Đây là quyển sách khiến mình phải đọc liên tục từ 10h rưỡi sáng đến 2h rưỡi chiều, bỏ qua cả bữa trưa và không ngủ để theo cho bằng hết vì không dứt ra được, và đọc xong thì phải viết ngay bài cảm nhận này luôn.
Nội dung bắt đầu từ chuyện cô giáo trả thù 2 em học sinh của chính lớp mình chủ nhiệm, vì chúng nó đã giết chết con gái 4 tuổi của cô, từ đó câu chuyện sẽ xoay quanh những người có liên quan, bóc tách chân tướng từng sự việc, từng mảng tâm lý hỗn độn của con người. Với vụ án lần này, chúng ta đã biết ai là kẻ ra tay ngay từ đầu, cái chúng ta đọc là VÌ SAO bọn nó lại làm thế, và HẬU QUẢ của việc trả thù này sẽ như thế nào.
Rõ ràng đây là một quyển tiểu thuyết tâm lý nặng đô, và nó đã không làm mình thất vọng. Các loại cảm xúc từ tò mò, tức giận, căm ghét, phẫn nộ, cho đến thương hại, và ghê sợ con người đều xuất hiện đủ khi mình lật giở từng trang sách, để rồi cuối cùng khi đóng sách lại, là một cảm giác hả hê, hả dạ vì cái kết truyện (ít ra đó là với mình, đọc review khác thì có người không ủng hộ cái kết). Bên cạnh đó, còn có sự căng thẳng, và bất ngờ đợi chờ sau mỗi chương, từ cú shock này đến cú shock khác như kiểu đập bôm bốp vào mặt vì tình tiết truyện không rề rà mà nhanh gọn, dứt khoát, không có câu chữ, lời kể nào là dư thừa, tất cả đều có sức mạnh và sắc bén vô cùng. (Nhờ vậy nên đọc không ngán và mình phải đọc hết liền mạch luôn ko buông sách xuống được đó)
Về cảm nhận thì quyển này cho mình những suy nghĩ y hệt như khi đọc “7 Năm Bóng Tối”, cũng là một quyển tâm lý nặng nề, (trùng hợp là bìa cũng đen xì và vẽ tranh trắng).
Thú Tội (cũng như 7 Năm Bóng Tối) kể một bi kịch, phác họa bức tranh toàn cảnh bi kịch đó qua góc nhìn tâm lý và quá khứ của từng nhân vật. Quá khứ của các nhân vật sẽ cho chúng ta thấy rằng nhân cách và tâm lý méo mó của họ không phải tự dưng mà có, tất cả đều hình thành từ sai lầm của bậc cha mẹ, những đứa trẻ (hoặc người lớn khi đã trưởng thành) hành động điên rồ là do bị cha mẹ quá kỳ vọng, quá yêu thương che chở nên thành ra áp bức, hoặc do bị bạo hành, bỏ rơi, v.v… và cha mẹ của những kiểu người này họ như vậy cũng là do những cái sai y hệt kia từ thế hệ trước nữa, cứ như vậy, sai lầm sẽ nối tiếp nhau, truyền đi theo một hiệu ứng dây chuyền, từ đời này sang đời khác mà chẳng ai nhận ra, từ đó đã tạo ra những kẻ giết người. Thực sự chưa bao giờ thấm thía cái câu “gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt đẹp được” như là khi đọc xong 2 quyển này.
Suy nghĩ thứ 2 của mình đó là: sự không hiểu nhau giữa người với người cũng là nguyên nhân góp phần sinh ra tội ác. Điều này thể hiện qua tâm lý nhân vật. Sống cùng một xã hội, một lớp học, một ngôi nhà, mối quan hệ cho dù có là giữa người thân máu mủ nhưng hình như con người chưa bao giờ hiểu được nhau thì phải. Cùng một sự việc, hành động nào đó, nhưng những gì mà một người cảm nhận, và suy nghĩ sẽ luôn khác với mọi người còn lại có liên quan, thậm chí còn trái ngược nhau. Ví dụ khi bạn làm một điều gì cho ai đó, bạn nghĩ điều đó thật tuyệt, nhưng đối phương thì không, họ cũng có thể biết ơn bạn đấy nhưng mức độ nhẹ hơn nhiều, hoặc đơn giản khi bạn nói đùa một người, bạn cho rằng câu đó bình thường, người ta ko giận đâu, nhưng đối phương lại tiếp nhận nó “seriously” hơn bạn nghĩ. Chính những sự không hiểu nhau như vậy, nếu không có những cuộc trò chuyện 2 bên, thì con người sẽ càng trượt xa nhau hơn, dẫn đến những cách hiểu sai về nhau, và về cả vấn đề xảy ra xung quanh, từ đó, hiểu lầm về người khác và thế giới xung quanh sẽ dẫn đến tự mình hành động sai, và BÙM, gây ra cái gọi là tội ác.
Bạn đang xem: Thú tội – Minato Kanae
Tội ác, có lẽ hình thành từ những điều như vậy đấy, đôi khi chúng ta xem tivi và thấy tin tức về một vụ án gây rúng động dư luận nào đó, kiểu như một thanh niên giết hết mấy mạng người, thì có lẽ mọi thứ cũng bắt nguồn từ những điều như mình vừa nói trên. Nhưng mà nói vậy không phải là để cảm thông cho kẻ giết người nhé, tội ác vẫn nên bị trừng phạt cho dù nguyên nhân gốc rễ nó có như thế nào, cảm thông không nổi với mấy đứa tâm lý méo mó vậy.
Nói chung, để phân tích kỹ hơn thì còn rất nhiều điều để nói, viết hết ra thì quá dài dòng, bên cạnh những đoạn viết về tâm lý của các nhân vật rất xuất sắc thì truyện còn có những đoạn ‘đạo lý’ khá hay, chẳng hạn như con người có quyền gì phán xét nhau, rồi giết người thì tại sao sai, vấn đề trẻ vị thành niên phạm tội, sự trừng phạt hay trả thù có cần thiết, v.v… Đặc biệt là đoạn dạy đời cho hung thủ tỉnh ra mình đọc thỏa mãn lắm. Các bạn đọc truyện và cảm nhận nhé, quyển này mình highly recommend, nếu bạn đang cần một quyển sách thú vị, hay ho, đọc xong khiến bạn phải suy nghĩ thì đây là lựa chọn hợp lý vô cùng.
Một ý cuối để kết thúc bài cảm nhận này: nhiều người nhận xét quyển này tăm tối, nặng nề, tàn ác, lạnh lùng quá, nhưng mà mình thấy tác giả không phải hoàn toàn tô đen mọi thứ đâu, chắc sợ tiêu cực quá nên bà vẫn cho một chút ánh sáng le lói vào đây, một con người tốt lành thánh thiện, như kiểu ngoài đời vẫn có nhưng hiếm gặp ấy mà. Một bài học nữa thông qua người này chính là tốt vừa thôi, đừng tốt quá, không phải ai mình cũng thánh thiện với họ được, vì lòng tốt đặt sai chỗ cũng góp phần cho cái ác luôn.
Xong, sau quyển này phải đi kiếm cái gì dễ thương nhẹ nhàng để refresh lại thôi.
Xem thêm : 1984 – GEOGRE ORWELL
Review của tác giả Hoang Khanh Nguyen (https://www.facebook.com/shionne012)
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học