”Nghe mẹ nói này. Phải rất can đảm mới có thể sống thật với bản thân, với trái tim mình. Trước giờ con vẫn luôn can đảm như thế và mẹ cầu mong rằng con sẽ mãi can đảm như vậy. Đó là trách nhiệm của con, Noah. Hãy nhớ thế.”
________________
Tôi có thể gọi đây là một câu chuyện đẹp, một áng văn dữ dội không? Rằng bất chấp người ta có xếp nó vào thể loại hiện đại, chẳng có gì nhiều đột phá trong câu văn, cùng lắm thì gọi là tiểu thuyết về tuổi dậy thì. Nhưng “Trao em mặt trời” thực sự hơn cả một câu chuyện, nó chứa quá nhiều cảm xúc phức tạp và mãnh liệt trong một thế giới nội tâm mà ai cũng từng phải trải qua: tuổi dậy thì.
Noah và Jude bước vào tuổi dậy thì với hai hình ảnh trái ngược nhau; Noah là cậu bé nhút nhát và kỳ quặc, luôn chui rúc trong thế giới của riêng mình; trong khi đó, Jude luôn tỏa sáng, thu hút và ”bình thường”. Ai có thể bảo chúng là song sinh?
Nhưng những cặp song sinh, bằng cách nào đó luôn có cách kết nối đặc biệt với nhau. Cái kết nối ấy bao gồm cả vũ trụ: mặt trời, mặt trăng, những vì sao… Có cả những trò oẳn tù tì chẳng bao giờ thành công, hay những lần song hành trên những phím đàn… Và có cả nghệ thuật. Nghệ thuật bay bổng trong tâm hồn hai đứa trẻ song sinh, để cho người kia có thể thấy được sự khác biệt của người còn lại mà không ai nhận thấy được. Nghệ thuật xây cho Noah một viện bảo tàng đơn độc nhưng rực rỡ sắc màu năm mười ba tuổi, cho Jude lối thoát và cơ hội năm mười sáu. Giữa mối liên kết linh thiêng ấy là những ghen tỵ, những xúc ghét bỏ tầm thường và những biến động tâm hồn mà Noah và Jude – xét cho cùng vẫn là những thiếu niên – phải hứng lấy như một điều tất yếu mà sự trưởng thành trao cho. Tình yêu, tình cảm gia đình, những trái ngang đổ xuống quãng đời niên thiếu của chúng đẩy Noah và Jude xuống Vực Tử Thần, để ba năm sau, một thiếu niên bình thường đứng dậy, chôn vùi tâm hồn mình dưới lớp sóng bạc, thiếu niên còn lại, kẻ từng ngạo nghễ làm người bình thường nay lại chui rúc vào góc lồng tăm tối.
Khi Noah và Jude chật vật để tìm ra lối thoát, hơi thở của nghệ thuật linh thiêng vẫn quẩn quanh làm nguồn sống cho chúng. Để cuối cùng Noah và Jude, khi chúng chạm vào nhau như thuở đầu hình hài, chúng nhận ra nhau, chúng lại soi chiếu thấy nhau bằng tâm hồn bay bổng bị đè nén bấy lâu, chúng ngộ ra rằng vượt trên mọi đỉnh cao của nghệ thuật chính là tình yêu, và tình yêu mang lại lòng vị tha, mang lại sự chữa lành.
Câu chuyện kết thúc có hậu và mở ra một tương lai tươi sáng. Nhưng mà ai biết được, vì trưởng thành sẽ luôn là một bí ẩn.
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học Nước Ngoài