7 nàng “gái hư” nổi tiếng trong văn chương

7 nàng “gái hư” nổi tiếng trong văn chương
Rate this post

Một người phụ nữ đức hạnh là chủ thể quen thuộc của nhiều tác phẩm văn chương từ cổ chí kim, nhưng không vì thế mà ta hiếm gặp “bad girl” – những người “thiếu sót” một (hoặc nhiều) phẩm chất đạo đức truyền thống thường được gán cho phái yếu.

Những nàng gái hư trong sách phản ánh, chống chọi và phá vỡ các khuôn mẫu cùng lề thói nghiêm khắc và gia trưởng; vừa là bài học răn đe, vừa là nguồn cảm hứng có sức ảnh hưởng vươn xa khỏi thời đại của các nàng.

Hãy cùng Review Sách điểm lại 7 nàng “bad girl” nổi tiếng trong văn học kinh điển nhé!

1. Naomi trong Tình khờ

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Nhật Bản những năm 20, khi làn sóng Tây hóa tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm, làm lung lay cả cội rễ truyền thống lâu đời. Tình khờ có tác động rất lớn đối với những phụ nữ Nhật đang bắt đầu từ chối vai trò của bà nội trợ truyền thống, quanh quẩn nơi xó nhà nấu cơm, rửa bát, nuôi con và chấp nhận ý tưởng về tự do của phụ nữ phương Tây và cả cánh đàn ông với những mơ mộng hão huyền về các nàng minh tinh da trắng, mũi cao, chân dài, eo thon, ngực nở Hollywood.

Tình khờ là câu chuyện kể về chàng tư chức mẫn cán Joji với ước mong “dấm” được một cô gái xinh đẹp, thanh lịch, vừa tốt gỗ vừa tốt nước sơn để sau này cưới làm vợ. Chàng phải lòng Naomi – cô gái mười lăm tuổi bẽn lẽn, trông có vẻ thông minh phục vụ ở quán cà phê. Cảm thương cho thân phận nghèo hèn của cô gái trẻ có đam mê học tập, say mê vẻ đẹp lai Tây hiếm có, Joji đón cô về sống cùng nhà, nuôi ăn nuôi ở, không tiếc tay sắm sửa quần áo mới tân thời chu cấp tiền cho cô nàng học Anh ngữ, học đàn, học nhảy rồi còn tự mình dạy kèm, rèn giũ. Nấu cơm, rửa bát, giặt giũ Naomi cũng chẳng mấy khi đụng tay vì sợ những ngón tay sẽ trở nên thô kệch, không thể đánh đàn được. Joji còn chăm chút cho “cô vợ tương lai” đến mức tự mình tắm cho nàng, âu yếm gọi nàng là “bé bự”, hân hoan khi được nghe tiếng “Papa” từ người đẹp, thậm chí còn làm ngựa cho Naomi cuỡi nhong nhong.

Joji tựa như chàng Pygmalion trong thần thoại Hy Lạp say sưa đẽo gọt nên bức tượng nữ thần trong mơ. Nhưng mộng đẹp cũng tàn, Joji nhận ra “kiệt tác” của mình chỉ có vẻ ngoài đẹp ma mị mà trí não thì rỗng tuếch, bản tính thì dâm đãng… Dẫu biết vậy nhưng Joji vẫn không thể dứt tình với Naomi, bởi nàng là trái chín chàng đã cất công chăm bón bao lâu nay và hơn hết thảy, thân thể Naomi có sức quyến rũ không thể kháng cự. Thế nên dù Naomi có ích kỉ, có xấu xa, có qua lại với biết bao đàn ông thì với Joji – kẻ đã hoàn toàn bị chế ngự thì vẫn nguyên một tình yêu cuồng si, nguyện hết lòng vì nữ thần trong lòng mình.

2. Becky Sharp trong Hội chợ phù hoa

Càng đọc Hội chợ phù hoa ta càng chắc chắn Thackeray đang đứng một mình, một mình với sự thật trần trụi, một mình với sự khôn ngoan hơn hẳn người đời và một mình trong chính cảm giác đầy mãnh liệt mà ông đang nung nấu. Không một tiếng ồn ào, không một lời than vãn, càng chẳng cần gióng trống khua chiêng, chỉ bằng những lời lẽ dí dỏm khôi hài, những mỉa mai châm biếm cũng đủ để Thackeray thu cả một cái xã hội Anh huy hoàng phù phiếm vào trong một “tấn hài kịch” mà ông dựng sẵn, làm nên một kiệt tác để đời cho thế hệ sau này.

3. Nàng kỹ nữ vô danh trong Đời du nữ

Nàng du nữ này không “bán mình vì số phận”. Nàng say sưa thú vui nhục thể đến mê loạn, đến ám ảnh, đến tình nguyện để chữ “sắc” nuốt trọn tâm trí. Nàng như một con nghiện thuốc không ngừng tìm cách cai, nhưng ngựa đã lỡ quen đường cũ. Trong năm trăm người chồng một đêm của nàng, có lãnh chúa oai phong nhất vùng, có chàng nhân sĩ học rộng tài cao, có kẻ du thủ du thực, có vị trụ trì một năm ăn mặn vài lần, và có lão già thất thập cổ lai hy. Kẻ khác hành nghề vì kế sinh nhai, vì đường đời đưa đẩy. Nàng hành nghề vì nàng “hám sắc”.

Bạn có thể đánh giá Đời du nữ theo nhiều cách, hoặc như bản phân tích tâm lí của một ả đàn bà phong lưu, hoặc như một áng văn phê phán xã hội thời bấy giờ. Nhưng với tôi, Đời du nữ là một lời cảnh tỉnh, đồng thời cũng là một bài thơ tôn thờ vẻ đẹp rất đỗi trần tục và tầm thường của con người. Chính cái sự vừa châm biếm, vừa chấp nhận, vừa ngụ ngôn, vừa ca ngợi đã làm nên giá trị vượt thời gian của tác phẩm.

4. Rebecca trong Rebecca

“Đêm qua tôi mơ mình lại đến Manderley.”

Qua câu văn mở đầu đã trở thành kinh điển và đầy lôi cuốn, người đọc được dẫn dắt đến tòa biệt thự biệt lập nằm trên bờ biển Cornwall lộng gió, nơi người vợ hai của quý ông góa bụa Maxim de Winter bắt đầu cuộc sống mới với tư cách cô dâu trẻ của một người chồng cô mới biết chưa được lâu. Chỉ khi tới dinh thự khổng lồ của chồng mình, cô mới nhận ra bóng ma của người vợ đầu sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của mình như thế nào, bởi vì ở mỗi góc của mỗi căn phòng đều là hình bóng của người đã khuất nhưng chưa từng bị quên lãng. Với linh cảm đầy sợ hãi bóp nghẹt trái tim, người vợ thứ hai của Maxim de Winter quyết tâm khám phá những bí mật đen tối nhất về Rebecca quá cố xinh đẹp.

Là một tác phẩm best seller chưa bao giờ ngừng tái bản, Rebecca đã bán được 1,8 triệu bản từ khi xuất bản vào năm 1938 tính đến năm 1965. Nó tiếp tục bán chạy cho đến tận ngày nay: trong vòng sáu mươi tư năm kể từ ngày xuất bản đầu tiên. Tác phẩm đã được chuyển thể nhiều lần lên sân khấu và màn ảnh, bao gồm một vở kịch vào năm 1939 trong đó Maurier có tham gia diễn xuất, và bộ phim Rebecca (1940), đạo diễn bởi Alfred Hitchcock đã thắng giải Oscar dành cho bộ phim xuất sắc nhất.

5. Phu nhân Chatterley trong Người tình của Phu nhân Chatterley

Một lần nữa, sự giằng xé giữa tình yêu – tình dục – trách nhiệm lại được D. H. Lawrence khai thác trong mối quan hệ tay ba giữa một người phụ nữ xinh đẹp và hai người đàn ông. Phu nhân Chatterley luôn sống trong những xúc cảm bộn bề giữa trách nhiệm của một người vợ với người chồng tàn tật và tình cảm dạt dào, đầy bản năng với một người tình hấp dẫn, quyến rũ.

Những giằng xé, suy tư, những đấu tranh với chính mình diễn ra như thế nào trong tâm can người phụ nữ xinh đẹp và thiếu may mắn ấy được D.H.Lawrence thể hiện thật lãng mạn, nhẹ nhàng và sâu lắng. Vào đầu thế kỷ 20, cách tả tình dục thẳng thừng trong quyển sách quả thật rất táo bạo. Thế nên tiểu thuyết gia, văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ D. H. Lawrence đã viết tới ba bản khác nhau cho cùng một câu chuyện.

Cuốn truyện với nhiều cảnh tả tình dục táo tợn, đã gây nhiều tranh cãi một thời, Người tình của Phu nhân Chatterley được xuất bản tại Ý năm 1928, trong giới hạn giữa bạn bè và người thân, mãi đến năm 1960 mới được xuất bản tại Anh quốc. Quyển sách có thời bị coi là sách khiêu dâm này đã được chuyển thể thành nhiều phim, có phim cùng tựa, và tất nhiên các nhà đạo diễn tha hồ tận dụng các màn tình dục thật nóng bỏng.

Bộ phim đoạt sáu giải Cesars, giải điện ảnh Pháp, và Oscar của Hoa Kỳ, trong đó có các giải: phim xuất sắc nhất trong năm, nữ tài tử xuất sắc và kịch bản xuất sắc.

6. Lily Bart trong Chỉ ngu ngơ mới biết cười

Lily Bart của Chỉ ngu ngơ mới biết cười là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong danh sách những nữ chính tiểu thuyết có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử văn chương hiện đại. Là con nhà trâm anh thế phiệt nhưng sớm táng gia bại sản, Lily Bart mất cả cha mẹ lẫn mọi vinh hoa phú quý đã vây bọc cuộc sống của cô từ rất sớm. Dưới sự cưu mang của người bác, cùng “một túi tiền eo hẹp đến khó tin”, Lily Bart nuôi quyết tâm phải sống một cuộc sống sung sướng an nhàn và cách duy nhất cô tin mình có thể đạt được điều đó là cưới một vị hôn phu giàu có để củng cố vị trí trong giới thượng lưu. Tuy nhiên, cuốn theo những sòng bài, những vũ hội thâu đêm suốt sáng, cô trở nên túng thiếu và chính từ khoảnh khắc Lily Bart vướng vào mối quan hệ làm ăn mờ ám với chồng của người bạn thân mà cô bắt đầu trượt dốc không phanh, va đập vào từng thanh chắn trên đường lăn xuống khỏi nấc thang xã hội.

7. Scarlett O’Hara trong Cuốn theo chiều gió

Scarlett O’Hara là một cô tiểu thư duyên dáng, kiêu kỳ, được tôn là hoa khôi trong vùng và luôn có nhiều chàng trai săn đón, theo đuổi. Cuộc sống của nàng cứ êm đềm trôi với bao kẻ hầu người hạ, những bộ váy xinh đẹp, những buổi vũ hội tươi vui và những bữa tiệc ngoài trời náo nhiệt. Ước mong duy nhất của nàng là dành được trái tim của Ashley Wilkes, chàng trai tóc vàng có nụ cười rạng rỡ như nắng mùa xuân.

Thế rồi, chiến tranh đột ngột ập tới, cuốn phăng đi tất cả những gì Scarlett từng có, vùi dập, nhấn chìm nàng xuống tận đáy sâu tuyệt vọng. Nhưng chính nghịch cảnh ấy đã thổi bùng lên sức sống mãnh liệt trong nàng, hun đúc lên một Scarlett kiên cường, bản lĩnh, dám giẫm đạp lên mọi định kiến xã hội để vươn lên làm chủ vận mệnh của bản thân.

Vừa mang hơi hướng sử thi vừa đậm chất trữ tình lãng mạn, cùng hình tượng nhân vật đặc sắc, ngay từ khi ra mắt, Cuốn theo chiều gió đã tạo được tiếng vang lớn và khơi gợi biết bao cảm xúc của độc giả. Dù nhiều năm trôi qua nhưng đến nay, những triết lý sâu sắc về tình yêu, cuộc sống trong sách vẫn vẹn nguyên giá trị, giúp tác phẩm giữ vững vị trí trong lòng người đọc, mãi mãi trường tồn với thời gian.

Hết.