Vụ án – Kafka

Một ngày đẹp giời như bao ngày khác, Josef K. bị kết tội, một cái tội mà đến anh còn không có nhận thức. Cũng như, một ngày đẹp trời như bao ngày, Gregor Samsa bị biến thành con bọ. Đấy, Kafka như thế đấy, vừa vào ông đã đập ngay vào mặt ta một cái thật đau cho tỉnh (mà tỉnh thật) sau đó là phi lý (hay sự huyến hoặc?), cứ nối tiếp nhau đến, và chả có dự báo hay dấu hiệu nào. Đến cuối chuyện, K. chết.
Vu an review
Vụ án là tên cuốn sách, nhưng cả cuốn sách không đề cập đến một vụ án nào cụ thể, mà ta đang hành trình một cách mơ hồ và bi đát. Phải chăng, vụ án của K. chính là cái mà người đời kết tội cho sự tồn tại của anh, cho con người? Tôi không biết được.
K. tự do đi lại và chỉ đến hỏi cung vào mỗi chủ nhật (hoặc khi nào người ta thích)!?! Anh làm việc như một người bình thường, như chúng ta, và anh bị kìm kẹp và mất tự do, cũng như chúng ta. Vâng, đó chỉ là một trong hàng loạt cái phi lý Kafka đề cập đến, và ông, với tài năng của mình, đã khảo sát bản chất sự vật một cách tuyệt vời.
Đoạn tôi thích nhất có lẽ là đoạn đối thoại giữa K. và tên hoạ sĩ Titorelli, một người vẽ tranh cho toà án!?! Và đối thoại giữa K. và vị linh mục, tại một nhà thờ!?! (Dụng ý cả đấy). Và đó tôi cũng nghĩ là hai đoạn làm sáng tỏ cuốn sách nhất, trong một mê cung tôi đen như này.
Tôi sẽ nhường việc phân tích cho mọi người ở phần comment, bởi cá nhân tôi không dám/ không đủ để nói về cuốn sách này. Và tôi cũng không phải là người giỏi việc móc nối các ý tưởng của tác giả vào bối cảnh lịch sự, thực sự tôi cũng không đủ cao thượng để cảm thông cho những người ở những thời đại xa lắc xa lơ, ở một nền nhận thức cũng xa lắc xa lơ. Mà đơn giản chỉ là viết theo cái ảnh hưởng mà cuốn sách tác động lên mình và xã hội hiện nay thôi.
Tản mạn về một số ý tưởng và không trật tự:
Không có một sự tha bổng hoàn toàn, chỉ quan toà lớn trên kia mới có quyền. Có hay không quan toà lớn?! Tôi cho là không.
“Cửa sổ kia chỉ là miếng kính lắp vào thôi, nó không mở được.” Như con người huyễn hoặc về sự tự do của họ vậy, một cái cửa sổ không thể mở. Không khí lọt qua các khe hở, mọi khe hở, và thế là đủ.
Sự tồn tại của con người đã là sự trói buộc. Và cái chết của K. là sự giải thoát duy nhất. Duy chỉ bản thân sự tồn tại đã là mất tự do.
K. gặp những ai, hai tên lính gác tép riu, và một tên quan dự thẩm, chỉ vậy, và cái Pháp Luật, hay vị quan toà tối cao đó, anh không hề biết. Cũng như, sự tồn tại của hai từ Pháp Luật đã là đè nén lên sự tồn tại của con người.
K. gặp luật pháp, đi đến đâu cũng là luật pháp, toà án ở ngay trên đầu, ngay trên tầng áp, trong mỗi toà nhà, một thứ mà K. không hề để ý đến, cũng như luật pháp chỉ tồn tại là một cái gì đó siêu hình trong nhận thức của một người hoàn toàn không dính gì đến nó. Nhưng nó lại hiện hữu một cách đáng sợ trong một vụ án, ta khiếp hãi và nhận ra, luật pháp treo trên đầu mỗi người, và những ông thầy cãi, những con người như bao con người, nắm giữ quyền sinh quyền sát, nhưng cũng chính là bị cáo. Luật pháp kìm giữ con người, đó là luật pháp, và luật pháp thả dây thòng lọng, và vâng, một người thành một bị cáo. Ai cũng là bị cáo, từ khi sinh ra.
“Nó kỳ quặc ở chỗ Leni thấy hầu hết các bị cáo đều đẹp trai … Tuy nhiên những kẻ giàu kinh nghiệm trong chuyện này có khả năng nhận ra từng bị cáo trong một đám rất đông người. Vì đâu? Hẳn cậu sẽ hỏi. Câu trả lời của tôi không làm cậu hài lòng đâu: Vì các bị cáo chính là người đẹp trai nhất.” Tôi nghĩ rằng, không phải bị cáo là người đẹp trai, mà vì đẹp trai nên họ mới là bị cáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *