Ai trong số chúng ta cũng dễ mắc phải những lỗi vô duyên trong giao tiếp mà không biết. Hôm nay mình soạn ra 4 điểm mà Đắc nhân tâm đã chỉ ra 1 cách chính xác. Cuốn sách nói điều nên làm, nhưng mình sẽ tiếp cận từ hướng những điều nên tránh. Như vậy dễ thấy chúng ta trong đó hơn.
1. CHỈ TRÍCH: Lỗi phổ biến nhất. Chúng ta thích phán xét người khác, đặc biệt khi thấy họ vô tình hay cố ý phạm phải 1 sai lầm nào. “Sao anh ngày nào cũng đi nhậu vậy?” “Sao con chẳng thương mẹ gì hết!” “Mày bị đui à?”, “Anh nói vậy là sai hoàn toàn!” Thật ra, chỉ trích chỉ sướng mồm người nói chứ không đạt được hiệu quả giao tiếp. Bằng chứng là người bị chỉ trích sẽ thấy khó chịu, và sẽ tìm cách cãi lại cho đến cùng để biện hộ cho bản thân. Không ai thấy dễ chịu khi ở bên cạnh một người suốt ngày phán xét và chỉ trích.
Vd 1 cô gái cương quyết lấy người ai cũng phản đối. Sau này khi bị phản bội, cô tìm đến mẹ để khóc lóc. Nếu là trong phim Mỹ, người mẹ sẽ im lặng ở bên cạnh, ôm ấp vỗ về. Còn nếu là phim Việt, tạo hình người mẹ quen thuộc sẽ là “Thấy chưa? Tao đã bảo mà mày không nghe!” Cùng là tình yêu bao la của mẹ, nhưng cách giao tiếp có phần khác nhau. Thực tế, mọi lời chỉ trích là thừa thãi.
2. CHÊ BAI: “Sao dạo này mập thế?”, “Định không lấy chồng à?”, “Thằng này không thông minh bằng con chị nó.” … Nhiều người hay vô duyên kiểu đó. Nếu đọc Đắc Nhân Tâm, họ sẽ biết không ai ưa người hay nói những lời khó nghe, rằng ai cũng thích nghe những lời khen tặng. Khen không có nghĩa là nói dối. Nếu bạn thấy đứa bạn uốn tóc già chát, thì đừng thảo mai “Ôi, kiểu tóc này trông trẻ ra vài tuổi.”, mà hãy chọn cái khác mà khen, ví dụ “Màu tóc này đẹp nè.” Sách Đắc Nhân Tâm cũng dạy khen thật, không khen nịnh. Học cách khen thật là học cách nhìn vào ưu điểm của người khác.
3. NÓI QUÁ NHIỀU về bản thân, hoặc về chủ đề mà đối phương không thích nghe: Nói thao thao bất tuyệt quên luôn nhìn nét mặt của đối phương đang tuyệt vọng ra sao. Đắc Nhân tâm dạy chúng ta kìm hãm cái ham muốn thể hiện đó, bởi ai cũng muốn được thể hiện như chúng ta cả. Hỏi nhiều, nói ít, lắng nghe sâu – đó mới là phong thái của một người giao tiếp giỏi.
4. MẶT LỊT LỊT: Tâm sinh tướng. Rất nhiều người lỡ mang cấu hình mặt chằm bằm nhiều năm mà không hề có ý định thay đổi. Hoặc có thể họ nghĩ đó là thứ không thể thay đổi. Đắc nhân tâm sẽ truyền cảm hứng cho bạn tập mỉm cười, vì đó là cách đơn giản nhất để tạo thiện cảm cho người đối diện. Hàn Quốc có câu: Không phải có chuyện vui đến nên tôi mới cười, mà tôi cười nên mới có chuyện vui đến.
Hồi trước có người nhìn mình với gương mặt nghiêm trọng, bảo “Cuốn đắc nhân tâm được xem là 1 cuốn tà đạo, vì nó phục vụ cho những người bất nhân đi chốt sale”. Mình hỏi:
– Vậy con dao là xấu hay tốt? Nó là hung khí của tụi giết người đó.
Mình nghĩ, đã máu sát nhân thì bất cứ thứ gì rơi vào tay họ cũng thành hung khí. Nếu tâm bạn đẹp, chỉ tội chưa biết cách giao tiếp như thế nào cho duyên dáng và đẹp lòng người, thì cuốn Đắc Nhân tâm này là một cuốn nên gối đầu giường. Tất nhiên, đọc xong không thể tốt lên được ngay, nhưng ít nhất, khi mình không tốt mình cũng biết đang không tốt chỗ nào (4 điểm kể trên chẳng hạn). Còn hơn là vô duyên mà không hề biết mình vô duyên.
Mẹ Teresa từng nói “Đừng để ai đến với bạn rồi ra đi mà không hạnh phúc hơn.” – Đắc nhân tâm sẽ cho bạn thấy tâm lý chung của người đối diện như thế nào mà lựa chọn cách làm cho họ “hạnh phúc hơn” sau khi gặp mình.
(Phạm Quỳnh Giang)
Có thể bạn quan tâm
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học