Thư – Gam màu buồn của những sự lựa chọn….

Đối với mình, Keigo Higashino là cái tên bảo chứng cho những câu chuyện nóng hổi đầy tính xã hội và nhân văn, nhưng lại ít được để ý đến, trong góc khuất tâm hồn của những hoàn cảnh éo le. Ông thường chọn những câu chuyện đơn giản – ít ra là vậy cho đến khi tất cả những câu đố đều được giải đáp – nhưng nội tâm của những nhân vật liên quan thì luôn phức tạp và day dứt.
Thật là trùng hợp khi hôm nay đọc được tin tức về kẻ thủ ác chém chết cả nhà em trai ở Đan Phượng đã bị tuyên án tử hình. Bên cạnh đó, bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân một số tiền khá lớn, và chu cấp cho một bé đến khi 18 tuổi. Đọc nhiều bình luận, mọi người đều thắc mắc nếu bị cáo bị tử hình, thì ai sẽ là người đưa tiền chu cấp cho cậu bé kia. Và tất cả những gì họ quan tâm và bàn luận đều là hung thủ đáng bị xử tử và quan ngại về việc chu cấp và bồi thường. Thực chất chúng ta luôn nhận định, khi một vụ án xảy ra, gia can của người bị hại là những người thê thảm nhất, nhưng đối với Keigo Higashino, ông lại nhìn nhận thêm một vấn đề, chính là người nhà của hung thủ cũng là những nạn nhân đáng thương nhưng không được một ai nhìn nhận.
Thư - higashino keigo
Có lẽ đề tài này có một chút nhạy cảm, nếu như giải thích hoặc dẫn dắt không thận trọng, sẽ rất dễ gây nên những ý kiến trái chiều và dấy lên phẫn nộ trong lòng người đọc. Nhưng Keigo Higashino đã viết nên một câu chuyện tài tình, phản ánh lên sự thật trong xã hội nơi những lòng nhân đạo nửa mùa luôn đi kèm với định kiến và sự tàn nhẫn.
Câu chuyện đơn giản chỉ là một vụ án cướp của giết người. À không, là trộm cắp giết người, vì đầu tiên, Tsuyoshi Takeshima chỉ muốn TRỘM. Một tên trộm lương thiệnhiền lành đến mức vào trộm cũng cẩn thận tháo giày để ngoài, dùng tuốc vít để mở, chứ không ngang nhiên phá nát cửa để lẻn vào. Một tên trộm cẩn thận mở tủ không làm xáo trộn đồ đạc, và khi cầm được tiền, hắn liền muốn gọn gàng chuồn đi. Nhưng rồi gói hạt dẻ đã khiến hắn quay lại, hắn hạnh phúc với suy nghĩ sẽ đem về cho em trai. Cũng từ đó, bà chủ nhà đã phát hiện ra hắn và trong cơn hoảng loại, Tsuyoshi đã giết chết bà và gây nên thảm án.
Đối với Tsuyoshi, cuộc đời của hắn hẳn là sẽ kết thúc ở trong tù. Nhưng với Naoki, tất cả đều là bắt đầu một chuỗi ngày dài thống khổ. Thống khổ vì mang danh là em trai kẻ giết người, thống khổ vì mọi người đều biết và xa lánh, thống khổ vì những hệ quả từ tội ác của người anh để lại, bị đuổi khỏi nhà, công việc nào cũng bấp bênh khi thân phận về người anh bại lộ, thậm chí cả người yêu cũng không giữ được. Khi Tsuyoshi xem việc gửi những lá thư cho em trai mỗi tháng là niềm vui và sự chờ đợi, là lẽ sống của hắn, thì Naoki lại cảm thấy đó chính là những áp lực nặng nề và là bóng ma mà cậu cần chạy trốn khỏi. Cho dù Naoki không trả lời thư, Tsuyoshi vẫn kiên trì gửi một bức thư mỗi tháng, cho dù Tsuyoshi có chuyển địa chỉ, bằng một vài cách nào đó, những lá thư có cách của nó để xuất hiện trước mặt Naoki. Naoki chưa một lần thừa nhận trước mặt người khác là cậu cùng cực hận anh của mình, dù rằng vì kiếm tiền học đại học cho cậu khiến anh túng quẫn đi đến con đường tù tội, nhưng trong thâm tâm Naoki, Tsuyoshi chính là quá khứ đáng nguyền rủa mà cậu luôn tâm niệm vứt bỏ. Nhưng khi Naoki cố gắng giấu nhẹm người anh này đi, thì anh ấy vẫn luôn có cách chen vào cuộc sống của cậu và phá huỷ những điều mà cậu cực khổ gầy dựng nên.

“Hầu hết mọi người đều muốn tránh xa những kẻ phạm tội. Dù là gián tiếp, họ cũng không muốn dây dưa tới bọn tội phạm. Loại bỏ tội phạm và những người có liên quan là hành động tự vệ đúng đắn. Hay có thể coi đó là bản năng tự vệ.”

Không chỉ mình Naoki bị dè bỉu, đến vợ và con gái cậu cũng chịu chung hoàn cảnh. Tuy rằng Yumiko đầy sức sống đã luôn tích cực và lạc quan, vận động Naoki đối mặt với đời, nhưng kết quả thu được không phải lúc nào cũng là kết quả mà người ta mong muốn.

“ Các cô cậu cứ bày hết chuyện nhà ra cho người ta xem, sau đó lại bảo người ta phải chấp nhận mình. Giả sử họ đồng ý kết giao với nhà cậu, cậu nghĩ bên nào sẽ mang gánh nặng tâm lý lớn hơn?”

Đấy, trong truyện của Higashino Keigo hoàn toàn không có công thức, không chỉ có một vấn đề nan giải, mà luôn là một mạng lưới suy nghĩ đan xen phức tạp và rối rắm. Khi đọc truyện, bạn sẽ nghiêng về bên nào, sẽ thông cảm cho ai, hay sẽ là người phán xét? Đó cũng là một thử nghiệm tâm lý mà tác giả đã gài vào sách một cách tài tình. Đối với mình, đây là một câu chuyện hay, và mình thích sự phức tạp đằng sau nó. Đọc một lần, chắc chắn là không đủ đâu.
P/S. ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CUỐN TRUYỆN TRINH THÁM. HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI VÀ CŨNG MÃI MÃI KHÔNG PHẢI. KHÔNG CÓ THÁM TỬ, CŨNG KHÔNG CÓ ĐIỀU TRA.
Tác giả bài viết: GiGi Bùi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *