Review Lời nguyện cầu từ Chernobyl

Tháng 4 có ngày sách Việt Nam, ngày sách và bản quyền thế giới. Và sau này người ta sẽ nhắc tới ngày Nhà thờ Đức Bà ở Paris bị cháy. Tháng 4 sẽ còn một ngày mà sau này người ta sẽ còn nhắc mãi về thảm hoạ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl. Lời nguyện cầu từ Chernobyl là tác phẩm phi hư cấu, đó là lời kể của những nhân chứng sống, là góc nhìn chân thực của người trong cuộc, giúp bạn đọc có cái nhìn chân thực nhất về thảm hoạ

Nếu ai đã biết tới tác phẩm Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ chắc sẽ không xa lạ với Svetlana Alexievich. Lời nguyện cầu từ Chernobyl là tác phẩm phi hư cấu của bà.

Vốn là nhà văn và cũng là nhà báo nên tác phẩm Lời nguyện cầu từ Chernobyl như một thiên phóng sự, cái nhìn, quan điểm, tâm sự của các nhân chứng sống về thảm hoạ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl.

Tác phẩm như là nén hương, lời tưởng niệm của tác giả dành cho những nạn nhân của thảm hoạ đó.

Ngày 26/4/1986 đi vào lịch sử, là nỗi ám ảnh lớn nhất của nhân loại khi nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl bị nổ đã xoá sổ 485 ngôi làng và khu dân cư của Belarus. Trong đó 70 ngôi làng bị chôn lấp dưới lòng đất vĩnh viễn. Một phần tư dân số Belarus đã thiệt mạng trong chiến tranh; giờ đây một phần năm dân số nước này sống trên những vùng đất nhiễm phóng xạ. Con số này là 2,1 triệu người, trong đó có 700.000 trẻ em. Trong những nguyên nhân gây ra sự giảm dân số ở Belarus, nhiễm phóng xạ là nguyên nhân hàng đầu. Ở vùng Gomel và Mogilev, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm hoạ Chernobyl, tỉ lệ người chết cao hơn tỉ lệ sinh tới 20%. Và còn nhiều những di chứng do phóng xạ gây ra.

Review sách Lời nguyện cầu Chernobyl - Svetlana Alexievich | Pibook.vn

Những số liệu về thiệt hại của thảm hoạ Chernobyl bạn có thể tra google nhưng có những thứ lịch sử không nói tới mà đọc những lời của các nhân chứng sống bạn mới hiểu rõ về những suy nghĩ, cái nhìn của họ về thảm hoạ. Hiểu được những mất mát mà họ đã phải trải qua. Lịch sử sẽ không nói rằng họ không hề biết gì về phóng xạ lúc thảm hoạ xảy ra.
Sự thờ ơ, thiếu quan tâm của chính phủ, thiếu sự lắng nghe, thiếu hành động một cách đúng đắn của chính phủ đối với nạn nhân của vụ nổ.

Những thương binh trở về từ cuộc chiến được vinh danh trong ngày chiến thắng 9/5 vì họ hy sinh cho mục đích cao cả thế còn những người là nạn nhân của vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl thì sao? Hậu quả của vụ nổ không hề thua kém bất cứ cuộc chiến tranh nào. Họ cũng đã mất mát và hy sinh quá nhiều. Người chết, người bị nhiễm độc phóng xạ mà bị ung thư, không thể sinh con, mất đi khả năng làm mẹ, mất đi khả năng làm cha. Họ không dám sinh con vì sợ con sinh ra không lành lặn do cha mẹ bị nhiễm phóng xạ. Họ luôn phải đối mặt với cái chết, đối mặt với nỗi lo sợ hàng ngày. Cuộc sống của họ hoàn toàn đảo lộn sau khi vụ nổ xảy ra. Con cái, gia đình họ cũng bị nhiễm xạ, bị bệnh tật đeo bán. Họ bị cô lập, xa lánh như một thứ dịch bệnh nguy hiểm, họ hoàn toàn cô độc.

Họ không được giải thích gì về vụ nổ hay phóng xạ. Người ta chỉ nói di dân, đưa họ ra khỏi mảnh đất của họ, nói họ không được ăn thứ này, uống thứ kia. Trên các tờ báo hay phương tiện thông tin đại chúng chính phủ tuyên truyền là mọi việc vẫn ổn, lửa đã được dập tắt. Họ cô đơn, cô độc trong cuộc chiến. Họ không hề có đồ bảo hộ, không được tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng tránh nhiễm xạ hay khử nhiễm xạ trong cơ thể, không được chăm sóc ý tế. Bởi sự thật về vụ nổ là bí mật, họ được yêu cầu phải giữ bí mật để tránh gây hoang mang cho cộng đồng.

Không có ý đồ động trạm tới chính trị, chỉ là những câu chuyện do nhân chứng kể lại. Alexievich đã đi khắp Chernobyl, phỏng vấn mọi người: những công nhân làm việc ở nhà máy điện, các nhà khoa học, các quan chức của đảng cũ, các bác sĩ, những người lính, các phi công lái trực thăng, thợ mỏ, những người tị nạn, những người dân tái định cư. Tất cả họ có những số phận khác, nghề nghiệp khác, tính khí khác nhưng Chernobyl là nội dung chính trong thế giới của họ. Họ là những con người bình thường trả lời những câu hỏi quan trọng nhất.

Thảm hoạ xảy ra, cách xử lý, cách họ đối phó có thể sai, có thể đúng. Dưới góc nhìn của người trong cuộc mỗi người mỗi ý kiến, mỗi thái độ mà chính người của đảng dưới góc nhìn về chiến lược chính trị cũng nói rằng: “tôi là sản phẩm của cái thời tôi sống. Tôi không phải là một tội đồ.”

Chernobyl – nơi khu vực cách ly, nó là một thế giới tách biệt, một thế giới nằm trong phần còn lại của thế giới – nó mạnh hơn bất cứ điều gì mà văn học có thể nói.

Một thảm hoạ không thua gì nạn diệt chủng tàn sát người Do Thái hay những người thiệt mạng trong thế chiến 2 và nó sẽ mãi là nỗi ám ảnh mà người ta sẽ còn nhắc tới.

Hơn bất cứ áng văn nào. Lời nguyện cầu từ Chernobyl là nén hương, là bài ca tưởng niệm cho thảm hoạ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl với góc nhìn chân thật, toàn diện, giúp người đọc hiểu hơn về thảm họa ám ảnh nhất trong lịch sử này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *