Ngày xưa, từ thưở hồng hoang, khi vạn vật còn chưa có tên gọi riêng. Các đồ vật phải dùng tay chỉ đích danh để gọi từng món một. Cứ vào tháng ba hàng năm, một đoàn du mục rách rưới dựng một túp lều bạt ngay cạnh làng, rồi với tiếng kèn trống om xòm quảng cáo những phát minh mới… Và cứ thế, như chính câu chuyện của mình, “Gabo” Marquez với vai người du mục, tuy không kèn trống, đã đem “đứa con” của mình đến với thế giới văn học phương Tây, nơi người ta coi văn học Mỹ-Latin là chốn hồng hoang.
Xem thêm : Tuấn Anh: “Tôi ít đọc sách nhưng nói ít người tin”
Mình đọc “Tình Yêu Thời Thổ Tả” của Gabriel Garcia Marquez vì có 1 người bạn nói rằng đó là “quyển sách hay nhất về tình yêu và nỗi cô đơn từng được viết”. Anh ta thần tượng ông và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo mà ông theo đuổi. Nhưng khi đọc “Trăm Năm Cô Đơn”, mình mới biết ngòi bút hiện thực huyền ảo là như thế nào.
Cũng như nhiều bạn đọc, mình ban đầu tự hỏi tại sao những nhân vật lại có tên giống nhau. Người ta vẫn nói: trừ cái tên, mọi chuyện nên tự bản thân quyết định. Nhưng có lẽ khi được sinh ra trong dòng họ Buendia, số phận bi kịch của họ đã được định đoạt từ trước. Những Jose Arcadio hầu như tính sôi nổi táo bạo; trong khi đó, những Aureliano đa phần mang vẻ trầm tư lặng lẽ; nhưng tất cả họ đều quẩn quanh trong cõi cô đơn của chính mình. Người đọc dễ dàng lạc lối trong mê cung những cái tên giống nhau, cũng chỉ như cụ Ursula già nua nhận nhầm những đứa cháu chắt là con trai, con gái cụ; nghĩ rằng “thời gian không qua đi mà nó đang quay vòng”.
Tuy vậy, dù giống nhau cái tên, nhưng những nhân vật vẫn là những con người khác nhau với những cá tính riêng biệt. “Ai cũng có nhân vật yêu, ấn tượng nhất”- anh bạn ấy nói,” nhân vật mà chính họ thấy chính mình trong đó”. Ngắm nhìn sơ đồ gia hệ ở đầu sách, mình tự hỏi ai sẽ là nhân vật yêu thích của mình. Có lẽ đó là Jose Arcadio Buendia. Đọc những dòng về ông, mình không ngừng nhớ đến cha. Jose Arcadio Buendia – cả đời là một người tháo vát, cần mẫn; người gan dạ và tiên phong; người đam mê những đá nam châm, thuật giả kim, và những phát minh tiến bộ của nhân loại; nhưng những ngày cuối đời của ông mới sầu thảm làm sao: trở nên điên dại và bị trói vào gốc cây. Khi biết ông sắp qua đời, bà Ursula đã nhờ người khiêng ông vào phòng ngủ. Nhưng, chao ôi, sáng hôm sau, bà thấy ông một lần nữa nằm dưới bóng cây dẻ. Đó là hình ảnh cuối cùng của ông, hình ảnh cuối cùng Ursula khắc khoải nhớ khi mắt bà đã mù, cũng là hình ảnh cuối cùng đọng lại trong tâm trí mình khi khép cuốn sách lại. Không chỉ vậy, qua cái chết của ông, Marquez đã thể hiện một tính nhân văn cao cả: kẻ thù chính là người bạn cuối cùng của ta. Người duy nhất bầu bạn, trò chuyện, tắm rửa, cho ông ăn lại là bóng ma của Aguilar – kẻ từng khiến ông phải bỏ xứ (Tương tự Amaranta luôn nhớ đến Rebeca, đến khi chết bà mới giải thoát Rebeca khỏi lòng thù hận từ thuở niên thiếu, cảm thông nỗi cô đơn của người chị em mình). Thật vậy, “Một phút làm lành còn hơn cả đời chơi thân”- bà Ucsula nói với Amaranta. Những dòng cuối về cuộc đời Jose Arcadio Buendia luôn là những dòng mình mê mẩn đọc đi đọc lại, khóc rấm rứt và nghĩ đến người cha của mình- 1 người mất trí, người sẽ đi lang thang hoặc ngồi lặng lẽ trong phòng. Khi đó, mình tự hỏi cha sẽ làm gì khi ở một mình, có kết bạn với ai ở cõi bên kia, có mơ những giấc mơ kì lạ như Jose Arcadio Buendia. Và có lẽ mình cũng sẽ trở nên như thế, vì mình cũng có tên cha trong tên của mình và từng được cha dắt đi xem nhà máy nước đá.
Xem thêm : “Khi hơi thở hóa thinh không” – Pual Kalanithi
Ngay khi đọc chương đầu tiên của cuốn sách, mình đã bị cuốn hút vào trí tưởng tượng và lối kể chuyện độc đáo của Marquez, kì ảo và sống động như truyện thần thoại. Những sự kiện phản ánh hiện thực như: đời sống lạc hậu, chậm phát triển ở Mỹ Latin, nội chiến giữa phái Tự Do và Bảo Hoàng; sự xuất hiện của đường sắt và công ty hoa quả Mỹ; vụ thảm sát người lao động,… đan xen với những câu chuyện hoang đường như: bệnh dịch mất ngủ, Công ty Chuối chở xác công nhân trên 200 toa xe lửa ném xuống biển như vứt chuối thối, 4 năm 11 tháng 2 ngày mưa không dứt, 11 năm hạn hán và những nhân vật được hình tượng hóa,… Rất nhiều nhân vật với rất nhiều những câu chuyện nhỏ, nhưng đều được tác giả chắp bút tỉ mỉ từng chi tiết, kết cấu chặt chẽ: luôn có kết thúc cho những bắt đầu, dường như ông chưa từng bỏ sót nhân vật vào quên lãng. Từng con người được sinh ra, và rồi từng người, từng người một chết đi; Công ty Chuối đến và đi; làng Macondo được lập ra và rồi bị xóa sạch dấu vết trên mặt đất.
Kết thúc trang cuối của truyện, mình trốn vào nỗi buồn bã của bản thân, tại sao số phận của họ lại bi thảm đến vậy. Nếu Florentino Ariza được bên cạnh mối tình đầu sau 53 năm 7 tháng 11 ngày và đêm chờ đợi; hoặc như ông nhà báo già tìm thấy tình yêu trong trẻo nhưng mãnh liệt vào sinh nhật tuổi 90; thì 2 con người dòng họ Buendia với tình yêu chân thành mới chớm nở, và khao khát mạnh mẽ được thay đổi vận mệnh thế hệ sau lại nhận kết cục bất hạnh nhất và khép lại cả 7 thế hệ dòng họ Buendia. Nhưng bên cạnh đó, trong lòng mình là sự ngưỡng mộ ngòi bút xuất chúng, lối kể chuyện độc nhất vô nhị của Marquez. Sự thật là mình trước giờ chưa từng có thói quen đọc sách, nhưng trong năm nay, mình đã được giới thiệu đọc 3 cuốn sách của Marquez cùng 2 bộ phim chuyển thể. Cảm thấy biết ơn và may mắn vì bây giờ mình đã được biết đến những tác phẩm lớn của 1 người kể chuyện vĩ đại.
Hiền Phạm
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học