Mùa Hạ Cuối Cùng (Lưu Quang Vũ) – Khi nền giáo dục bị xuống cấp, đạo đức con người đi về đâu?

5/5 - (1 bình chọn)
Kịch] Mùa hạ cuối cùng (2014) | W a t c h i n g ☆ C a f e
Câu chuyện trong Mùa Hạ Cuối Cùng xoay quanh nhân vật Châu, một học sinh lớp 12 giỏi giang thông minh và thẳng thắn. Trong bài thi tốt nghiệp cuối cấp của mình, Châu phát hiện ra đề thi đã bị lộ và chính em cũng đã vô tình ôn luyện đúng đề thi đó từ trước. Châu báo cáo lại với thầy giáo trông thi và đề nghị một đợt thi lại nhằm tạo một kì thi trung thực không gian lận. Tuy nhiên,vì bảo vệ danh dự của nhà trường, Hội Đồng Trường đã bác lại đề nghị tốt đẹp đó và còn liệt cậu vào danh sách học sinh cá biệt. Từ một hành động tốt mà lại bị khinh bỉ, vùi dập, Châu đánh mất niềm tin vào lẽ phải, cậu thay đổi và tự tha hóa mình, lạc vào những thú vui sa đọa. Nhưng, những ý nguyện tốt đẹp của Châu chưa bị dập tắt, vẫn có những giáo viên cương trực gương mẫu ủng hộ cậu, cùng muốn đưa sự việc ra ánh sáng. Họ dần thuyết phục được nhà trường tổ chức lại kì thi và cùng Oanh, bạn thân của Châu, họ đã đưa Châu trở về với những điều tốt đẹp, với những ngày tháng trong trẻo của tuổi thanh xuân…..
Là tuyệt tác được ấp ủ từ kinh nghiệm đời văn và kinh nghiệm dạy học những năm 80-85 của mình, có thể nói Mùa Hạ Cuối Cùng cũng chính là tiếng lòng của tác giả . Ông đau đớn trước hiện trạng giáo dục đương thời , muốn dùng ngòi bút vạch trần những điều sai trái . Đó là những thầy giáo cô giáo chạy chọt ghế, tuồn đề thi. Giáo viên người xấu kẻ tốt lẫn lộn nhưng đau lòng thay, đa phần là hùa theo, ủng hộ cho cái sai, cái xấu đang hoành hành, chỉ để giữ gìn chút danh tiếng hão, hoặc tệ hơn, ngậm miệng, không chút chính kiến. Đám học trò học trong môi trường gò bó, khuôn mẫu, thiếu tư duy, luôn bị thầy cô áp đặt. Đó là bi kịch của hơn 30 năm trước đây, vậy sau 30 năm thì sao? Tuy rằng ngành giáo dục có chút ít tiến bộ trong tư duy , thế nhưng lớp học sinh vẫn phải học theo khuôn mẫu thời trước, vẫn phải chạy theo bệnh thành tích. Chúng ta vẫn chứng kiến những vụ bê bối giáo dục lớn: giáo viên đánh đập học sinh, học trò mua dâm cho thầy để được tuồn đề, hay to hơn là những vụ gian lận quy mô ở Hà Giang, Sơn La năm 2018. Phải chăng nền giáo dục nước ta vẫn chưa thể giải quyết được tấn bi kịch thời bao cấp hay sao?
Nhân vật Châu chính là hình ảnh tác giả hóa thân vào. Cậu có con tim trung trực, thẳng thắn, cậu dám dũng cảm phát giác việc bài thi bị lộ, đề nghị tổ chức thi lại, không chấp nhận việc gian lận. Thế nhưng, lực bất lòng tâm, việc tốt lại hóa thành việc xấu, một mình cậu không chống lại được căn bệnh thành tích vốn đã ăn sâu bám rễ trong giới giáo viên nhà trường, đề lấp liếm cái sai đó, họ từ chối đề nghị của cậu, liệt cậu vào học sinh cá biệt. Tệ hơn nữa, sự thẳng thắn của cậu bị đáp lại bằng sự trách móc từ bạn bè, gia đình cũng không ủng hộ cậu. Trong lúc hoang mang, tuyệt vọng, cậu tìm đến thầy Hiển, một giáo viên có tinh thần cách mạng, người thầy đã cổ vũ những bài giảng kiểu mới: tranh luận, tự nghiệm,… và cũng là chỗ dựa mà Châu tin tưởng, Nhưng đáng tiếc thay , lắm lúc người tốt cũng chịu thua cái ác quá sớm, dù là người luôn đứng về phía học sinh, thầy lại nói ““Nhiều khi chúng ta phải nhượng bộ cuộc sống!”. Ở cái tuổi đôi mươi mới lớn, câu nói của thầy Hiển, một người tràn đầy nhiệt huyết đổi mới, như giọt nước tràn ly trực tiếp đẩy cậu vào bi kịch mất lòng tin vào con người, vào cuộc sống! Ôi chao bi kịch của Châu làm tôi nhớ đến một câu nói rất ảm ảnh của cô giáo trong vở kịch “Mỗi chúng ta chẳng là gì hết, mỗi thành phố nơi ta ở chỉ là một chấm nhỏ xíu trên quả địa cầu, mỗi chúng ta chỉ là những con người bé nhỏ sống trong thành phố này, mà quả địa cầu này cũng chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ vô tận, chúng ta gắng sức mà làm gì?” Con người quả thật rất nhỏ bé, và lại càng nhỏ bé hơn khi một mình đối chọi lại cả 1 xã hội, cả 1 bộ máy như Châu, như Lưu Quang Vũ.
Nhưng thật may thay, nhà viết kịch đã không để câu chuyện kết bi thảm như vậy, vẫn có những cá nhân hiểu rõ trắng đen, đó là bạn thân Oanh của cậu, là những giáo viên chân chính trong Hội Đồng, và cả thầy chủ nhiệm,sau khi đã hiểu ra câu nói sai lầm của mình. Không chỉ thế, trong khi đang ngập trong sự sa đọa ngoài kia, tâm trí Châu vẫn có lúc hướng về ngôi trường, về bạn bè, tình thầy trò, và nhất là kí ức về những cơn mưa rào cuối hạ, những lần cậu và Oanh từng chạy qua cơn mưa, cùng nắm tay hát, cùng ngâm thơ Xuân Quỳnh…., Những kỉ niệm đó, sao cậu quên được, dù rằng cuộc sống thật quá nghiệt ngã với Châu, chỉ cần cậu giữ được tâm hồn trong sáng đó, giữ vững được niềm tin vào những điều tốt đẹp, cuộc sống sẽ không bao giờ chỉ một màu tối
“Mùa Hạ Cuối Cùng” là một trong những vở kịch xuất sắc và giàu tư tưởng mới mẻ của Lưu Quang Vũ. Đó là một áng văn giàu tính chiến đấu và giàu tư tưởng đổi mới. Xoay quanh những vấn đề của nền giáo dục Việt Nam đương thời, nó như là một phát súng bắn vào tư tưởng bao cấp, quan liêu đầy rẫy sai phạm trong giáo dục mà cụ thể là giáo dục trước Đổi Mới. Châu là nhân vật mang tính cách mạng, tiên phong cho phong trào nói thẳng nói thật đối với giáo dục . Đồng thời, vở kịch cũng đánh thức lương tri con người về sự trung thực trong môi trường giáo dục, về điều cần phải làm cho 1 nền giáo dục nhân bản, vì con người, và cho con người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *