Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà – Haruki Murakami

Mất đi một người đàn bà là như vậy đó, có lúc, mất đi một người đàn bà cũng là mất đi tất cả đàn bà.

Nhung nguoi dan ong khong co dan ba

1. THÔNG TIN CHUNG

– Tên tiếng Việt: Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà
– Nguyên tác: 女のいない男たち, Onna No Inai Otokotachi, Men Without Women
– Tác giả: Haruki Murakami
– Thể loại: Tập truyện ngắn – Phi hư cấu
Nhờ 1 bạn giới thiệu, mới biết bác già cũng viết truyện ngắn phi hư cấu. Chủ đề tình yêu trong các tiểu thuyết của bác luôn được đặt trong bối cảnh siêu thực, nên khi tìm hiểu qua nội dung cuốn sách đã khiến mình tò mò và quyết định đọc ngay, để xem khi không còn sự mộng mị nâng đỡ nữa thì bác già viết về tình yêu như thế nào.

2. CẢM NHẬN

Lần này tôi sẽ nói về cảm nhận của mình theo 3 chủ đề sau: Bình tĩnhCô đơn và Không có đàn bà.
1. Bình tĩnh
NXB Nhã Nam đã ghi một bình luận ở ngay bìa sách: “Bình tĩnh đến kỳ lạ.”
Vậy 7 câu chuyện này “bình tĩnh” đến mức nào?
– Kafuku trong Drive My Car, một diễn viên đứng tuổi, bình tĩnh tâm sự, kết bạn với kẻ đã ngủ với vợ mình.
– Kitaru trong Yesterday, chàng trai 20 tuổi trượt Đại Học 2 lần, bình tĩnh giới thiệu bạn gái mình cho bạn thân, khuyến khích họ hẹn hò với nhau.
– Bác sĩ Tokai 52 tuổi trong Cơ Quan Độc Lập, bình tĩnh đưa bản thân về con số 0, đón nhận cái chết sau biến cố tình cảm.
– Habara 31 tuổi, bị cách lý với thế giới bên ngoài trong Scheherazade, bình tĩnh chấp nhận mối quan hệ kì lạ do người khác sắp xếp cho mình.
– Kino trong Kino, chủ quán bar sau khi nghỉ việc văn phòng ở tuổi 39, bình tĩnh khi thấy tận mắt vợ mình trên giường với người đàn ông khác.
– Samsa trong Samsa Đang Yêu, tâm trí trống rỗng nhưng bình tĩnh tiếp nhận từng chút từng chút, kể cả tình yêu.
– “Tôi” trong Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà, bình tĩnh trở lại giường với vợ, dù đang ngổn ngang suy nghĩ sau khi hay tin một người-đàn-bà-cũ của mình qua đời.
Bình tĩnh là một kiểu bản lĩnh mà đàn ông cần có. Không thể nào giải quyết các vấn đề mà thiếu sự bình tĩnh cho được.
Nhưng trái với sự bình tĩnh đi kèm lý trí để giải quyết các vấn đề trong công việc, nơi có thể rạch ròi đúng-sai để cho mình lý do để bình tĩnh, thì trong tình yêu, sự đúng-sai là một thứ mơ hồ, thì người ta dựa vào đâu để bình tĩnh được nhỉ?
Tôi chưa từng rơi vào tình huống nào tương tự như 7 câu chuyện trên, nhưng mạn phép suy đoán, là do họ “biết chấp nhận”. Họ chấp nhận sự thật, rằng mọi thứ đã như vậy, phải như vậy, nên như vậy. Dù theo nhiều cách khác nhau, có người mất nhiều thời gian, có người chấp nhận ngay lập tức, nhưng tựu chung lại, là họ biết họ nên làm gì, khi đã biết rồi, thì bình tĩnh mà làm thôi.
Để đạt được sự “biết cách chấp nhận” đó, cần phải trầy trật nhiều lắm, không phải tự nhiên mà có đâu. Một trong những chất xúc tác mà tôi tin có thể giúp cho việc học cách chấp nhận, đó là sự “cô đơn”.
2. Cô đơn
Truyện của bác già Murakami luôn có những nhân vật chính nội tâm, thích một mình và quen với cô đơn.
Dù kể theo ngôi thứ ba hay thứ nhất, dù đóng vai phụ hay chính, dù góp mặt hay không trong câu chuyện, thì 7 truyện ngắn đều xoay quanh những người đàn ông kiểu đó, như thể phản chiếu phần nào bản thân tác giả vậy.
Nhưng cái hay là, họ cô đơn nhưng có tài và có gu.
Kafuku giỏi diễn xuất cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, và có gu chơi xe; Tokai là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ xuất sắc, và gu lịch lãm của một quý ông; Kino giỏi chuyên môn về điền kinh, và gu âm nhạc tốt.
Họ là mẫu người cân bằng tốt trong công việc và sở thích cá nhân, cái nào cũng tới nơi tới chốn. Nhưng điều đó thì liên quan gì tới sự cô đơn?
Có đấy!
Do biết cách tự cân bằng, nên họ tự nguyện và tận hưởng sự cô đơn như một môi trường cần thiết để rèn giũa những kĩ năng quan trọng khác. Họ có nhiều thời gian cho bản thân hơn những người sôi nổi, và biết cách sử dụng nó. Do biết mình sẽ làm gì khi đơn độc, nên họ không sợ nó.
Chịu được cả sự cô đơn, sẽ cho ta một độ lì nhất định, và dễ dàng “biết chấp nhận” hơn.
Tôi cũng là kiểu người thích một mình (vì vậy nên thích Murakami), cũng khá quen với cô đơn, cũng luôn chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất, để rèn cách “biết chấp nhận”. Nhưng thật sự có thể bình tĩnh được như các nhân vật trên hay không, tôi không chắc, và cũng hi vọng những tình huống đó không đến với mình.
3. Không có đàn bà
“Trở thành những người đàn ông không có đàn bà đơn giản lắm. Chỉ cần yêu sâu sắc một người và nàng biến đi đâu mất là xong.”
Mặc dù là tên của 1 trong 7 truyện, nhưng đó lại là chủ đề xuyên suốt của cả cuốn sách, tôi thích kiểu tập truyện như vậy, hơn là kiểu có 1 truyện quá nổi bật so với phần còn lại.
Những người đàn ông bản lĩnh phía trên kia đều yêu, và đều để mất.
Và họ mất theo 3 kiểu khác nhau:
– Trong Scheherazade và Samsa Đang Yêu là “sợ mất”: nghĩa là chưa mất, nhưng nỗi sợ đã nhen nhóm và họ đã sẵn sàng bước 1 chân vào thế giới “không có đàn bà”.
– Trong Yesterday, Cơ Quan Độc Lập và Kino là “mất 1 lần”: là khi mối quan hệ đã chấm dứt, người đàn bà đó không còn của mình nữa, chỉ còn sự cô đơn.
– Trong Drive My Car và Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà là “mất 2 lần”: là khi mối quan hệ chấm dứt chưa đủ đẩy họ vào thế giới “không có đàn bà”, phải tới khi người đàn bà đó chết, trái tim mới vỡ thêm lần nữa.
Mất kiểu gì thì kiểu, nhưng kết quả đều là một khoảng trống rỗng trong tâm hồn, một khoảng trống mà gia đình yên ấm, công việc thuận lợi, vật chất dư thừa cũng không tài nào lấp đi cho được. Đàn ông theo kiểu của Murakami là như vậy đấy, “mất đi một người đàn bà cũng là mất đi tất cả đàn bà“. Người đàn bà đó không cần phải là vợ, là người cuối cùng hay là người đầu tiên, chỉ cần là người mà ta yêu sâu đậm.
Ngoại trừ bác sĩ Tokai ra, tôi tin 6 người còn lại sẽ tiếp tục sống tốt, họ chẳng cần lấp khoảng trống đó đi làm gì, vì họ chấp nhận được, nên sẽ bình tĩnh mà đi tiếp chặng đường của mình. Dù thỉnh thoảng sẽ tự bước hụt vào khoảng trống đó, để cho mình chênh vênh một chút, nhưng sẽ cân bằng lại ngay, mặt không biến sắc, không ai có thể nhận ra. Vì chúng tôi là kiểu đàn ông như thế đó.

3. TỔNG KẾT

Tuy không còn những yếu tố siêu thực, nhưng một vài truyện vẫn thoang thoảng sự mộng mị đặc trưng (nhất là Kino), cộng thêm những cái kết không trọn vẹn khiến cái chất của Murakami vẫn còn y đó.
7 truyện là 7 trải nghiệm khác nhau về sự mất mát trong tình yêu của đàn ông, hầu hết cho tôi cảm giác đó là trải nghiệm thật của tác giả, nhưng cảm giác vậy thôi, chứ trải nghiệm của bản thân tôi không có nhiều, nên cảm xúc khi đọc hầu hết là tưởng tượng chứ không phải hình dung.
7 hoàn cảnh khác nhau, tuy đều bình tĩnh và chấp nhận, nhưng vượt qua hay không thì mỗi người một kiểu. Hầu hết là những cái kết lửng lơ, nhưng có hề gì, đọc Murakami đâu ai trông chờ một cái kết cụ thể nữa.
Hợp với ai?
– Muốn biết đàn ông theo kiểu Murakami như thế nào khi mất đi người đàn bà mà mình yêu sâu sắc.
– Muốn biết Murakami kể về tình yêu như thế nào khi lược bỏ các yếu tố kì ảo siêu thực.
– Hay đơn giản là thích Murakami quá mà không có thời gian đọc truyện dài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *