Xem thêm : DTV eBook – Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW
Trước tiên phải nói, là đây không phải ấn bản mà tôi đọc (vì chả kiếm được version nào khác, mà tôi lại lười tạo. Ấn bản của tôi xuất bản bởi Phụ Nữ, quãng năm 2003, dưới cái tên ít ai biết đến (vì tác giả đã không chọn mặc dù đã băn khoăn rất nhiều): Thân phận của tình yêu. Ngay khi thấy nó trong một gian hàng sách cũ ở Tổ chim xanh, tôi đã vồ lấy ngay mà chẳng thèm suy nghĩ gì. Mặc dù nghe qua cái tên, ai không rõ sẽ nhầm ngay với mấy quyển ngôn tình ướt át (tôi gặp vài trường hợp rồi), nhưng tôi vẫn thích cái tên này hơn, dù “nỗi buồn chiến tranh”, chứ không phải “thân phận của tình yêu”, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm. Có lẽ phần vì bản tính thích mò những gì quý hiếm.
Có lẽ sẽ ít, nếu không muốn nói là không có quyển sách nào thuộc văn học Việt Nam được “thả” vào trong giá sách “favorite” và “need re-reading” của tôi, ngoại trừ cuốn sách này. Nó rất hay, phải nói là như vậy. Không những cách hành văn, thủ pháp miêu tả rất sinh động, câu chữ phức tạp và bay bướm, mà lối kể chuyện cũng rất đặc sắc. Chuyện không có kết cấu cụ thể, không theo trình tự không gian thời gian, mà đan xen lẫn lộn quá khứ-hiện tại-tương lai. Một kết cấu như vậy rất khó kiếm tìm, không chỉ ở văn học nước nhà mà còn ở văn học quốc tế. Bạn có thể gần như bắt đầu từ bất cứ đoạn truyện nào. Mặc dù vậy, không hề khó để theo dõi câu chuyện.
Câu chuyện kể về cuộc đời của một người thanh niên tên Kiên, cùng những người xung quanh của thế hệ anh, bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh. Toàn bộ cuốn truyện là những mảnh hồi ức rời rạc, những sự kiện vang vọng từ quá khứ, cuộc sống hiện tại trong thời bình, cứ đan xen, luân chuyển lẫn nhau. Hầu hết chúng chẳng dễ chịu gì, hầu hết là những gì tàn khốc và kinh tởm nhất của chiến tranh, khi nhân tính không còn mà đã bị hủy diệt cho bằng hết, để lại toàn những kẻ mà ác quỷ cũng phải dè chừng. Tuy nhiên, giữa những thứ đáng ghê sợ đó, vẫn có những mảnh ký ức tốt đẹp, những gì đẹp đẽ nhất của một thế hệ trẻ, dù đã mất từ lâu và chưa thành hình trọn vẹn, vẫn chưa bị lãng quên.
Câu chuyện cuối cùng, mảnh ký ức cuối cùng, theo tôi là câu chuyện đẹp nhất mà cũng buồn nhất, đầy nuối tiếc nhất. Nó khiến người ta trăn trở, hỏi rằng sẽ ra sao… Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tác giả xếp nó ở đấy. Tuy vậy, nó đồng thời khiến cho câu chuyện kết thúc buồn và ít hy vọng hơn hẳn, nếu so sánh với một tác phẩm về tuổi trẻ khác: Rừng Na Uy. Với Rừng Na Uy, kết thúc của nó rất mở, và có nhiều thứ để người ta hy vọng.
Giữa vô vàn các tác phẩm về chiến tranh Việt Nam, sẽ khó mà tìm được một tác phẩm nào như tác phẩm này, vốn đã rất đặc biệt về nội dung-nghệ thuật, lại đặc biệt về cả những ý nghĩa của nó. Nó như một mảnh ghép còn thiếu về giai đoạn cuộc chiến từ Mậu Thân (vốn rất ít được đề cập trong SGK Lịch Sử, vì nhiều lý do) trở đi, nó khiến người ta muốn tìm hiểu. Và sẽ chẳng có tác phẩm nào lại đề cao cái tôi cá nhân, những băn khoăn trăn trở của chính người lính, những suy sụp tinh thần tưởng như không gì cứu vãn nổi của những cựu binh, những con người đi ra từ chiến tranh, mang nặng những nỗi buồn chiến tranh.
Có một trích đoạn mà tôi rất thích, vì những ý nghĩa của nó. Đó là lời tâm sự của dượng Kiên với anh (may mà tìm lại được, chứ trong quyển sách này các sự kiện mà quên thì tìm lại là cả một câu chuyện…Nghĩa vụ của một con người trước Trời Đất là sống chứ không phải là hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ… Không phải là ta khuyên con trọng mạng sống hơn cả nhưng mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy…”. Ở đâu mà ta có thể tìm thấy những lời tương tự như vậy?
Đọc “Thân phận của tình yêu”, không khỏi nghĩ đến hoàn cảnh của thế hệ bây giờ. Bây giờ, giới trẻ phần nhiều bạc nhược, yếu đuối. Các tác phẩm văn hóa, mà phần lớn là âm nhạc, chẳng có lấy một tác phẩm nào chứa đựng nhiều một chút ý nghĩa, toàn là những chuyện thị phi, anh yêu em, bỏ em, thất tình đau khổ. Tôi không có ý phủi tuột nỗi đau của bất kỳ ai, chúng đều đáng được coi trọng, nhưng những thứ “nỗi buồn” trong các bài hát thì chẳng đáng gì nếu so với những gì trong cuốn sách này. Nó bạc nhược, đớn hèn và giả dối sao ấy. Con nhà giàu dẫm phải gai mùng tơi.
Và rồi còn những kẻ cứ hứng lên là luôn mồm bô bô đòi gây chiến tranh. Những kẻ ngu xuẩn. Chúng chẳng hiểu rằng để có ngày nay, các thế hệ trước đã phải chấp nhận lao vào địa ngục như thế nào. “Giết chóc không dễ dàng như những kẻ ngây thơ thường tin đâu” (Albus Dumbledore, nói với Draco Malfoy, ngay trước cái chết của mình).
Chiến tranh là thứ đáng ghê tởm nhất của loài người, nhưng cũng là thứ nực cười nhất. Nó tưởng như nghiền nát, xóa sổ đi tất cả những gì có thể, những gì đẹp đẽ. Nhưng chính trong đó, những điều đó lại mãi mãi trường tồn, mãi mãi không bao giờ mất đi. Và mặc dù xuyên suốt tác phẩm, tác giả đã cho ta thấy rằng chiến tranh đã mang lại những gì, và cướp đi những gì, nhưng không có nghĩa là phủi tuột đi những cống hiến, hi sinh của thế hệ trước. Ngược lại, tác phẩm cho thấy rất rõ ràng rằng đó là những ngày mà “chúng ta biết rõ vì sao chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất cả và hi sinh tất cả”…
“Ngày mà tất cả đều còn rất son trẻ, trong trắng và chân thành.”
Bài review của tác giả Nguyễn Minh Thắng
Bạn đang xem: Thân phận của tình yêu – Bảo Ninh
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học