Một cuốn sách khiến tôi nghĩ là phải đặt bút xuống viết cảm nhận ngay. Vẫn có những cuốn như vậy, khiến người ta bối rối với những cảm xúc lẫn lộn và day dứt không yên.
Lần này là “ Phía sau nghi can X”. Tên cuốn đã cho thấy rằng nó là một bài toán trinh thám. Mà chỉ một trong hai, ba; hoặc là tất cả X thỏa mãn điều kiện và chính là nghiệm đúng của phương trình.
Đây không phải là một cuốn trinh thám cổ điển – mỹ vị của trinh thám – ly vang lâu năm mà tôi say mê. Nhưng nó vẫn là một câu chuyện tuyệt vời.
Phải nói trước rằng tôi thần cấp dốt toán, đi thi đánh lụi may mắn được 3,0 là mừng rớt nước mắt. Và Keigo bày ra trước mặt tôi hai thiên tài tự nhiên.
Phá án bằng giải toán thì như thế nào? Tôi đã đặt câu hỏi này khi cầm trên tay cuốn “ Cổ tích của người điên” với tất cả sự phấn khích cùng tò mò. Nhưng hóa ra rượu trong chai đã hỏng bét từ lâu rồi, nó chua loét và chát kinh khủng. Một cú sốc lớn và sự sỉ nhục không hề nhẹ đối với trinh thám cổ điển và dân ghiền nó.
Xem thêm : Review sách “Thao Túng Tâm Lý – Nhận Diện, Thức Tỉnh Và Chữa Lành Những Tổn Thương Tiềm Ẩn”
“ Phía sau nghi can X” không phải trinh thám cổ điển. Trinh thám cổ điển là kiểu phá án bằng suy luận thuần túy, chỉ dùng suy luận chắp nối được từ các manh mối, chứng cứ, lời khai,… để dẫn đến kết luận ai là hung thủ. Chỉ có một xác chết, một thanh tra và kẻ đang giấu mình. Tuy nhiên, “ Phía sau nghi can X” chỉ lấy trinh thám là yếu tố cốt yếu, những thứ khác vây quanh. Cuốn sách rất thông minh, hợp lý, đăng đối tuyệt vời. Nhưng cho đến cuối cùng, vẫn không có bằng chứng đanh thép hoặc là đến trang cuối cùng, ai đó theo đuổi ẩn số X vẫn chưa đi đến cùng vì lý do của anh ta.
Tội ác được “ đoán ra” và thú tội. Cuối cùng thì phương trình chưa được giải quyết triệt để mà giống như tôi đánh lụi vậy. Lờ mờ tìm ra chân tướng và quyết định tin tưởng nó. Dù vậy, không có nghĩa là Keigo viết vụng về. Không hề, không hề một chút nào. Đây chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Trinh thám là cốt yếu nhưng không có nghĩa là phải kết thúc theo kiểu thuần túy của trinh thám.
Xác định dạng đề, lập giả thiết, loại nghiệm rồi đi đến kết luận. Một trình tự thường thấy. Nhưng ở đây, nhân vật chính – hai thiên tài lại đưa ra hai bài toán hoàn toàn khác. Họ tương ứng với P và NP, người ra đề và người đi giải.
Câu chuyện tung ra cho người đọc một chân tướng và làm chúng ta đón chờ xem các nhân vật sẽ rượt đuổi nhau như thế nào mà không biết rằng, phía sau vẫn đang còn một bài toán khác. Tất cả chỉ là để đánh lừa chúng ta khỏi nó. Nhìn thì tưởng là toán hình, hóa ra lại là hàm số. Tôi bối rối thực sự. Cảm giác như mình bị cho ra rìa, choáng váng và bất ngờ hoàn toàn.
Có người từng hỏi tôi rằng nếu một thiên tài toán học bỗng dưng đổi ý chuyển sang làm tiểu thuyết gia thì sẽ như thế nào. Có lẽ cũng gần gần như thế này.
Giáo viên toán luôn là người gây nhiều bất ngờ. Họ có thể làm thơ, viết văn, và chửi còn ngoa hơn cả giáo viên ngữ văn. Khi ta lựa chọn một điều gì đó cũng có nghĩa là tự trói buộc và gắn chặt mình với định kiến, công thức về nó. Người ngoài thì khác, họ có thể quan tâm đến lĩnh vực của ta nhưng tự do hơn. Và cứ giữ mãi định kiến thì khó có thể thành công được. Xin trích một câu của Mai Ngô, “ Đúng là trên đời này cái quái gì cũng có thể xảy ra”.
Nghệ thuật lồng ghép, đan xen đầy tinh tế và tài tình; từ tốn như người ta giải toán vậy. Kết quả vừa đủ để thỏa mãn nhưng cũng không kém phần bất ngờ. Không khó hiểu khi ông lại có nhiều người hâm mộ đến vậy. Để trở thành một cái tên khiến người ta nghĩ đến ngay khi được hỏi về một lĩnh vực, đó phải là một bộ óc sáng tạo. Khi mà những gì từng là hóc búa nhất thường được nghĩ đến đầu tiên khi gọi tên trinh thám đã trở nên quá quen thuộc thì tác giả buộc phải có một con mắt mới. Và ta nhận ra nó ở “ Phía sau nghi can X”.
Bài review này là của tác giả Linh Kyouya
Các bài review sách khác của cùng tác giả Highashino Keigo:
Bạch Dạ Hành
Xem thêm : Giới thiệu sách tháng 9 “Hachiko – Chú chó đợi chờ”
Phía Sau Nghi Can X
Thánh Giá Rỗng
Ảo dạ
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Reviews