Khi đặt bút viết bài review này, tôi đã bắt đầu cuộc hành trình “sống chậm” được một thời gian rồi. Sau một chuỗi ngày dài đầy biến động, cái khoảnh khắc khi tôi cạn kiệt hoàn toàn năng lượng, và lê lết đến hết ngày chỉ bằng bản năng sinh tồn; những lời của thầy Thích Nhất Hạnh về một hơi thở chánh niệm đã nâng tôi dậy:
“Thở vào, tâm tĩnh lặng
Thở ra, miệng mỉm cười
Thở vào, an trú trong hiện tại
Thở ra, giây phút đẹp tuyệt vời”
Từ những hơi thở đó, tôi nhận ra sẽ tốt hơn nhiều nếu tôi làm mọi thứ thật chậm rãi và tập trung. Và những khoảnh khắc đó đưa tôi trở về với thực tại, để bình yên không còn là một giấc mơ xa vời chỉ tồn tại trong sách vở nữa. Bình yên có ngay tại đây, ngay lúc này.
Vậy, làm thế nào để sống chậm?
Tự mình khám phá cũng tốt thôi, nhưng sẽ dễ dàng và tuyệt vời hơn nhiều nếu chúng ta có chỉ dẫn rõ ràng từ những người đi trước.
Trong cuốn sách “Sống chậm”, Melanie Barnes đưa ra cho chúng ta một bản tóm tắt chi tiết về lối “sống chậm” này. Lối sống này là gì, nó có ý nghĩa gì và thậm chí là những thách thức của thời đại tác động lên nó. Sau đó, tác giả đưa ra một loạt những hướng dẫn ngắn gọn mà hiệu quả để chúng ta có thể thực hành sống chậm ngay trong cuộc sống hàng ngày mà không cần phải qua trường lớp hay chuẩn bị gì cả (Tại sao phải chuẩn bị để sống? Khi việc bạn đang sống thôi đã là điều tuyệt vời nhất rồi?).
– Digital Detox: Cách cai nghiện điện thoại và mạng xã hội để bạn toàn tâm toàn ý sống với chính mình.
– Cách sắp xếp thời gian hợp lý và làm việc khoa học: bởi vì sống chậm không phải là so sánh xem chúng ta có bao nhiêu thời gian nhàn rỗi, mà là khả năng chúng ta chủ động tạo ra nó được tới đâu.
– Trân trọng những khoảnh khắc thong dong của riêng bạn.
Từ bản thân bạn, dần dần tiến đến môi trường xung quanh: cách xây dựng một ngôi nhà “sống chậm”, sống theo từng mùa và thực hành sống bền vững qua thời trang và mua sắm hàng ngày.
Ở bài viết này, tôi không chỉ muốn review cho các bạn về một cuốn sách, mà tôi muốn giới thiệu cho các bạn về một lối sống – lối sống mà tôi vẫn hay mượn lời thầy Minh Niệm (tác giả cuốn Hiểu về trái tim) để nói về nó: lối sống “bình yên giữa biến động”.
Sẽ thú vị lắm nếu bạn thử kết hợp “sống chậm” với lối sống “wabi – sabi” (yêu những điều không hoàn hảo) hoặc lối sống tối giản. Chúng ta đương nhiên có thể chỉ tuân theo một lối sống, nhưng là một bản thể đặc biệt và duy nhất trong vũ trụ, hà cớ gì chúng ta không thử kết hợp chúng với nhau, để xây dựng nên một lối sống phù hợp nhất với chính mình? Trên tất cả, mang đến cho bạn một cuộc đời xanh tươi bền vững và trọn vẹn nhất chính là ý nghĩa chủ đạo của các lối sống, phải không nào?
Có thể bạn quan tâm
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học