Xây dựng, Thiết kế và Tối ưu Mô hình Kinh doanh – Phương pháp khởi nghiệp tư duy như một tên trộm

Rate this post
Xây dựng, Thiết kế và Tối ưu Mô hình Kinh doanh Sách hay
Business Model Book, tên gọi khác là Xây dựng, thiết kế và tối ưu mô hình kinh doanh, được viết bởi hai tác giả Adam J. Bock (cố vấn công nghệ và doanh nghiệp trên toàn thế giới) và Gerald George (giảng viên và nhà nghiên cứu có nhiều giải thưởng và bài viết trên các tập san học thuật hàng đầu).

Mặc dù hai tác giả thiết kế cuốn sách như một cuốn sách hướng dẫn dành cho các chủ doanh nghiệp, nhà quản lý và giám đốc điều hành, các bạn hứng thú với kinh doanh vẫn có thể dùng cuốn sách như một tài liệu tham khảo đáng đọc. Lý do là bởi cuốn sách này bao gồm các kiến thức từ cơ bản, giải thích mô hình kinh doanh là gì, cho đến các ví dụ và tình huống cụ thể, liên quan đến cách áp dụng mô hình kinh doanh. Những kiến thức này giúp bạn có một hiểu biết tương đối đầy đủ, chắc chắn.

business model book review

Có người nói, dân kinh doanh Việt Nam thích thực tế, không ưa lý thuyết. Tuy vậy, tôi nghĩ quan điểm này cần thay đổi. Chưa có doanh nghiệp thành công nào trên thế giới lại không có những triết lý, bài học và mô hình kinh doanh chuyên nghiệp, sắc bén, đòi hỏi vận dụng trí tuệ. Cho nên, trang bị một kiến thức kỹ lưỡng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu về những mô hình kinh doanh đã đạt thành tựu trên thế giới, cũng là điểm tạo nên sự khác biệt cho tư duy của bạn. Các tác giả cũng cung cấp cho người đọc bài thực hành, nguồn thông tin, và tài liệu đọc thêm trên trang web đính kèm, bạn sẽ được tiếp cận với một nguồn kiến thức phong phú.

The Business Model Book là cuốn sách mới xuất bản của Saigon Books. Với những bạn muốn tìm hiểu kinh doanh, có ý định lập nghiệp thì đây là cuốn sách hữu ích nên đọc.

business model
Hôm nay, khi đọc quyển “Xây dựng, Thiết kế và Tối ưu Mô hình Kinh doanh” để chuẩn bị cho công việc tuần sau, vô tình nhặt được một thông tin khá thú vị. Tự kiểm chứng lại (tôi thường không hoàn toàn tin vào các tác giả mà sẽ “làm bài tập” thêm) trên Google Trends (số liệu của 5 năm gần nhất, quy mô toàn thế giới) thì xác nhận được một số điều khá thú vị:
1. Trong khi Thailand quan tâm đến “Năng lực cốt lõi” (xếp số 1 thế giới) thì Việt Nam lại xếp thứ 3 thế giới về tìm kiếm liên quan đến “Cách mạng Công nghiệp 4.0” và đứng thứ 2 thế giới về “Chuyển đổi số”. Mà đó mới là cho từ khoá tiếng Anh thôi đấy.
2. Khi vào đại dịch, người ta tìm kiếm về “Lợi thế cạnh tranh” gấp nhiều lần trung bình trước đó.
3. Dù kinh tế lên xuống thế nào, thì “Mô hình kinh doanh” luôn là từ khoá được tìm kiếm nhiều hơn “Quản lý chất lượng toàn diện”, “Lợi thế cạnh tranh”, “Năng lực cốt lõi”, “Cách mạng Công nghiệp 4.0”, “Khởi nghiệp” hay “Chuyển đổi số” rất rất nhiều.
Nếu coi số lượt tìm kiếm trên mạng bằng từ khoá tiếng Anh là thước đo phản ảnh được mối quan tâm của cộng đồng thì chúng ta có thể rút ra được gì từ điều đó:
a. Việt Nam chúng ta sính chữ và thích theo phong trào quá. Trong khi các quốc gia/vùng khác quan tâm đến những thứ bản chất và thiết thực hơn nhiều.
b. Dịch làm cho người ta tỉnh táo và thực dụng hơn. Và giống như trong câu chuyện sư tử và 2 con linh dương, để thoát chết thì linh dương chỉ cần chạy nhanh hơn con linh dương còn lại, chứ không thiết phải chạy nhanh hơn sư tử, các doanh nghiệp tập trung xoáy vào “lợi thế cạnh tranh” để có thể tồn tại được thay vì “năng lực cốt lõi” để bền vững lâu dài. Nói cách khác, ngắn hạn lên ngôi, dài hạn tạm nghỉ.
c. Làm sao để thiết kế và tối ưu hoá được mô hình kinh doanh phù hợp nhất cho một giai đoạn cụ thể (công thức tạo tiền) luôn là mối quan tâm lớn và thường xuyên. Cả của những doanh nghiệp đã có tên tuổi trên thị trường lẫn những doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gia nhập vào.
Tuy vậy, mô hình kinh doanh lại chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam. Cả ở hai nhóm đối tượng ấy.
Nhiều lần làm việc với các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi hỏi các bạn về “công thức tạo tiền” và các bạn nói lung tung hoặc im lặng. Kinh nghiệm không, công nghệ không, tài chính không, thị trường không, sản phẩm dịch vụ không, thương hiệu không… chỉ có mỗi cái ý tưởng. Mà ý tưởng ấy còn không đủ sắc nét thì còn mong làm ăn gì nữa… Vậy mà chào bán toàn 10 hay 20 tỷ cho 5% ka ka.
Thực ra việc đó cũng không chỉ là bệnh của những người trẻ khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp vừa và lớn cũng không trả lời được. Có khi, trong một số dự án tư vấn tái cấu trúc, tôi bắt đội dự án trả lời cho bằng được trước khi tiếp tục các phần việc tiếp theo. Thế mà cũng mất 2-3 tuần rồi mới tiếp tục được.
Trong quyển sách nói trên, tôi học được một kỹ thuật rất thú vị là trước khi gia nhập vào một thị trường nào đó, hãy liệt kê ra 3-5 tay chơi quan trọng nhất của thị trường ấy và BẰNG MỌI GIÁ xây dựng được mô hình kinh doanh của những thằng ấy, càng chi tiết càng tốt, trước khi xây dựng mô hình kinh doanh của mình. Khi ấy, mình đã hiểu rõ được những mạnh yếu, ngóc ngách của ngành/thị trường và tìm được những khe cửa hẹp để thâm nhập.
Khi khởi nghiệp, đừng tư duy như một dũng sĩ giác đấu, hãy tư duy như một tên trộm trước đã.
Bạn đã sẵn sàng để là tên trộm của ngành mình chưa?
P/S: À nếu đọc quyển này thì lưu ý rằng nó không chỉ là về BMC (Business Model Canvas) mà còn về nhiều mô hình khác như Lean Canvas, Sharp, … nữa nghe. Nên đọc kèm Business Model Generation hoặc Lean Startup là tốt nhất. Một quyển cơ bản, một quyển nâng cao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *