Trước khi đọc cuốn sách này, mình đã tự hỏi, rốt cuộc anh AQ này là ai mà nhắc đến cái tên này thì lớp cha ông mình đều bàn luận rôm rả. Anh ta có vĩ đại như Lenin, có độc ác như Hitle, có được sùng bái như Mao Trạch Đông không? Hay anh ta lưu manh như Chí Phèo, gặp thời như Xuân tóc đỏ, bần cùng và nghèo đói như lão Hạc?
Ngay mở đầu câu chuyện, Lỗ Tấn đã phải đau đầu trong việc đăt tên cho cái “pho chính truyện” của AQ chính bởi một phần vì xuất thân của anh ta. Gọi là “liệt truyện” thì AQ chẳng phải nhân vật tai to mặt lớn nào trong chính sử. Gọi “tự truyện” thì thấy sai quá thì tác giả có phải AQ đâu. Nói “ngoại truyện” thì “nội truyện” ở đâu? “Biệt truyện” thì lại chẳng có vị vua quan, tổng thống nào ra lệnh tác giả phải viết về AQ cả. Tác giả cũng không rõ mình với AQ có họ hàng gì không nên cũng không dám đặt là “gia truyện”. Định đặt “tiểu truyện” thì AQ cũng chưa có “đại truyện” nào. Rốt cuộc chọn mãi cũng được cái từ “chính truyện.”
Quay trở về thân phận của nhân vật chính, Lỗ Tấn còn chẳng biết họ của anh, lại càng không biết tên anh viết thế nào, A Quây, A Quý hay A Quế nên thôi cứ viết tắt thành AQ cho ngắn gọn, quê quán thì mập mờ chẳng biết anh đến từ đâu. Đã thế AQ còn rõ lắm tật xấu. Tính tự cao, đắc ý, say rượu và chửi người.
Nếu để dễ hình dung nhất thì có thể nói AQ giống Chí Phèo của Việt Nam. Cả 2 cùng bị mọi người căm ghét và xa lánh, cùng không có nhà có cửa, lại bị lũ địa chủ phong kiến áp bức đến đường cùng. Nhưng AQ cũng khác với Chí Phèo, đó là anh ta chấp nhận nhịn nhục để sống “Y nhận thấy y là người giỏi nhịn nhục bậc nhất” rồi mỗi khi đánh nhau thua trận thì lại tự nhủ “Nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó”. Còn Chí Phèo thì không như vậy, Chí rạch mặt để ăn vạ, vác dao đến chém chết Bá Kiến rồi tự sát.
Xem thêm : Vì sao sinh viên nên đọc sách của tác giả Nietzsche?
Có thể nói AQ chính truyện chính là thiên truyện xuất sắc của Lỗ Tấn để phê phán thói xấu muôn đời của người Trung Quốc thông qua nhân vật AQ, từ thói mê muội, chấp nhận để chính quyền “mị dân” đến thói coi mình là nhất mà khinh thường người khác. Đúng với mục đích ban đầu khi Lỗ Tấn bước vào nghề viết thay vì tiếp tục nghề thuốc, đó là dùng văn chương để chữa căn bệnh nan y về tinh thần của người Trung Quốc, góp phần thay đổi nhận thức xã hội về lâu về dài chứ không phải trong chốc lát.
Bên cạnh AQ chính truyện thì tuyển tập này còn có rất nhiều truyện ngắn đặc sắc khác của Lỗ Tấn, nổi tiếng nhất phải kể đến Cố hương với trích dẫn: “kỳ thực, trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi.” Mình cũng rất thích truyện Thuốc (mẩu truyện đã được đưa vào sgk) nữa nhưng thật tiếc là cuốn này lại không có.
Về tác giả Lỗ Tấn, các bạn có thể xem thêm tại Wiki:
Lỗ Tấn có nguyên danh là Chu Chương Thọ, tự Thụ Nhân (樹人), hiệu Dự Tài, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881 tại huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang trong một gia đình quan lại đã sa sút.
Xem thêm : Tự Truyện Adrea Pirlo – Tôi Tư Duy Là Tôi Chơi Bóng
Cha ông là Châu Bá Nghi đỗ tú tài nhưng không được ra làm quan, bị bệnh mất sớm. Mẹ của ông là Lỗ Thụy. Bà đã sớm có ảnh hưởng đến khả năng văn chương của Lỗ Tấn qua việc bà kể cho ông nghe nhiều truyện cổ dân gian. Lỗ Tấn là bút danh ông lấy từ họ mẹ “Lỗ”. Thuở nhỏ ông thường đi học muộn, ông đã tự tay cầm dao thích chữ Tấn trên mặt bàn học để nhắc nhở bản thân phải nhanh nhẹn khẩn trương. Chính vì vậy sau này khi viết văn ông đã lấy bút danh là Lỗ Tấn.
Năm 1899, ông đến Nam Kinh theo học ở Thủy sư học đường (trường đào tạo nhân viên hàng hải). Hai năm sau, ông thi vào trường Khoáng lộ học đường (đào tạo kỹ sư mỏ địa chất). Năm 1902, Lỗ Tấn du học Nhật Bản, tại đây ông tham gia Quang Phục hội, một tổ chức chính trị của người Hoa.
Sau hai năm học tiếng Nhật, năm 1904, ông chính thức vào học ngành y ở trường Đại học Tiên Đài. Năm 1906, ông thôi học và bắt đầu hoạt động văn nghệ bằng việc dịch và viết một số tiểu luận giới thiệu các tác phẩm văn học châu Âu như thơ Puskin, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Jules Verne. Năm 1909, vì hoàn cảnh gia đình, Lỗ Tấn trở về Trung Quốc. Ông dạy ở trường trung học Thiệu Hưng và có làm hiệu trưởng trường sư phạm Thiệu Hưng một thời gian.
Từ 1920 đến 1925, Lỗ Tấn làm việc tại các trường Đại học Bắc Kinh, Cao đẳng Sư phạm Bắc Kinh và Đại học nữ Sư phạm Bắc Kinh. Năm 1926, ông tới Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) và làm việc tại trường Đại học Hạ Môn. Đầu năm 1927, Lỗ Tấn đến Quảng Châu, làm trưởng phòng giáo vụ kiêm chủ nhiệm khoa văn của trường Đại học Trung Sơn. Tháng 10 năm 1927, ông rời Quảng Châu tới Thượng Hải. Ông mất ngày 19 tháng 10 năm 1936.
Bài review của tác giả Trương Thu Hoài – Editor at Trạm Đọc
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học