Trong khi ở Phương Tây, người ta luôn hướng tới vẻ đẹp của sự hoàn mỹ, về sự bóng loáng không chút bụi bặm của những chiếc ly, về sự đối xứng tuyệt đối của một bức họa thì điều khiến mình hứng thú là người Nhật Bản lại tìm kiếm vẻ đẹp của sự bất toàn, của sự bất cân xứng, của sự không hoàn hảo! Người ta gọi vẻ đẹp ấy là Wabi Sabi!
Sự hứng thú đã thôi thúc mình tìm đọc một cuốn sách về Wabi Sabi để hiểu rõ hơn về quan niệm cái đẹp độc đáo này của xứ sở hoa anh đào. Và mình đến với “Wabi Sabi bất toàn, hữu hạn và dở dang” như vậy!
Mình đã rất thích thú khi đọc được định nghĩa về Wabi Sabi trong cuốn sách:
“khái niệm Sabi vốn được dùng để miêu tả vẻ đẹp tinh tế của thơ ca Nhật Bản thế kỉ 12 và 13, khá buồn và ảm đạm, […], “giống như chim sẻ tìm đồ ăn giữa đống lá thu rụng””.
“từ Wabi ở vế kia của phương trình gợi ra sự khiêm nhường và khổ hạnh, cái nghèo tao nhã sinh ra từ cách biệt đối với sự giàu có và phô trương.”
Bạn đang xem: Wabi Sabi bất toàn, hữu hạn và dở dang – Vẻ đẹp của sự không hoàn hảo
“Wabi Sabi bất toàn, hữu hạn và dở dang” là câu chuyện của anh chàng Samuel – là giảng viên khoa văn học Đức của một trường đại học. Anh sống một mình trong căn nhà cùng với một chú mèo nhỏ tên Mishima và có một mối tình nhiều năm với Gabriela. Đột nhiên một ngày nọ, anh nhận được hai tấm bưu thiếp không rõ người gửi đến từ Nhật, một bưu thiếp có hình một chú mèo, và bưu thiếp kia có dòng chữ “Wabi Sabi”. Và rồi rất nhanh ngay sau đó, anh nhận được cuộc điện thoại từ Gabriela, cô nói trong nước mắt và đau khổ, muốn tạm dừng mối quan hệ với anh mà chẳng hề cho anh biết lý do.
Đau khổ, buồn chán vì tình yêu của mình, Samuel tìm đến nhà biên kịch già Titus ở tầng trên để hỏi về hai tấm bưu thiếp kỳ lạ cũng như xin lời khuyên cho cuộc tình của mình. Ông đã khuyên anh hãy tự cho mình một chuyến đi, đến Kyoto, đến địa chỉ được ghi trên bưu thiếp, vừa để tìm hiểu xem ai là người đã gửi bức thư, vừa là một cơ hội để anh thoát ra khỏi cuộc sống bận rộn của mình.
Theo lời người biên kịch già Titus, Samuel tìm đến với xứ Mặt trời mọc, đến với Kyoto cổ kính với đầy những nét văn hóa đặc sắc. Ở nơi đây, anh tiếp xúc với câu chuyện của nàng geiko Mizuki. Cô cũng gặp những trắc trở trong tình yêu của mình và đã từng muốn leo lên ngọn núi cao nhất và nhảy xuống. Hai người đã cùng chia sẻ với nhau câu chuyện của chính mình và để rồi họ hiểu ra như thế nào là vẻ đẹp Wabi Sabi, đó là mọi thứ trên đời này đều là bất toàn, đều không hoàn hảo, thế giới này không bao giờ là bất biến và ta phải học cách sống chung với nó, phải biết nhìn thấy vẻ đẹp của nó!
Sự giác ngộ ấy của Samuel đã khiến anh hiểu ra vấn đề trong tình yêu của mình, hiểu ra mình đã bỏ lỡ những khoảnh khắc đáng quý như thế nào, nhận ra sai lầm trong việc cố gắng tìm kiếm những điều hạnh phúc lớn lao, trong khi chúng ở ngay trong cuộc sống thường nhật của ta, gần gũi, quen thuộc. Và sự giác ngộ ấy, có lẽ chính là một cánh cửa giúp anh tiến lại gần với tình yêu đích thực của mình, khiến cho cuộc sống vốn đơn điệu của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Cuốn sách đã gợi cho mình khá nhiều suy nghĩ, cho mình một bài học đáng nhớ về cuộc sống, về chính bản thân mình – đôi lúc vẫn có phần chưa thông suốt và lao đầu đi tìm kiếm sự tuyệt đối và những hạnh phúc xa vời mà chưa nhận ra rằng:
Xem thêm : Thế giới mới tươi đẹp – Aldous Huxley
“Thế giới này gồ ghề và thô ráp. Chẳng có cái gì xảy ra đúng như dự đoán hay đẹp đẽ như vậy, bởi vì như thế thì sẽ nhàm chán khủng khiếp.[…] khu rừng sẽ rất buồn nếu chỉ có tiếng của những con chim hót hay.”
Các bạn đã cảm nhận được vẻ đẹp của sự bất toàn chưa?
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học Nước Ngoài