Một lần nữa, Luis Sepulveda với lối kể chuyện lôi cuốn và ngòi bút sắc sảo, bằng cách chọn góc nhìn của một kẻ ngoài lề, đã đưa người đọc bước vào cuộc hành trình chống lại sự vô danh và quên lãng.
Luis Sepulveda được biết đến qua cuốn sách “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” với câu chuyện đáng yêu về chú mèo Zorbas và những thông điệp tinh tế về tình yêu. Trong lần trở lại này ở “Hoa hồng sa mạc”, một lần nữa chúng ta lại có dịp lại bắt gặp chú mèo Zorbas trong đời thật với căn bệnh ung thư phổi quái ác và những trăn trở của tác giả về tình yêu và cái chết. Làm thế nào để giải thích cho những đứa trẻ con về cái chết, về ý nghĩa thực sự của tình yêu, ” vì tình yêu không chỉ là việc mang lại hạnh phúc cho người mà ta ta yêu mà còn là việc làm sao để tránh cho họ không phải chịu đau đớn và giữ phẩm cách của họ”.
Và cái phẩm cách đó được ông đưa vào xuyên suốt chuỗi câu chuyện về những người vô danh như thể đó chính là thứ quý giá nhất mà mỗi con người thể để lại cho đời. Đó là tay cướp biển cửa sông Elbe và câu chuyện huyền thoại sống mãi trong kí ức của những con người bên bờ biển Bắc, hay một anh chàng Lucas nào đó, tìm đến vùng đất Patagonia xinh đẹp để cứu lấy những cách rừng trước sự tàn bạo của những chiếc máy xẻ gỗ và lòng tham của con người. Một ngài Simpah dành cả cuộc đời mình để vỗ về những con tàu đang hấp hối chờ chết, một người thợ sửa ống nước sống trọn vẹn cuộc đời với câu châm ngôn “mọi thứ đều sửa được, ngoại trử cái chết”. Ở một câu chuyện khác, ông thầy giáo lưu vong và tiếng thổn thức đầy khắc nghiệt, giấc mơ về những đứa trẻ và những ngón tay bám đầy bụi phấn khiến người đọc không thôi thổn thức sự tàn ác của một nền độc tài.
Đó chỉ là một số ít trong rất nhiều số phận được Luis Sepulveda nhắc đến trong cuốn sách của mình mà mỗi câu chuyện là một sắc thái khác nhau, góp phần làm nên sự tồn tại của thế giới này. Những con người ấy đã chọn cho mình một phẩm cách sống rất riêng, chỉ để kiếm tìm và chờ đợi giây phút huy hoàng dù biết rằng sau đó sẽ bị mặt trời thiêu đốt, như những bông hồng trên sa mạc Atacama.
Reviewer: Lê Quốc Hiếu
Có thể bạn quan tâm
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học