chuyện giữa một nhà báo và Trung Trung Đỉnh như sau: “Tôi hỏi nhà văn Trung Trung Đỉnh: Ngõ lỗ thủng ở đâu và… như thế nào mà đã đi vào tiểu thuyết, vào phim đầy hình tượng đến vậy? Ông cười: “Nó chỉ đơn giản là một cái ngõ nhỏ như bao con ngõ khác ở xứ sở này. Nó ở gần phố Vân Hồ 3, nơi tôi và rất nhiều bạn văn đã sống ở đó trong những ngày gian khổ của đất nước. Bản thân ngõ nhỏ đó không có tên, nhưng những người đi tập thể dục đã khoét một lỗ thủng để đi vào công viên Thống Nhất. Đó là lối đi đến công viên gần nhất của những hộ sống gần đấy. Tôi gọi nó là ‘ngõ lỗ thủng’ đúng như thực tế vốn có của nó mà thôi”.”
Cái hay của cuốn tiểu thuyết là cách thức vun vén những câu chuyện tầm thường xung quanh tác giả, thả vào đó một chút tình, chút văn đủ để biến nó thành những nếp gấp lộ liễu của thời gian chứa đựng nét đặc trưng vốn có của xã hội thời bấy giờ. Nhưng đúng thật, truyện của Trung Trung Đỉnh viết gì cũng thật, đọc xong vài lần mà cứ ngỡ trong cái ngõ mà người đọc đang sống cũng hiện hóa một cái anh Gù, chân lủng lẳng cùng cái ghế đũn bất ly thân đang bán nước đầu ngõ và biết đâu lại có một cái lỗ thủng cuối ngõ mà bản thân chưa bao giờ để ý hay chăng.
Xem thêm : Rồng Đỏ
Sự chuyển biến của xã hội luôn là một đề tài được toàn xã hội dõi theo, đặc biệt là những con người mang trong mình đặc tính nhạy cảm như các nhà văn. Họ, không ai khác, sẽ là ánh sáng soi tỏ những góc khuất thâm trầm nhất, nghiệt ngã nhất mà không phải ai cũng dám bước chân đến, bằng một cây viết và niềm say mê vô bờ bến.
– Ngõ Lỗ Thủng –
Trung Trung Đỉnh
P/s: Cứ mỗi lần đọc là một lần ngẫm nghĩ về một thời mình chưa được sinh ra, một thời mà cứ nhắc lại, những người lớn tuổi đều nhìn về phía xa xăm, như thể cái thời ấy ở ngay trước mắt vậy!
Bài review của tác giả Kiên Bắp (https://www.facebook.com/profile.php?id=100009863448392&lst=100016674849689%3A100009863448392%3A1528171259)
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học