Seol, Con có hạnh phúc không?

Rate this post
“Cuốn sách thức tỉnh biết bao độc giả Hàn Quốc về ý nghĩa thực sự của “Gia Đình”.
Kể từ khi cất tiếng khóc trào đời, cuộc sống của chúng ta đã gắn liền với hai tiếng “Gia Đình”. “Gia Đình” là gì? Có ai định nghĩa được “Gia Đình”? Là tình yêu thương của bố, sự quan tâm, chăm sóc của mẹ, “là cùng ngồi quây quần bên bàn ăn, là đi ngủ vào cùng một thời điểm, là buổi sáng khi thức dạy được nhìn thấy khuôn mặt của nhau trước tiên, là cùng ngồi trước tivi và chia sẻ không gian với nhau, là có thể tự nhiên nói ra những lời yêu thương giành cho nhau, là cuộc sống thường ngày lúc nào cũng có nhau”. Thế nhưng những điều tưởng trừng như hiển nhiên ấy lại quá đỗi xa vời với Seol. Mười hai năm trước, Seol được phát hiện bị bỏ rơi trong thùng rác vào buổi sáng đầu tiên của năm học mới. Trong hành trình tìm kiếm một gia đình cho riêng mình, sau ba lần được nhận nuôi và bị từ chối, cô bé trở nên gai góc và luôn hoài nghi sâu sắc về bản chất của tình yêu thương. Dẫu vậy vẫn có một thứ tình yêu khiêm nhường và mộc mạc, trước sau như một lặng lẽ ở bên, xoa dịu tâm hồn đầy tổn thương của Seol…
Seol, Con có hạnh phúc không
Seol, Con có hạnh phúc không? Là một cuốn sách được tác giả “Dành tặng tất cả trẻ em trên đời này và những ai đã từng là trẻ em”.
Bởi lẽ trên đời này làm gì có ai sinh ra đã trở thành người lớn bao giờ. Tất cả chúng ta đều phải trải qua các giai đoạn cuộc đời là như nhau. Đều bắt đầu từ khi còn bé và kết thúc khi đã…
Khi sinh ra còn đỏ hỏn, ta được bố mẹ nâng niu, vỗ về. Khi bắt đầu đi học, được bố mẹ lo cho từng mảnh áo, bữa ăn, sách vở. Rồi tới khi trưởng thành, người luôn quan tâm và bên cạnh ta cũng là bố mẹ. Nhưng không phải ai cũng được may mắn như thế. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh. Ai cũng có nỗi khổ riêng, không ai giống ai. Giống như cô bé Seol trong câu chuyện, những điều tưởng như dễ dàng và đương nhiên ấy lại là một phép màu.
“Trẻ con hay khóc nhưng chẳng buồn. Người lớn hay cười nhưng chẳng vui.” [Tumblr | Virgo-man]
Đấy, ta có thể thấy, những gì ta chứng kiến chưa chắc là sự thật. Bề ngoài đứa trẻ ấy có thể cố tạo cho ta thấy chúng đang rất hạnh phúc nhưng sâu đâu đó chúng có thực sự hạnh phúc không thì ta không biết. “Seol, Con có hạnh phúc không?” Chính tựa của cuốn sách cũng đang hoài nghi điều đó cơ mà.
Nhiều khi người lớn tự cho mình cái quyền áp đặt lên những đứa trẻ kia. Họ cho rằng những điều mà trẻ nhỏ làm theo ý mình sẽ khiến chúng hạnh phúc. Và họ quên rằng họ từng là trẻ con, cũng có chính kiến riêng của mình và họ cũng muốn mọi người tôn trọng chính kiến của mình. Nhưng họ lại không cho con mình được thoải mái nói ra suy nghĩ ấy. Suy cho cùng, dù là trẻ con hay người lớn, mỗi người chúng ta đều muốn một lần được nói ra những suy nghĩ trong lòng một cách tự tin nhất.
“Seol, Con có hạnh phúc không?” là một cuốn sách hay về cả nội dung và hình thức. Văn phong nhẹ nhàng mà thấm đượm ý nghĩa. Nội dung không phải quá mới mẻ nhưng đâu đó vẫn toát nên một cái gì đó rất riêng, rất đặc biệt. Lật từng trang sách, ta không giấu nổi cảm xúc nghẹn ngào của mình. Mỗi trang là cả một câu chuyện nhỏ trong cuộc sống của Seol. Càng đọc ta càng thấy đồng cảm hơn với những con người sinh ra không được may mắn. Một câu chuyện riêng nhưng rất chung. Qua đó ta càng thấy những thứ vốn tưởng như là hiển nhiên lại là một phép màu đối với ai đó. Và phải biết trân trọng điều hiển nhiên ấy: “Gia Đình”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *