Mình cảm nhận được tết đang đến gần. Nhưng sáng nay có lẽ là rõ nhất. Lạnh… lạnh…lạnh rồi. Ngồi quán cà phê đầu hẻm, cảm nhận vị đắng của cà phê, một chút lạnh và viết đôi dòng thương nhớ cho một ngày.
Mình hay nhận mình là một kẻ nặng nợ thương nhớ. Đích xác là hôm nay gặp tri kỉ. Mình biết tác phẩm này khi còn học phổ thông nhưng đến hôm nay mới có dịp đọc. Một cuộc hội ngộ cần ngần ấy năm để chuẩn bị. Đọc tới đâu phải gật gù đến đấy… quá hay. Có những cuộc gặp gỡ chỉ là gián tiếp qua con chữ nhưng nó khiến cho mình ngẩn ngơ, vẩn vơ rồi thả cái hồn của kẻ mộng mơ đến vùng đất khác để thương để nhớ cùng tri kỉ.
Đúng như tên gọi “Thương nhớ mười hai” thật sự là nỗi nhớ triền miên, day dứt khôn nguôi. Dù đã đôi lần cố gắng nhưng cuối cùng phải bất lực trước nợ thương nhớ. Mỗi một tháng trong năm Vũ Bằng lại nhớ về một cái gì đó rất riêng của đất Bắc Việt. Có thể đó là một món ăn, một thức uống, một cái tên, một cố nhân… Khi đã neo đậu trong trái tim một niềm thương cố hữu thì làm sao có thể yêu thêm một vùng đất khác. Chẳng thể… Đồng hành trong nỗi nhớ ấy chính là người thương. Tác giả gọi đó là vợ. Mình cảm nhận được cô vợ ấy có thể không cảm nhận được sự trọn vẹn hay hình ảnh ước lệ trong thơ Đường mà chồng mình đọc. Nhưng cô vẫn ngồi đấy với tất cả niềm tin yêu và lắng nghe chồng với tất cả sự ngưỡng vọng. Đẹp.
Có những thứ nó đã chết dưới dòng chảy vô tình của thời gian. Nhưng người nghệ sĩ có cái tài hoa của một nghệ nhân tạo sự sống. Ấy là cái thế giới của con chữ. Có thể là thú vui ấy sẽ mai một theo thời gian, thế hệ sau rồi sẽ không còn biết. Nhưng con chữ sẽ làm nhiệm vụ thiêng liêng ấy, giữ gìn tất cả nét đẹp của xứ sở… chờ người thương trở về sau những tất bật của phố thị.
Viết đến đây bất chợt mình nhớ đến tác phẩm “Một người Hà Nội”. Thuở học 12 với mình đấy là tác phẩm chán ngắt. Chỉ đơn giản đó là chuyện ăn, chuyện uống, cách bày trí… thì có gì mà phải câu nệ, khó khăn đến thế. Giờ thì mình hiểu. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại làm nên cốt cách của một đời người. Mình thì vẫn thế vẫn ngồi bệt ăn cơm cùng ba mẹ, vẫn nói chuyện mà không quá trau chuốt, vẫn đi đứng nhanh lẹ mà không đạt được cái khoan thai, nhẹ nhàng ấy. Nhưng mình vẫn yêu tất cả những nét đẹp của một cô gái Bắc Việt… Nhẹ nhàng, trang nhã, thanh lịch, đầy tinh tế…
Có thể bạn quan tâm
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học