SERIES JAMES BOND: NHIỀU ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Góp mặt trong danh sách 50 nhà văn Anh quan trọng nhất thế kỷ XX bên cạnh những A.S. Byatt hay Martin Amis, Ian Fleming có thể gây ra những tranh cãi nhất định về văn chương của ông không chỉ ở thời điểm bảng xếp hạng ra đời, mà còn là những thế hệ gần đây. Với sự trỗi dậy của phim Hollywood, bất cứ hình tượng 007 nào trên phim cũng có thể khiến khán giả vỡ mộng khi đọc bản gốc.
Series James Bond có thể nói là nguồn cảm hứng để tạo nên một trong những thương hiệu có đời sống lâu dài nhất ở Hollywood. Ở mỗi mùa phim ra mắt, người ta lại đồn đoán xem lần này y ta sẽ gặp lại ai, bị quyến rũ như thế nào hay có kẻ thù nào mới. Những pha hành động ngẹt thở có thể sẽ không xuất hiện trong sách của Fleming, nhưng ngược lại, những gì nguyên bản và cốt lõi nhất, thì có thể nói, đều từ nguyên tác mà ra.
Ở Việt Nam, series James Bond đã có mặt từ rất sớm với nhiều truyện ngắn khác nhau, nhưng gần đây mới được tái bản và đầu tư về hình thức cũng như nội dung. Tập đầu tiên Casino Royale như khúc mở màn báo hiệu một cá tính đặc biệt, khi không chỉ là một người đàn ông trưởng thành đẹp mã nhiều tài năng, mà y ta cũng khôn khéo dùng chính trí tuệ của mình trong những trò cân não.
Ngay từ những phút đầu, Ian Fleming – từng là một cựu điệp viên, không có gắng biến nhân vật của mình thành một superhero cứu nhân độ thế, mà Bonds chỉ đơn thuần làm công việc của mình, và có thể mắc hàng hà sai số sai lầm, như sau này cuốn thứ 5 trong series – Lời chào từ Moskva chỉ ra, là ham thích dục tình cũng như quá tự tin vào khá năng của mình. Nguyên tác của Fleming nếu đặt hẳn ra khỏi bối cảnh và những chỉ đạo diễn xuất của Hollywood, thì có thể nói khá tương đồng với những trang hồi kí ghi lại những gì ông đã trải qua trong phần lớn cuộc đời của mình, sau khi nghỉ hưu.
Nói thế để hiểu rằng, từ Sean Connery, David Niven, George Lazenby, Roger Moore, Timothy Dalton, Pierce Brosnan hay di sản gần đây nhất của Daniel Crag; tất cả đều sở hữu lại một motif chung nhất của chàng điệp viên từng xuất hiện trong những tưởng tượng của Fleming, chứ không hẳn là những gì ông đã viết ra. Trải qua hơn gần 60 năm hình thành và phát triển, có thể 007 trải qua nhiều lần thay hình đổi dạng, nhưng cái cốt lõi chung nhất vẫn có thể thấy được, qua những miêu tả của Fleming, mà rõ ràng nhất là qua Lời chào từ Moskva.
Trong phần 5 này, Fleming dành ra đến hơn phân nửa thời lượng để giới thiệu về kẻ thù của Bond – điệp viên Grant với cơ thể cường tráng, hoàn hảo cùng quãng thời gian y ta trưởng thành, lớn lên thành người máy lạnh. Fleming mang chất văn chương vào trong tác phẩm của mình khi xuyên suốt tiểu thuyết, ông dùng một hình tượng vừa rất diễm tình mà cũng đối trọng – hoa hồng đỏ. Ở xứ nước Nga với điện Kremlin nhuộm đỏ, sự tương phản giữa cái kì bí với những mưu mô được vạch ra rõ bằng chính đường ranh mà ông điểm xuyết hầu hết cuốn sách của mình.
james bond loi chao tu moskva
Đọc những tác phẩm này, độc giả có thể hiểu thêm về motif chung của những sát thủ đươc tuyển chọn gắt gao – về cuộc sống gia đình có phần biến động, về những hành động có phần biến thái giúp đưa họ vào một đời sống chung. Fleming cũng cẩn thận điểm qua những tiểu thuyết về khu nhà ở, tình hình tình báo, nhiệm vụ của tổ chức trừ khử điệp viên SMERSH cũng như các vụ công tác thất bại. Fleming viết sách của mình cụ thể, chi tiết và đầy tính điện ảnh, cho nên việc chuyển thể nó là điều vô cùng dễ dàng.
Cũng tương tự Đứa trẻ thứ 44 của Tom Rob Smith, Fleming sử dụng nước Nga để làm bối cảnh cho những đứa trẻ “lệch chuẩn” bởi một xã hội khép kín và đầy cô độc. Đó là Grant như kết quả chóng vánh của một cuộc tình, đó là hạ sĩ Tatiana Romanova ngây thơ, vô tội, chỉ như chốt thí; và cả một bối cảnh chính trị đằng sau, với chính sách “mềm hóa” của giới quân sự Liên Xô, nhằm cảnh cáo Anh cùng những liên minh Tây phương.
Fleming chú trọng hóa đến nguồn cơn, diễn tiến và nhịp thời gian; dẫn đến các pha hành động cũng như plot twist thường được ông đẩy đến phía sau cùng. Lời chào từ Moskva không thiếu những pha trí trá thay hình đổi dạng, để đằng sau một khúc quanh này là khúc quanh khác, với các nhân vật liên tục xuất hiện từ trong bóng tối, để hoàn thành sứ mệnh giết chóc của chính bản thân mình.
Những người trong bối cảnh vô cùng biến động với những thiên chuyện được lồng trong nhau, từ bà Rosa Klebb lạnh lẽo, tàn nhẫn – như người đàn bà ngồi thêu bên cạnh máy chém trong văn Dickens, hay những vụ trả thù bạo tàn của những bộ tộc Gypsy ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Fleming vận dụng một cách sâu sắc các yếu tố văn chương bên lề để dựng nên một tiểu thuyết tưởng giản đơn và không có gì khác ngoài những đánh đấm. Chắc không ai ngờ rồi sẽ tìm thấy những Hai kinh thành với hình tượng đan len và máy chém, cũng không ai hay sẽ có những khảo cứu rất riêng về những bộ tộc du mục người Thổ hay phong tục “ăn miếng trả miếng” đã được hình thành từ thời Thập tự chinh của dân Byzantine…
Từ những điều trên có thể thấy Fleming không chỉ là Fleming của 007, mà tác phẩm của ông có sự bao trùm nhiều lĩnh vực đời sống. Một kiểu tương tự như Umberto Eco. Nhưng nếu Eco buộc chính người đọc phải ngồi vào bàn và thật tập trung, thì Fleming với vốn kiến thức vô cùng phong phú, đơn thuần thêm thắt vào những bi kịch những điều rất riêng, gần như tuyệt mật mà chỉ những ai hoạt động trong nó mới có thể hiểu rõ.
Do đó nằm trong 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất thế kỷ XX là một danh xưng xứng đáng cho cha đẻ của ngành tiểu thuyết điệp viên (dĩ nhiên là nếu không tính John le Carré). Và nếu có bất cứ ai tin rằng mình đã hiểu hết khi xem 007 bản Hollywood, thì hãy cầm chừng, vì Fleming sẽ mở ra lại những con đường mới mà bạn chưa hề biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *