Vì sao sinh viên nên đọc sách của tác giả Nietzsche?

Nietzsche – thiên tài mổ xẻ tàn nhẫn lý trí, luân lý, tâm lý học, lòng ái quốc, tình nhân loại,..
Friedrich Nietzsche
Đọc ông giúp cho bạn có critical thinking tốt hơn. Có thể kiểm nghiệm ngay những cách ngôn của ông là đúng hay sai (phải xem xét góc độ, hoàn cảnh, thời gian,…khi kiểm nghiệm cách cách ngôn của ông)
“trước khi những bài viết của tôi là có thể “đọc được”-, ban đầu hầu như phải là một con bò cho một điều này, và chắc chắn không là một “người hiện đại”: đó là sự nhai lại….” [***]
Phương pháp suy luận: người ta thường lấy lý trí làm căn bản hoặc trực giác của mình để suy tưởng. Nietzsche cũng vậy, nhưng khác ở chỗ là cách thức suy luận của ông không ở đồ dùng, mà ở cách dùng đồ ấy.
Để tránh việc sai lầm khi tư duy bằng trực giác thì ông luôn luôn có một cuốn sổ tay trong túi áo, khi nghĩ ra gì thì viết ngay vào. Khi Nietzsche dùng lý trí suy tưởng thì ông dùng 2 phương pháp là: phê bình và giải tích tâm lý.
VIệc phê bình là luôn luôn đối với Nietzsche, ông cứ “chửi” 2 câu đã rồi nhận xét sau. (Có lẽ trừ Dostoevsky hoặc do sự hiểu tôi về phương pháp phê bình này chưa tới.) Trước khi kiến thiết ông luôn dùng búa đập vào đó.
Phương pháp giải tích tâm lý thì được ông nhận xét như sau trong cuốn Human, All to human: “Sự quan sát tâm lý là một trong những phương pháp để làm cho gánh nặng của đời sống nhẹ bớt; tập được nghệ thuật đó thì trong những trường hợp khó khăn người ta được nhanh trí, và trong giữa một bọn người chán ngắt người ta được giải trí;” Nietz cũng tự phê bình phương pháp này của mình: “Nghệ thuật đó (nghệ thuật giải tích tâm lý) khiến người ta phải ngạc nhiên. Nhưng, nếu một khán giả, không có một mục đích khoa học, mà chỉ có một mục đích vị tha, thì sẽ nguyền rủa cái nghệ thuật hình như muốn trồng vào trong các tâm hồn một khuynh hướng hạ phẩm giá con người xuống và nghi ngờ cả những phẩm giá ấy.
Cách ngôn là phong cách của Nietzsche. Những câu cách ngôn ngắn gọn, bén sắc làm đau những tâm hồn thiếu tưởng tượng và hời hợt; làm những tâm hồn như tôi trở nên ảo tưởng, thích đập phá như thể hay lắm; làm những tâm hồn già dặn mỉm cười thích thú,… nhưng không có tâm hồn nào có thể hiểu trọn vẹn cách ngôn. Hình thức cách ngôn ảo diệu nhất của Nietz là kỳ thư Zarathustra với những câu thơ không vần.
Ông không ưa thuyết minh, giảng giải dông dài vì 2 nguyên do.
1. “Cách ngôn, châm ngôn, trong đó tôi là bậc thầy đầu tiên trong đám người Đức, là những hình thức của “vĩnh cửu”; tham vọng của tôi là nói trong mười câu điều mà tất cả những người khác không nói[nổi] trong một cuốn sách...”[**] (đọc câu này cũng đủ thấy hết cái khí ngạo mạn, mạnh mẽ của một thiên tài rồi)
2. Vì cái ông nói là cái mới có lần đầu, – mà cái chưa có bao giờ thì giảng nổi. Nên ông chỉ ưa khẳng định: cái này đúng. cái kia sai.
Tôi không biết người khác sẽ nói gì khi nói đến Nietzsche, riêng tôi thì luôn khuyên người khác hãy bỏ qua câu :”God is dead” khi tiếp cận Nietzsche. Vì nó đòi hỏi bạn phải có một phổ kiến thức rất rộng (bối cảnh Đức và thế giới, tâm lý chung thời đó, những thay đổi gì tác động vào tâm lý, hình thái, luân lý, hành động,…của con người Châu Âu lúc đó). Để hiểu câu này thì cần hành trình dài không đáng để đánh đổi. Khi hiểu xong thì sao? Nietzsche còn bao nhiêu điều hay ho khác. Các quan niệm triết học của ông về tri thức, tiến hóa luận, lịch sử, xã hội, tôn giáo thì tôi chưa hiểu được nên sẽ viết khi nào biết hoặc hiểu.
Sau câu sấm ngôn “God is dead” thì luồng sấm sét tiếp theo của Nietzsche là học thuyết Siêu Nhân – trung tâm suy tưởng của Nietzsche. Ông mượn hình ảnh của nhân vật Zarathustra để khai triển học thuyết. Và cuốn kỳ thư “Zarathustra đã nói như thế” là mạch nguồn của triết học Nietzsche. Tôi thì cũng chỉ mới hiểu được 10 – 15% ý của cuốn Zarathustra (mà còn ko biết là hiểu đúng hay hiểu lầm). Nhưng tôi biết trong cuốn kỳ thư này miêu tả toàn bộ tính cách Siêu nhân của Nietzsche. Được chia thành 2 tính chất: là tính cách tiêu cực [san bằng những công trình của tiền bối] và tích cực [nói về siêu nhân]
Ta rao giảng với các ngươi về Siêu nhân. Con người là cái gì cần phải được vượt qua. Các ngươi đã làm gì để vượt qua con người?
Cho đến nay, tất cả những sinh vật đều đã sáng tạo nên một cái gì vượt quá chúng, các ngươi lại muốn mình là nghịch triều trong cơn sóng lớn ấy, muốn quay trở lại với con thú hơn là vượt qua con người sao?
Con khỉ đối với con người là gì? Một đối tượng cười nhạo hay một sự hổ thẹn đầy đớn đau. Và con người cũng phải như thế đối với Siêu nhân: một đối tượng để cười nhạo hay một hổ thẹn đớn đau.
Các ngươi đã vượt qua con đường dẫn từ loài sâu bọ đến loài người, nhưng về nhiều phương diện, các ngươi vẫn còn là loài sâu bọ. Xưa kia các ngươi đã là loài khỉ và cả bây giờ nữa, con người còn khỉ hơn bất luận con khỉ nào.
Ngay kẻ hiền triết nhất trong các ngươi cũng chỉ là một cái gì phân tán và hỗn tạp: nửa cây nửa ma. Thế mà, ta có mời gọi các ngươi trở thành cây cối hay ma quỷ không?
Này đây, ta rao dạy cho các ngươi Siêu nhân!” (tr.29 [*])
Tránh hiểu siêu nhân theo các thuyết của mấy tay đầu cơ chính trị nha.
Ngoài triết lý về siu nhân thì ông còn một cái nữa là:
Ta sẽ thuyết minh cho các ngươi nghe về ba cuộc hóa thân của tinh thần: làm thế nào tinh thần trở thành lạc đà, làm thế nào lạc đà trở thành sư tử, và sau cùng làm thế nào sư tử trở thành trẻ thơ.”(tr.48 [*])
1. Con Lạc Đà: quỳ gối và để người ta chất lên lưng mình rất nhiều GIÁ TRỊ xã hội, truyền thống, văn hóa, nhân loại, gia đình, bạn bè,… luôn nói: tôi PHẢI, VÂNG cứ chất lên đi. (phải lễ phép, phải ăn nói lịch sự dù nó giả tạo, phải mỉm cười dù chả có cái gì buồn cười, phải kính trên nhường dưới, phải, phải, phải với 1 sự tự hào(buồn cười)… và lên đường đi vào sa mạc (nghe nói sa mạc của Nietzs là thuyết hư vô) Nhưng rất nhiều kẻ cam tâm tình nguyện còng lưng gánh những giá trị đó cho đến suốt đời: “yêu thương kẻ khinh bỉ ta và đưa tay về phía ma quỷ khi ma quỷ muốn làm ta khiếp hãi?” tr.49 [*]
2. Con Sư Tử: xuất hiện khi bạn dám một mình đi vào sa mạc hoang liêu (sự cô đơn) và gầm lên 1 tiếng: ĐÉO. Trong sa mạc này bạn ly cách khỏi loài người thì lúc này bạn sẽ tìm thấy đầy đủ tính người của bản thân mình. Ở giai đoạn này, khi gầm lên tiếng: ĐÉO thì con sư tử phải đối mặt với quái vật: con rồng/đại khủng long : ) “Con đại khủng long “Mi phải” rình dò tinh thần dọc đường, lấp láp ánh vàng dưới lớp da sừng có muôn ngàn vẩy và trên mỗi vẩy, lóe sáng dòng chữ vàng “Mi phải”.” – dòng này có thể hiểu đơn giản là bạn phải chiến đấu với tất cả sự phán xét của các giá trị mà cuộc sống đã hình thành từ lâu – một hành trình cô độc đúng nghĩa. Nếu bạn thua con rồng thì sẽ phải từ bỏ giá trị độc đáo của riêng mình để có thể hòa nhập lại cuộc sống (lưu ý 1 ở giai đoạn này: Nietzsche không khuyên bạn báng bổ, đạp đổ tất cả các giá trị, bạn phải tự suy nghĩ và xem xét một cách công bằng nhất. lưu ý 2: khi bạn từ chối lời mời gọi trở lại của con rồng đồng nghĩa với việc bạn sẽ là người cô đơn. lưu ý 3: khi bạn thỏa hiệp với rồng bạn sẽ an tâm trở lại, nhưng sẽ bị áp đặt ví dụ: tôi là học sinh lớp A, tôi là người VN, tôi là con của tỷ phú,…)
3. tối đa sức mạnh của con sư tử chỉ là chiến thắng được con rồng chứ nó không thể SÁNG TẠO nên giá trị MỚI. “Mi phải ước ao thiêu hủy chính tự thân mình trong ngọn lửa của mi: làm sao mi muốn tái sinh dũng mãnh như phượng hoàng con, khi trước hết mi không tự thiêu hủy tan tành thành tro khói!” tr.115 [*] – nói nôm na là thay đổi nhân cách, nhưng con người là một sinh vật bảo thủ…
Sau khi phá hủy hết thì từ đống tro tàn bạn sẽ hồi sinh/tựu thành: TRẺ THƠ. “Trẻ thơ là sự ngây thơ và quên lãng, một sự tái khởi miên viễn, một trò chơi, một bánh xe quay vòng quanh mình, một vận chuyển đầu tiên, một tiếng “Vâng” linh thánh”. (thực ra giai đoạn này tôi chả hiểu cái m* gì.) Đây là giai đoạn tựu thành cuối cùng, con sư tử trở về làm trẻ con vì trẻ con phủ nhận lý trí, phủ nhận giá trị xã hội. nó thấy bạn xấu thì nó nói xấu, thế mà tôi nói bạn xấu bạn lại bảo tôi vô duyên. (sự khác biệt ở đây là do tôi có học, đã lớn.) Trẻ con có lẽ là đối tượng có thị kiến chân thật về thế giới hơn tất cả, kiến tạo luôn cả thế giới. Ví dụ dễ nhất là mấy trò cảnh sát bắt cướp, nhà chòi,… nó vẫn biết là giả nhưng vẫn chơi với niềm vui chân thực nhất, vui hơn tất cả con người lớn xác : )
Vâng/Phải – Đé*/Không – Vâng/Dạ một vòng tuần hoàn
Nối tiếp theo đó là mệnh đề: “Làm thế nào mình trở thành chính mình?
Trở thành chính mình thì không nên có ý niệm gì hết về bản thân mình.”[**]
Cái mệnh đề hiểu ra chính mình là ai, có năng lực gì, có tố chất, điểm mạnh, điểm yếu gì đã vô cùng khó khăn cho chúng ta; trở thành được chính con người thực của mình còn khó hơn gấp bội. Tạo hóa đã làm cho con người thành loài động vật đặc biệt nhất, mọi loài khác hướng đến cái gì? Chúng làm sao biết được. Nhưng con người thì khác, nếu không tìm ra được bản lai diện mục của mình thì khác nào động vật chỉ tồn tại từng ngày. Tiêu cực hơn có khi còn không tồn tại được.
Tìm ra chính mình còn phải lưu ý về việc: con người chính mình không phải là con người mơ ước, vì con người mơ ước thì vẫn chưa hoàn toàn tách ly khỏi các giá trị của đám đông, quy ước. Lúc đó ý niệm về một con người thế này thế nó vẫn còn tồn tại, sự trở thành chính mình chưa thể thành toàn. Để đi tới được “hang ổ” của chính mình cần có luồng gió mang tên: tinh thần tự do.
Tinh thần tự do là tinh thần đặc biệt độc đáo, trong khi số đông chỉ làm nên tinh thần nô lệ. Số đông chịu khuất phục mọi ảnh hưởng xã hội, nô lệ vào hoàn cảnh của thời đại. Thái độ tinh thần của bọn họ, dựa vào thói quen hằng ngày, chứ không do sự chọn lựa tự do. Tinh thần tự do thoải mái phải thoát khỏi mọi ảnh hưởng của xã hội, của chế độ, của quan niệm quần chúng và cảm thấy rõ cuộc đời nô lệ ẩn nấp sau các thứ tiền tài của danh vọng. Tinh thần đó tự vượt lên trên mọi chật hẹp, nhỏ nhoi, riêng rẻ. Tinh thần tự do, nếu muốn được gọi đúng như thế phải tránh nô lệ vào tính khí của mình. Chúng ta tìm kiếm một cách vô thức các quan niệm, các nguyên lý hợp với tính khí của ta, rồi như tỏ ra đã sáng tạo cá tính của chúng ta như thế vẫn chưa thể thành chính mình thực sự và rơi vào ảo tưởng như tìm ra được chân thân. Phải tránh cái phó mặc, buông trôi, cái lập lờ này và cái hư ảo của chữ tự do tinh thần.
Đó là những gì chính yếu trong quan niệm triết học của ông mà kẻ nhập môn như tôi nắm bắt được. Vẫn còn nhiều cách ngôn hay lắm nhưng không thể diễn giải ra hết cho mọi người được. Nên tìm đọc ông, dù gì ông cũng là một thiên tài mấy trăm năm mới có 1 người : )
Lời kết, đừng bao giờ quên suy tư một cách nghiêm túc khi đọc Nietzsche, nếu không thần tượng sẽ đè bẹp bạn vào một ngày bạn nghĩ mình đã là mạnh nhất. Những sắc thái của tư tưởng sẽ bị mất nếu người ta lấy những hình ảnh cô lập và khái niệm cô lập từ những con chữ trong một vài dòng rồi xem như toàn thể – đó là cái tai hại. Critical thinking – là thứ tư duy chín chắn, “phản” biện lại cả chính mình lẫn người khác, để dần rèn giũa tư duy và dần nhận ra những vùng mù hay điểm khuyết trong hiểu biết hoặc suy luận của mình, từ đó kiện toàn dần. Tin theo và hiểu sai là điều dễ dàng cho người mới khi chập chững sờ soạng ra tên của triết gia này.
Bạn hãy cứ “ngông cuồng” khi mới bắt đầu đọc Nietzsche. Vì ấy là cái trải nghiệm rất bình thường. Rồi cứ mỉm cười, cứ đập phá tất cả các tư tưởng, những kẻ tay mơ tưởng mình đạt đạo, tưởng mình cũng phải đập phá, hung dữ, cổ vũ chiến tranh, không đạo đức, đạp đổ giá trị,… thực không có gì đáng thương hơn. Nhưng rồi tư tưởng về Nietzsche sẽ tựu thành vào lúc mà bạn trưởng thành hơn. Quan trọng hơn là hãy đọc ông : )
[*] Zarathustra đã nói như thế.
[**] Nietzsche Tôi là ai.
[***] Buổi hoàng hôn của những thần tượng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *