Dịch vụ vận chuyển của Kiki: Hãy bay bằng trái tim, dẫu có vấp ngã nhiều lần

thumbnail
Rate this post

Ra mắt vào năm 1989, nhưng câu chuyện về cô phù thuỷ nhỏ học cách bay và sống tự lập ở một vùng đất mới vẫn chinh phục trọn vẹn trái tim khán giả. Theo dõi hành trình của cô bé Kiki, người xem đôi khi bắt gặp một đoạn nào đó trong chặng đường “học lớn” của chính mình.

Biến tấu từ nguyên tác

Mở đầu phim, cô phù thuỷ nhỏ Kiki ở độ tuổi mười ba phải rời xa mái nhà thân thuộc để đến vùng đất mới. Dù chưa biết rõ tương lai sắp tới như thế nào, nhưng cô bé rất háo hức trước chuyến hành trình. Tuy nhiên khi cập bến, Kiki thất vọng khi cư dân ở đây không chấp nhận cô. Nhờ sự giúp đỡ của người thợ làm bánh tốt bụng đã cho mình tá túc miễn phí, cô bé bắt đầu công việc bằng dịch vụ vận chuyển Kiki.

Những chuyến giao hàng trên chiếc chổi bay mang lại cho cô phù thuỷ nhỏ niềm vui và sự ấm áp, nhưng cũng lắm lúc khiến Kiki không còn tin vào bản thân nữa, kết cục là mất đi năng lực của mình. Nhưng bằng sự tử tế, cởi mở của những người bạn trên đường đi, Kiki dần lấy lại sức mạnh và nối dài tiếp những chuyến giao hàng đầy hạnh phúc.

So với bản gốc là tiểu thuyết thiếu nhi cùng tên xuất bản năm 1985 của tác giả Eiko Kadono, bản điện ảnh có sự thay đổi rõ rệt trong việc xây dựng ý tưởng, câu chuyện về cách nhân vật chính Kiki làm chủ chiếc chổi bay của mình.

Khi sự trưởng thành xoay quanh… cái chổi bay

Xuyên suốt phim, cô phù thuỷ 13 tuổi không học thêm phép thuật nào (dù mẹ cô là phù thủy tạo ra thuốc chữa bệnh), cũng không có một thế lực xấu xa đủ để kích thích sức mạnh mãnh liệt trong nhân vật chính. Ngoài chú mèo Jiji đồng hành, Kiki chỉ có cây chổi là công cụ chính để cô mưu sinh. Và cách cô bé tập bay trên chiếc chổi mới là yếu tố chủ chốt chinh phục khán giả.

Những phân cảnh Kiki chới với khi ngồi trên chổi làm chúng ta liên tưởng đến sự vụng về, ngây ngô khi mới bắt tay vào một công việc hay thử thách mới. Với người viết, phân đoạn để lại nhiều ấn tượng nhất chính là cảnh Kiki bay trên bầu trời, qua vùng biển để đến thành phố mới. Trên nền nhạc “Town with an ocean view” khi rộn ràng khi êm ả, cô bé lảo đảo khi bị mất thăng bằng trước đám đông. Đây chỉ là một trong nhiều phân cảnh về cách Kiki điều khiển chổi bay, nhưng lại ghi dấu ấn sâu sắc khi khiến người xem nhớ lại bản thân trước kia cũng đã từng như thế.

Trước những thứ mới mẻ, đứa trẻ mới lớn phấn khích trước việc được tự mình trải nghiệm, nhưng nó cũng hấp tấp, vụng về khi phải một mình xoay xở trước cặp mắt nhìn ngó của những người xung quanh. Dù không thể bay bằng chổi như Kiki, nhưng trước một công việc mới, môi trường mới, chúng ta cũng phải học cách “bay” một mình, giữ cho bản thân bình tĩnh trước những người khác và tự tạo ra sự cân bằng mới cho cuộc sống.

Và ngay sau khi Kiki đặt chân xuống thành phố mới, ta tiếp tục chứng kiến cú sốc đầu đời của cô phù thủy nhỏ. Đó là khi Kiki nhận cái nhìn xa lánh, những lời nói như muốn xua đuổi cô bé khỏi vùng đất. Ở phân đoạn này, khán giả thực sự có thể đồng cảm khi suy ngẫm về nỗi thất vọng mà Kiki phải trải qua.

Nó cũng như khi ta đến một môi trường mới với thiện ý, nhưng lại bị “dội gáo nước lạnh” bởi những người xa lạ vì họ không chấp nhận sự khác biệt của ta. Và khi ấy, cũng như cô bé Kiki, chúng ta loay hoay ở vùng đất mới trong sự cô đơn, khép mình lại vì cảm thấy bản thân không được đón nhận.

Khi ấy, nhân vật Tombo với cặp kính cận dày toát lên vẻ nghịch ngợm xuất hiện, trở thành mảnh ghép thú vị trong hành trình học bay của cô phù thủy 13 tuổi. Lòng nhiệt thành và sự quyết tâm của cậu bé trong việc kết bạn với Kiki là đòn bẩy để cô dần lấy lại niềm tin vào bản thân.

Điểm đặc biệt trong tình bạn của Kiki và Tombo là sự thử thách về lòng dũng cảm, sự hy sinh vì người khác. Và hành trình tập bay của cậu bé Tombo, tuy có phần ngốc nghếch và viển vông, nhưng lại gợi nhớ về việc anh em nhà Wright đã tìm tòi, nghiên cứu ra sao để cho ra đời chiếc máy bay đầu tiên.

Câu chuyện học bay của Kiki và Tombo chỉ gói gọn lại trong ba thứ: sự điên rồ, trái tim và niềm tin. Nếu Tombo sở hữu tâm hồn ngây thơ sẵn có và nhận được sự ủng hộ từ bạn bè xung quanh, thì với Kiki, cô phải ngộ ra rằng: cuộc sống sẽ có những thứ không được như ý muốn, nhưng không vì thế mà mãi đắm chìm trong tuyệt vọng. Những lúc ấy, hãy tiếp tục bay, quan sát và sẽ có những người tốt bụng đến giúp đỡ mình.

Trưởng thành – là khi chấp nhận một phần mất mát

Nhắc đến những sinh vật được yêu thích trong Studio Ghibli, ngoài Totoro khổng lồ ra, khán giả không thể không nghĩ đến chú mèo Jiji, linh vật trong phim. Chàng mèo lông đen tuyền với biểu cảm duyên dáng, hài hước là điểm nhấn đặc biệt khi nói về sự mất mát khi trưởng thành của Kiki.

Ở giai đoạn đầu, Jiji đóng vai trò quân sư cho Kiki trên suốt chặng đường đi, cho đến khi cậu có bạn gái thì không thể nói lại tiếng người như trước nữa. Cùng lúc ấy, Kiki phát hiện mình mất khả năng bay lượn và không thể trò chuyện lại với Jiji như con người. Phân cảnh về sự thay đổi này tuy ngắn, nhưng vừa đủ để nói về sự trưởng thành và tự lập của cô phù thủy nhỏ.

Khi được hỏi về lý do cho sự thay đổi của nhân vật mèo Jiji, đạo diễn Hayao Miyazaki cho hay việc Jiji nói được tiếng người thực chất chỉ là những suy nghĩ nội tâm của Kiki mà thôi. Việc chú mèo không còn nói được cũng là lúc Kiki không còn đối thoại nhiều với bản thân như trước nữa.

Nhưng với người viết, việc Jiji sau này chỉ kêu “meo meo” nhằm chỉ ra rằng chú cũng cần có cuộc sống riêng, đó là làm một con mèo và tìm kiếm bạn đời cho mình. Vì thế nó phải mất đi tiếng người để trò chuyện với cô mèo cái. Và khi Kiki nhận ra Jiji không nói chuyện được cũng là lúc cô ngộ ra người bạn thân thiết nhất cũng cần có cuộc sống đúng với bản năng sinh tồn của nó. Vì thế cô phải tìm cách để tự mình tồn tại, đó là tập lắng nghe con tim mình.

Kể cả khi Kiki cuối cùng có thể bay trở lại, Hayao Miyazaki vẫn để chú mèo đen không nói lại được tiếng người. Đó là điểm độc đáo trong tác phẩm của Ghibli so với Disney, khi ở những phim của Nhà Chuột, khán giả chứng kiến mọi thứ trở lại như cũ sau khi những biến cố đã đi qua. Sự thay đổi của Jiji có thể là cái kết không có hậu với một bộ phận khán giả, nhưng vẫn mang thông điệp tích cực về cuộc sống. Và cũng khá thực tế, vì khi bản thân thay đổi, chúng ta sẽ nhìn nhận mọi thứ khác đi, đôi khi những gì gắn bó trước đây lại không còn phù hợp với bản thân nữa.

Bên cạnh đó, câu chuyện mất khả năng bay mang đến khán giả ý nghĩa của sự nghỉ ngơi. Với cô phù thuỷ nhỏ 13 tuổi, việc không bay được trên chổi là một lời nguyền, đáng khiển trách. Nhưng thực ra, cô chỉ đang mất niềm tin và nhiệt huyết để mang lại niềm vui cho người khác qua những gói hàng. Lời khuyên của nhân vật Ursula đúng với Kiki và bất kỳ ai đang mạo hiểm trên chặng đường đời: khi bế tắc, hãy thực sự nghỉ ngơi. Những gì mình theo đuổi sẽ không mất đi, chỉ là cần thêm thời gian mà thôi. Cứ nhẹ nhàng thả lỏng, và cảm hứng sẽ quay trở lại.

Kiki’s Delivery Service là tác phẩm hay dành cho những người làm sáng tạo. Nếu bạn bị bế tắc khi đang lên ý tưởng sáng tạo (creative block), hãy nghe theo lời của cô hoạ sĩ Ursula dành cho Kiki: “Đừng gắng sức quá mức. Hãy ngủ một giấc trưa thật ngon. Cũng đừng nghĩ gì về việc bay nữa. Và từ từ, em sẽ bay lại được thôi”.

Đây là tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự cộng tác trong vòng 15 năm giữa hãng phim hoạt hình Walt Disney và Studio Ghibli. Tám năm kể từ khi công chiếu “Dịch vụ vận chuyển Kiki”, Disney đã phát hành phiên bản lồng tiếng Anh cho bộ phim này. Tác phẩm năm 1989 của Ghibli sở hữu chất mộng mơ, tích cực và cái kết có hậu khá giống với những bộ phim của Nhà Chuột. Tuy nhiên, phim thổi sức sống mới cho kênh Disney khi mang đậm chất slice-of-life (đời thường).

Năm 2014, hãng phim Toei sản xuất phiên bản live-action về hành trình phiêu lưu của Kiki. So với bản hoạt hình, phim có nhiều thay đổi khi thêm thắt các tình huống như Kiki phải vượt qua miệng lưỡi ác ý của người đời và giúp đỡ những trường hợp đặc biệt khác. Tuy nhiên, phim nhận được đánh giá thấp trên IMDb với số điểm 5.6/10, do ôm đồm nhiều chi tiết kịch tính và không làm nổi bật được quá trình trưởng thành của nhân vật.