THE FOUR – Tứ đại quyền lực – Scott Galloway

Rate this post

Nhìn từ 1 khía cạnh nào đó, cư dân mạng cũng là công dân toàn cầu: hầu hết mọi thắc mắc đều đều đem hỏi Google, chuộng điện thoại Iphone, sở hữu ít nhất 1 tài khoản FB, và đã quen thuộc với việc mua sắm online.

Review sách: Tứ Đại Quyền Lực (The Four) – Scott Galloway | bởi Steven Tran  | Brands Vietnam

Vốn không học / không làm việc trong các ngành kinh tế, marketing, PR, bán hàng… nhưng Biển vẫn háo hức đọc quyển Tứ Đại Quyền Lực, vì thấy cái gì có “quyền lực” là Biển thích. Đây không phải là 1 quyển sách kinh tế khô khan, nó chứa đựng những thông tin rất thú vị và phần nào hữu ích đối với các cư dân mạng. Nào giờ Biển đã sai lầm khi cho rằng các giáo sư tiến sĩ sẽ khô như ngói và nói chuyện rất cao siêu khó hiểu. Sau khi đọc vài quyển có tác giả là giáo sư (Nguyễn Phương Mai, Jonathan Auxier, Scott Galloway…) Biển trở nên thích cách viết và ngưỡng mộ đầu óc của họ. Nội dung sách phong phú, văn phong súc tích dễ hiểu dễ nhớ, sách như vậy thật sự là những tặng phẩm đáng quý đối với bạn đọc.

Theo Biển biết thì AMAZON không bán / giao hàng sang VN nên Biển sẽ không nói nhiều về “ông lớn” này. Tác giả Scott Galloway cho biết Amazon có những cách huy động vốn khác biệt, tầm nhìn xa, chấp nhận rủi ro, xây những kho hàng khổng lồ ven đô thị, dùng robot để lấy hàng từ kho và đang áp dụng giao hàng bằng drone – máy bay không người lái. Biển ấn tượng với hình ảnh mà tác giả dùng: Amazon giống như đang lặn biển (thị trường) bằng bình khí khổng lồ, còn các website bán hàng khác thì lặn biển bằng mũi, kết quả là Amazon sẽ sở hữu cả đại dương.

GOOGLE được so sánh như thần thánh. Ngày xưa mỗi khi cần biết / cầu xin điều gì thì người ta hỏi han xung quanh, hoặc ngẩng đầu lên cầu Trời, nhưng nay, bất kỳ cư dân mạng nào sở hữu máy tính / điện thoại có kết nối Internet đều cúi đầu xuống màn hình để hỏi Google khi có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào. Google được hỏi cả những câu hết sức riêng tư mà thậm chí người ta còn không nói với bác sĩ riêng. 1 thống kê cho biết cứ 6 câu hỏi trên Google thì có 1 câu hoàn toàn mới. Với giao diện đơn giản, bộ máy tìm kiếm nhanh và mạnh khủng khiếp, Google đã trở thành 1 “tôn giáo” có số lượng tín đồ trên toàn cầu nhiều đến mức đáng kinh ngạc. Bản thân Biển cũng là 1 thần dân trong vương quốc Google, Biển ưa thích và ngưỡng mộ nó, thậm chí còn lệ thuộc vào nó.

APPLE (táo cắn dở, táo bị sâu) là 1 thương hiệu điện thoại thông minh hạng sang, được xếp ngang hàng với các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Chanel hoặc Adidas. Trong Tứ Đại Quyền Lực, có thể nói Apple là mạnh nhất. Tài năng, tầm nhìn chiến lược, bản tính chấp nhận mạo hiểm của Steve Jobs đã đem đến thành công vượt trội cho Apple. Bằng cách thay đổi và làm mới hệ thống cửa hàng bán lẻ, khiến chúng sang trọng và có thể “nhìn xuyên thấu”, Steve Jobs đã đẩy mạnh doanh số bán ra của sản phẩm Apple. Iphone và máy tính có logo Táo Cắn không chỉ là những món đồ chơi công nghệ, chúng còn là biểu tượng của sự sành điệu, thành đạt, quyến rũ về giới tính. Chưa cần nhìn thấy mặt, chỉ cần nhìn hình chụp 1 chàng trai có đôi chân đang mang giày Nike, tay đeo đồng hồ Daniel Wellington đang cầm Iphone, thì các cô gái sẽ cảm thấy bị thu hút 1 cách khó hiểu, vừa muốn làm quen với chàng trai đó vừa muốn sở hữu chiếc điện thoại giống vậy. Apple đã thành công vĩ đại khi “đánh” vào sâu trong bản năng của người tiêu dùng.

FACEBOOK là 1 vương quốc có gần 2 tỷ thần dân, nhiều hơn số người Hoa trên khắp thế giới. Trung bình mỗi ngày mỗi người dành tối thiểu 35 phút để lướt FB, nếu tính luôn thời gian dành cho Instagram và Whatsapp là 25 phút thì coi như cư dân mạng tốn sơ sơ 1 tiếng cho Internet nói chung và cho FB nói riêng. FB cung cấp cho người dùng “sự nhận biết” và “sự thèm muốn”: mỗi tấm hình người khác mặc đồ hiệu, đi du lịch, chụp chung với người yêu… đăng lên đều khiến chúng ta muốn được như họ. FB cung cấp “sự thèm muốn”, Google giúp ta biết “làm sao để đạt được” và Amazon cung cấp nhanh nhất những gì ta muốn.

Theo tác giả Scott Galloway thì Tứ Đại Quyền Lực tuy giải quyết rất nhiều vấn đề việc làm (nhân viên của họ rất đông) nhưng đồng thời cũng dựa vào hệ thống máy tính tối tân để làm việc “không tốt” (như lợi dụng nguồn thông tin của tờ báo The New York Times hoặc thu thập thông tin cá nhân của khách hàng để quảng cáo…). Lượng tài sản khổng lồ của 4 công ty đó nằm trong tay số lượng ít ỏi các nhân viên của họ (ít ỏi nếu so với số người đi làm kiếm sống trên cả nước Mỹ). Cùng với sự đầu tư và chế tạo rầm rộ AI (trí thông minh nhân tạo, nói dễ hiểu là chế tạo robot rồi dùng nó làm việc) thì số lượng nhân công con người sẽ ngày càng giảm đi, tình trạng thất nghiệp tăng. Hơn nữa, tất cả những người chế tạo AI đều chưa tìm được cách cài yếu tố “thân thiện” vào AI, tức là khi AI càng phát triển đến mức thông minh gấp 1000 lần não người và bị ràng buộc bởi nhiều luật lệ, vẫn không chắc rằng AI sẽ đối xử tử tế với con người. Đề tài này Biển sẽ nói thêm khi review cuốn “Phát minh cuối cùng”.

Mục đích của tác giả Scott Galloway khi viết Tứ Đại Quyền Lực là muốn phân tích cách mà các “ông lớn” này đã từng bước đi đến thành công tột đỉnh, đã thu phục thân tâm của người sử dụng như thế nào, ưu khuyết điểm của họ, và hướng dẫn cho cư dân mạng cách sống chung + sử dụng dịch vụ của họ sao cho có lợi nhất cho mình. Tuy vẫn có vài chương mà Biển không “thấm” nổi nhưng cá nhân Biển cho rằng đây là 1 quyển sách hay, hữu ích. Sách khổ lớn, dày 268 trang nhưng vì giấy xốp nên chỉ nặng 350gr, thích hợp để bỏ vào túi xách cầm theo đọc. Điều chưa hài lòng duy nhất là chữ hơi nhỏ và in mờ, đọc mệt mắt.Các bạn học / làm việc trong những chuyên ngành liên quan có thể tìm đọc nhé.

(Sea, 30-5-2018)

Bài review của tác giả Biển – Camellia Phoenix

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *