Bình thường mình hiếm khi mua nhiều sách của một tác giả. Vì mình cho rằng trong vô vàn cuốn sách mà tác giả đó viết thì sẽ có cuốn hay cuốn dở. Thay vì đọc hết sách dở thì tiền bạc và thời gian đó mình để dành đọc những cuốn xuất sắc của các tác giả khác còn hơn.
Nhưng lướt các hội sách mình thấy mọi người sưu tập sách của Keigo rất nhiều nên cũng theo phong trào ra nhà sách mua một chồng đem về. Nghe nói cuốn Án Mạng Ở Nhà Khách này không hay lắm nên mình để tận đến bây giờ mới đọc.
Vì không quá kỳ vọng nên mình thấy truyện khá là được. Những cuốn nổi tiếng của Keigo đa phần đều lồng ghép nhiều yếu tố tâm lý, khiến người đọc phải ngạc nhiên hết lần này đến lần khác về lòng dạ của con người. Nhưng Án Mạng Ở Nhà Khách thì lại là một cuốn thuần trinh thám cổ điển.
Ba năm liên tiếp, tại nhà khách Mẹ Ngỗng đều có người chế.t vào đúng một thời điểm. Một trong số đó là anh trai của Naoko. Cô cùng người bạn thân là Makoto đến nhà khách trọ lại với hy vọng sẽ tìm được chút manh mối về cái ch.ết của anh trai mình.
Tại đây, tác giả giới thiệu cho chúng ta một văn hoá của người Anh rất đặc sắc, đó là các bài đồng dao của Mẹ Ngỗng. Nếu để ý thì ở trong các bài đồng dao có điều gì đó gợi ý về các manh mối.
Và từ những manh mối này Naoko và Makoto đã tìm thấy nguyên nhân cái chết của anh trai mình.
Các bài đồng dao là một điểm mình khá thích ở cuốn sách này. Vì mình có một em bé ba tuổi ngày nào cũng nghe Cocomelon nên gần như thuộc làu những bài hát như Marry has a lamb, Humpty Dumpty, London Brigde hay Jack and Jill. Nghe nhiều nhưng giờ đọc sách mình mới biết đây là những bài hát viết từ các bài đồng dao Anh. Và đọc kỹ thì thấy nó khá đáng sợ. Giống bài Bắc Kim Thang ở mình nhỉ.
Trước đây đọc cuốn Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ thì Keigo cũng giới thiệu rất kỹ về nghệ thuật ghép vải vụn thành những tấm chăn hay là bức tranh của Ayane. Trong Nghi Can X thì viết rõ ràng về công việc và cuộc đời của các tiếp viên quán bar.
Mình nghĩ đây là một điểm mạnh của Keigo, giới thiệu cho mọi người về những văn hoá mọi người ít để ý.
Quay lại với cuốn sách, mình cảm giác như trong truyện có nhiều chi tiết tác giả bị ảnh hưởng bởi các bộ truyện cũ như Conan. Ví dụ như nhân vật chính đang bí ý tưởng thì nhờ một câu nói của ai đó mà bừng tỉnh.
Có lẽ ngày xưa đây là một mốt thời thượng trong trinh thám. Còn bây giờ đọc lại chỉ cảm thấy cười ẻ.
Kết lại thì mình thấy truyện cũng ok, chấm 7,5/10 điểm. Vì bị lọt hố nhiều nên lúc đọc cảnh giác tác giả cua gắt, ai dè đường đi vẫn khá bình thản. Đến lúc tưởng không có gì thú vị thì lại có điều thú vị xảy ra. Đọc cũng khá là vui á mọi người.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học