Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ Một chuyện ái tình giữa miền linh dị

Tôi thích viết văn vào buổi đêm muộn: yên tĩnh, trầm lặng lại thêm cảnh trăng thanh gió mát làm thư thái tâm hồn. Cảnh thanh tịnh hồn bay giữa thiên nhiên cây cỏ rất hợp cho những cảm hứng sáng tác dạt dào ùa về trong óc tựa dòng suối chảy xiết.
trai bo tung linh
Hiềm một nỗi những đêm như vậy cũng kích thích cái gan thỏ đế của tôi sinh ra cảm giác bất an rùng rợn. Gió hiu hiu thổi, không biết gió có đưa theo cái gì đến không? Gió khẽ lay cửa sổ nhè nhẹ, có cái gì lấp ló cạnh khe cửa? Những suy nghĩ miên man vậy khiến não tôi tăng hiệu suất như phê cần, tôi chỉ muốn viết thật nhanh, viết thật mau, vì lo sợ một hình bóng gì đó đứng kề bên đang thì thầm qua tai. Nhưng chính trong sự rùng rợn mơ hồ đó lại có cái hay, cái mình tự tưởng tượng trong vô thức, lại thêm cảnh thanh tịnh kích thích xúc giác lại thành nguồn ý tưởng cho mình sáng tác thêm những truyện ma quỷ hù đời, nghe vừa sợ lại vừa thích thú. Một nguồn ý tưởng độc lạ và phong phú, và chắc hẳn những truyện ma kinh điển cũng ra ra đời trong những buổi đêm ma mị đó, trong sự sáng tạo và tâm hồn thi vị vô hạn của các bậc thầy Nguyễn Tuân, Thế Lữ và Tchya. Trí tưởng tượng tốt có lợi là như vậy.
Chàng văn sỹ trong truyện này cũng chọn việc thưởng ngoạn những đêm trăng soi vằng vặc là điểm tựa tinh thần như vậy. Nỗi chán ghét cái cảnh đô thị ồn ào và sự thiếu vắng nguồn cảm hứng viết đã thúc giục anh ở ẩn trong cái trại bỏ hoang mang tên cố văn hào Bồ Tùng Linh – Một ngôi nhà hoang vắng bao bọc bởi những lời đồn thổi rùng rợn nhưng lại chứa cho mình một phong cảnh nên thơ hữu tình trái ngược.
“…Cảnh tĩnh mịch của tôi lại là một cảnh kì thú, giữ một màu cổ kính, bí mật trong bóng những cây cối gần như hoang dại… “
Rắc rối luôn tự tìm đến những kẻ muốn trốn tránh. Những đêm trăng sáng ở Bồ Tùng Linh tình cờ tạo nên cuộc tình đằm thắm ngọt ngào của anh với Hoàng Lan Hương, cô thiếu nữ có sắc đẹp vừa quyến rũ vừa ma mị luôn thoắt ẩn thoắt hiện mỗi buổi đêm. Cũng từ đó, anh bắt đầu cuộc phiêu lưu quỷ dị giữa vòng xoáy của thực và mơ, của quá khứ và hiện tại.
“Trại Bồ Tùng Linh” mang dáng dấp của một truyện ma liêu trai, song xuyên suốt toàn bộ là câu chuyện tình đẹp giàu chất văn chương. Tác giả đi sâu vào mạch phát triển tâm lý của một người si tình từ phút gặp gỡ còn bỡ ngỡ, đến cuồng si say đắm, đến giai đoạn dứt tình khổ đau thống thiết, và khép lại bằng tâm trạng bồi hồi nhớ nhung mảnh tình lỡ dở. Thứ ái tình đó, dù chỉ là thoáng chốc mơ hồ mỗi khi màn đêm buông xuống nhưng thật dữ dội, thật cuồng nhiệt, đã chìm vào rồi thì nhớ nhung cả đời không bao giờ quên.
Phải chăng bóng hình Lan Hương mờ mờ ảo ảo dưới ánh trăng phủ màu bạc kia chính là một sự hóa thân mơ hồ của niềm cảm hứng nghệ thuật sinh ra từ trí tưởng tượng của nhà văn? Với hơi say của men rượu nồng, hương thơm của cảnh thu thủy hữu tình, nỗi đam mê ái tình sâu sâu sắc đó trở thành dòng suối đổ đầy niềm hứng khởi sáng tác của anh mỗi màn đêm buông xuống, giúp anh thoát khỏi ngày tháng ủ rũ nơi thị thành. Nàng thơ của Thế Lữ giống như bóng ma trơi dẫn dụ người ta vào một thế giới xa lạ, thế giới mà các tiền nhân Tản Đà, Lý Bạch, Hồ Chí Minh đã từng sống và ra đời những tác phẩm ca ngợi màn đêm đen và ánh trăng đẹp đẽ.
Thân phận của nàng Lan Hương vẫn là dấu hỏi lớn. Nàng là người hay là ma? Nàng chỉ là mộng tưởng sinh ra từ trí óc tâm thần hay là hóa thân của cái đẹp đêm trăng trong mắt người nghệ sỹ? Cái kết mơ hồ và đoạn văn lật mặt khiến độc giả hoang mang tột độ nhưng không không thể không khen ngợi ngợi sự lý giải hợp lý. Sự pha trộn cách nhìn khoa học hiện đại và chất văn liêu trai truyền thống đã khiến bức tranh “tức cảnh sinh tình” của người xưa thêm hấp dẫn, ly kì nhưng vẫn thực tế gần gũi. Song, dù nàng tồn tại hay không tồn tại, dù là người hay u hồn thiện nữ, “nàng” đã đánh thức trong anh sự trân quý và niềm yêu cái đẹp vốn đã mất từ lâu, niềm cảm hứng sống mãnh liệt nhất. Cảm giác đó, có lẽ, chỉ có thể xuất hiện khi con người ta, con người nghệ sỹ chìm trong sự say đắm cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của cảnh vật và trí tưởng tượng phong phú của chính mình.
Với tác phẩm đỉnh cao cuối cùng này, Thế Lữ dường như cũng đã mường tượng ra cảnh thời huy hoàng của mình sắp đến bờ tàn lụi, thể hiện qua sự biến mất bí ẩn của Lan Hương. Không lời từ biệt. Không một dấu vết. Không còn trở lại. Điều đó gợi một cảm giác chóng vánh, mất mát, một cảm giác chưa trọn vẹn, vẫn muốn gặp thêm dù chỉ một khoảnh khắc. Thời kì huy hoàng cũng vụt tắt nhanh chóng như vậy, chỉ như một giấc chiêm bao nho nhỏ mãi không thấy lại. Tác phẩm được phóng bút vào những năm cuối cuối của phong trào Thơ Mới, vào thời kì Tự Lực Văn Đoàn sắp tan rã, kể từ giai giai đoạn đó, Thế Lữ đã tự chuyển mình theo thời cuộc, từ một nhà văn trinh thám kinh dị nay đã trở thành kịch tác gia, đạo diễn sân khấu lớn, cách biệt hẳn cuộc đời cũ cùng nàng Lan Hương thuở nào. “Ba hồi kinh dị” có lẽ là cuốn truyện liêu trai cuối cùng mà ông để lại trong những năm tháng đó, nhưng đáng tiếc nó đã không còn giữ cái hồn liêu trai bóng quế thuở vàng son, và cũng không còn nàng Lan Hương nào để khơi dậy nguồn cảm hứng xưa, vậy nên tập sách đó đã chìm vào sự quên lãng giữa những di sản văn học của cố nhà văn Thế Lữ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *