TRÀ HOA NỮ – Alexandre Dumas Jr. (1848)

Rate this post
Trà Hoa Nữ là cuốn tiểu thuyết bán tự truyện của nhà văn Alexandre Dumas con, được xuất bản năm 1848 năm ông hai mươi tư tuổi. Dựa trên câu chuyện tình của chính tác giả và nàng kĩ nữ Marie Duplessis, Trà Hoa Nữ kể về một câu chuyện tình éo le và bi thương của một anh chàng tư sản Pháp Armand Duval và người kĩ nữ yêu hoa trà khác biệt Maguerite Gautier.
Marguerite Gautier là ai? Nàng là một kĩ nữ có nhan sắc tuyệt trần, ăn vận những bộ váy, bộ đầm đẹp nhất, những món đồ trang sức đắt tiền, những cỗ xe ngựa,… đều khiến những người phụ nữ quý tộc đều phải ganh tị. Marguerite ăn xài phung phí đến hơn một trăm quan một năm, sống nhờ vào tiền của bao nhiêu bá tước, công tước sẵn sang chu cấp và tan gia bại sản vì nàng. Nàng trở thành một kĩ nữ nổi tiếng và có nhiều tai tiếng nhất vùng. Nhưng vẫn còn một đặc điểm khiến người ta nhớ đến Marguerite, đó chính là hoa trà.
Marguerite hay thường xuyên lui đến tiệm hoa, nâng niu những bó hoa trà như vật quý giá nhất mà mình có trong đời. Những cánh hoa trà của nàng lúc đỏ, lúc trắng, dùng để bộc lộ những ý nghĩ khác nhau của Marguerite. Hoa trà là một bông hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, trinh trắng của những người con gái trong sáng dành tặng cho người thương của mình với tất cả lòng ngưỡng mộ, sự tự hào. Nhưng hoa trà trong câu chuyện này lại là một điểm đặc trưng của một cô gái làng chơi, người ta gọi nàng là “Trà Hoa Nữ”. Đó quả là một điều lạ lùng, nhưng càng đọc về sau, chúng ta sẽ càng thấy rõ bản chất tốt đẹp của nàng Marguerite, và biệt danh mỹ miều “Trà Hoa Nữ” dành cho nàng là hoàn toàn xứng đáng.
“Ôi, những người đàn bà bất hạnh! Nếu yêu họ là một lỗi lầm thì ít ra cũng phải thương xót họ. Bạn thương xót người mù chẳng bao giờ được thấy ánh sáng, người điếc chẳng bao giờ được nghe bản hòa tấu của thiên nhiên, người câm chẳng bao giờ cất lên được tiếng nói của tâm hồn, thế mà chỉ vì lí do xấu hổ một cách sai lầm, bạn lại chẳng chực xót thương cảnh đui mù của con tim, sự điếc lác của tâm hồn, sự câm nín của lương tâm là những cái khiến người con gái sầu khổ đáng thương kia hóa ngông cuồng, không thấy được lẽ phải, không nghe được lời răn của Chúa, không nói được tiếng nói trong sáng của tình yêu và đạo lí.”
Xã hội Pháp giữa thế kỉ 19, những nàng kĩ nữ được cho là những kẻ hư hỏng và sẵn sàng làm tình nhân cho tận hai người trở lên nếu những kẻ trai đó mang lại tiền bạc và tài sản cho cô ta. Họ bị xã hội khinh rẻ, là những công cụ moi tiền và không bao giờ dành tình cảm đích thực của mình cho một người nào cả. Tuy nhiên, với câu chuyện này, tác giả đã nêu lên một tư tưởng khác hẳn với bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Điều gì đã dẫn phụ nữ đến với nghề gái bao? Và liệu những người phụ nữ đấy có một tình yêu đích thực hay không?
Tình yêu của Marguerite và Armand khiến biết bao con người vô cùng ngưỡng mộ. Giữa cái xã hội tràn ngập định kiến lúc bấy giờ, một chàng tư sản trẻ, có địa vị và tài sản như Armand Duval lại đem lòng yêu một cô nàng kĩ nữ tai tiếng số một vùng đất Paris. Chàng yêu nàng bằng cả tấm lòng, trao cho nàng mọi thứ chàng có được bất chấp tai tiếng và những lời kì thị của xã hội. Đó là một tình yêu không vụ lợi, không toan tính, hoàn toàn xuất phát từ cả con tim. Chính tình yêu trong sáng ấy của Armand đã rọi soi những tia sáng cuối đời của Marguerite, giúp nàng bỏ qua tất cả những cuộc sống tiệc tùng, sa hoa và trụy lạc trước đây và nhận ra trên đời có một cuộc sống khác yên lặng hơn và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, vì quá si tình mà Armand đã yêu Marguerite bằng tình cảm mà quên mất đi lý trí. Chàng ghen, chàng giận, chàng nghĩ rằng nàng đã phản bội mình nên làm mọi cách để trả thù nàng, luôn mong muốn nàng phải của riêng mình. Armand yêu nàng thật lòng, tuy nhiên những tình cảm ấy có thể nói là còn trẻ con, thiếu suy nghĩ và thiếu chín chắn.
Trái ngược lại với Armand si tình là một nàng Marguerite giàu đức hi sinh và có một tâm hồn đẹp đẽ khiến bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ. Tình yêu Armand dành cho Marguerite quá cuồng nhiệt, si mê và bất chấp, thế nhưng tình yêu của nàng dành cho chàng còn lớn lao hơn thế rất nhiều. Nàng không muốn bòn rút tiền của Armand, nàng không muốn chàng phải tốn quá nhiều tiền vào nàng. Đó phải chăng là một tình yêu quá trong sáng, khi Marguerite không muốn có tiền và vật chất chi phối cuộc tình của cả hai. Và cho đến cuối cùng, khi căn bệnh lao phổi đã bào mòn sức lực nàng, khi mà quỹ thời gian trên đời nàng chẳng còn bao lâu nữa, Marguerite đã quyết định hi sinh tình yêu cao đẹp của mình để người mình yêu được sống thật tốt. Trên đời mấy ai làm được như Marguerite? Một người kĩ nữ khoác lên trên mình sự sa hoa và kiêu kỳ đấy hoá ra là một người có một trái tim nồng ấm, có sự hi sinh cao cả và một tấm lòng chân thành.
Như mình đã nói, để đánh giá một tác phẩm được coi là kinh điển thì mình phải tìm hiểu về cái thời mà nó được sinh ra. Trà Hoa Nữ được ra đời từ 170 năm trước ở Pháp, thế nên những suy nghĩ và cuộc sống ở thời đấy khác xa với thời đại ta hiện đang sống. Vậy nên mình không thể áp dụng suy nghĩ của thời hiện đại so sánh một tác phẩm từ tận trăm năm trước được. Cốt truyện của Trà Hoa Nữ ngắn gọn, đơn giản và không có gì quá li kì và hấp dẫn. Lời văn, thoại hơi sến và hoa mỹ đặc trưng. Tuy nhiên đối với thời đại đấy nó đã phản ánh một hiện thực về xã hội tràn ngập những định kiến, khi tình yêu trong sáng bị người đời kì thị vì quá khác biệt giai cấp, địa vị, ảnh hưởng đến tiếng tăm của bản thân và gia tộc. Nhân vật Marguerite khiến ta phải suy nghĩ về tình yêu và những mảnh tối trong tăm hồn của người kĩ nữ, từ đó ta không phán xét, không khinh rẻ những người ta chưa hề hiểu rõ và tiếp xúc với họ. Thông điệp ấy có giá trị cho đến thời điểm hiện tại, điều đấy đã đưa tác phẩm lên hàng kinh điển, bao nhiêu độc giả vẫn tìm đọc nó sau bao nhiêu năm.
“Đàn bà thật tàn nhẫn với kẻ họ không yêu, nhưng thế giới lại tàn nhẫn với tình yêu của người đàn bà.”
_ _ _

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *