“ Lịch sử đã làm chúng ta thất vọng, nhưng không sao”
Thật vậy! Lịch sử là một dòng chảy bất tận trải dài từ thời kì sơ khai nhất khi mà con người bắt đầu có nhận thức về việc thu thập, phát hiện và ghi nhớ những sự kiện đã hoặc đang xảy ra cho đến tận khi bạn đọc bài viết này, lịch sử đem đến cho con người khả năng đưa ra phán quyết, suy ngẫm về quá khứ và định hình thay đổi hiện tại để hướng tới tương lai, đóng 1 vai trò quan trọng đối với nhân loại. Nhưng vẫn có những góc khuất trong lịch sử, thứ mà các nhà sử học dường như đã bỏ quên mất và Min Jin Lee thông qua “Pachinko”- câu chuyện về cuộc đời của một gia đình 4 thế hệ người Hàn sinh sống ở Nhật Bản đã cho ta thấy được nhiều mảng tối của lịch sử.
Pachinko sở hữu một số lượng nhân vật đồ sộ và mỗi nhân vật đều có một khoảng không đủ lớn để bày tỏ tư tưởng, suy nghĩ cũng như tính cách của chính bản thân mình. Cách viết như này có thể đem lại sự rủi ro rất lớn vì tác giả sẽ rất khó kiểm soát tiết tấu câu chuyện cũng như tìm cách để làm sao các nhân vật không trở nên quá mờ nhạt, không đậm nét. Tuy vậy, cá nhân mình thấy Min Jin Lee không những đã thành công vượt qua những thử thách đó mà còn xuất sắc trong việc đem đến cho độc giả một cái nhìn khát quát và bao hàm nhất có thể về toàn bộ những sự kiện, những thay đổi xảy ra trải dài trong gần 80 năm.
Chủ đề bao trùm lên tác phẩm đó là sự di dân, cuộc sống của những người Hàn tha hương nơi đất Nhật, những bất đồng về quan niệm, tập quán,… giữa hai nền văn hóa.
Trong khoảng 2/3 đầu, tác phẩm bị một thứ cảm giác gò bó, chật chội phủ kín toàn bộ khiến mình vô cùng khó thở. Thứ cảm giác này được tạo ra từ sự kìm kẹp cũng như những khó khăn mà người dân Hàn Quốc phải chịu đựng ở Nhật và tiêu biểu là nhân vật Sunja.
Cuộc đời cô đã hoàn toàn thay đổi sau khi gặp Hansu. Cô gần như đã mất đi hoàn toàn sự tự do, thoải mái vốn có, để mặc cuộc sống của mình trôi nổi và lênh đênh vô hướng . Cô luôn bị động trong chuyện tình với Koh Hansu, chưa bao giờ được tự đưa ra quyết định, kể cả việc cưới Isak và theo anh sang Nhật cũng là một điều bắt buộc. Quang cảnh khu ổ chuột Ikaino- nơi những người tha hương ở sặc mùi nghèo đói và bần hàn, căn nhà của vợ chồng Yoseb cũng chật chội không kém, kết hợp lại tạo ra một môi trường sống khắc nghiệt, khổ sở, chèn ép độc giả tới tận cùng chịu đựng. Lúc mới đến Nhật, khi khoác lên mình bộ quân áo Han Bok truyền thống, Sunja đã cảm thấy lạc lõng và khó chịu, đó chính là biển hiện của sự kìm ép, gò bó mà những định kiến, kì thị sắc tộc đã tạo ra. Nó đã khống chế, bắt ép, thúc giục cô phải thay đổi khiến cô không thoải mái với chính bộ trang phục truyền thống của đất nước mình. Mối lo lắng về tiền bạc cũng tạo ra một áp lực không nhỏ đối với Sunja. Như mình đã nói, sự áp bức, chật chội đã phần nào được giảm bớt ở cuối truyện. Nhưng đáng tiếc, nó không hề biến mất mà ngược lại vẫn hiện hữu (tuy không rõ nét), theo đuổi, ám ảnh và tra tấn cả các thế hệ sau. Mặc dù cuộc sống đã bớt khó khăn, nhưng người Hàn vẫn bị kìm nén trong những định kiến, đối với đồng bào họ thì những người như Sunja được coi là đứa con hoang của nước Nhật, còn đối với người dân bản địa, họ nhìn người Hàn bằng ánh mắt khinh thường, kì thị, mặc định họ bẩn thỉu, rắc rối, hay gây chuyện và không tử tế. Điều này biến Mozasu hay con trai anh – Solomon mặc dù được sinh ra và lớn lên ở Nhật, là người Hàn nhưng họ chưa bao giờ thuộc về bất cứ nơi nào. Không nơi nương tựa, không quê hương và lạc lõng.
Còn một chủ đề nữa mà mình cảm thấy Min Jin Lee đã thành công trong việc truyền tải đến với người đọc, đó là sự tiến bộ, hành trình phá bỏ, thay đổi những định kiến cổ hủ về người phụ nữ. Ta có thể thấy rõ sự gia trưởng, bảo thủ và cổ hủ ở nhân vật Yoseb. Anh luôn muốn vợ mình là Kyunghee ở nhà và không cho cô được phép đi làm, tức giận khi Sunja bán chiếc đồng hồ vàng để trả nợ thay mình. Thông qua anh, tác giả đã làm nổi bật lên sự nỗi lực, nhẫn nại, kiên cường của những người phụ nữ trong câu chuyện, những người đã chịu nhiều vất vả và hi sinh, chấp nhận làm việc nhiều giờ để nuôi sống gia đình mìn vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Đến cuối cùng người đọc đã cảm thấy được sự thừa nhận đến từ chính bản thân Yoseb.
Mặc dù câu chuyện phản ánh nhiều góc khuất của xã hội Nhật Bản cũng như số phận bi thương của người dân Hàn Quốc ở thế kỉ trước, đem lại nhiều suy tư, trăn trở, nỗi ám ảnh cho độc giả nhưng Min Jin Lee cũng không quên gửi đến một niềm hi vọng, một thông điệp qua việc lựa chọn nhan đề của chính tác phẩm – “Pachinko”. Ở trò chơi Pachinko, tuy người chơi có thể làm chủ phần nào cục diện trò chơi nhưng sự may mắn vẫn nắm yếu tố cốt lõi trong việc thắng bại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cứ chơi với hi vọng rằng mình có thể sẽ là người may mắn. Qua đó, tác giả đã gửi gắm đến độc gia rằng hãy “hi vọng, hãy tin vào khả năng phi lí rằng chúng ta có thể thắng”. Niềm hi vọng, sự mơ mộng đôi khi có phần hão huyền sẽ là nguồn động lực to lớn thúc đấy chúng ta tiến về phía trước. Cũng giống như những gì Noa đã hi vọng.
Có thể bạn quan tâm
- Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ
- Review sách: “Luyện” Não Với 10 Cuốn Tiểu Thuyết Trinh Thám Nổi Tiếng Thế Giới
- Review Sách: Chuộc Tội của Minato Kanae – Câu Chuyện Kinh Dị Đầy Xúc Động
- “Sự im lặng của bầy cừu” – Phiên bản kinh dị thực tế vĩ đại
- Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà – Haruki Murakami
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học