Bạn cho rằng triết học nhàm chán? Bạn cho rằng triết học chỉ nói về những thứ ở đâu đâu mà bạn chẳng mấy quan tâm? Hay chỉ người lớn mới hiểu những gì các triết gia nói? Nếu bạn nghĩ như vậy, thì có lẽ bạn chưa đọc cuốn “Tại sao con người gây ra chiến tranh?” của Myriam Revault d’Allonnes. Với sự dẫn dắt thông minh và đi sâu vào vấn đề trên tinh thần triết học của Myriam, sự tinh tế khi chèn những câu phát biểu của các triết gia nổi tiếng một cách nhẹ nhàng để làm nổi bật quan điểm của mình, cùng với những hình ảnh minh họa sinh động nhưng không kém phần triết lí sẽ khiến cho bạn thay đổi cách nhìn về triết học hay triết học dành cho trẻ em.
Myriam là một triết gia người Pháp và là một chuyên gia về triết học và đạo đức chính trị. Bà là người đã dày công quy tụ các triết gia, nhà văn và họa sĩ để cùng thực hiện bộ sách “Chouette penser” mà sau này Nhà xuất bản Tri Thức chuyển ngữ thành bộ sách “Thú vui tư duy”. Cuốn “Tại sao con người lại gây ra chiến tranh?” là một trong rất nhiều chủ đề cốt lõi như “Con người là gì?”, “Tự do là gì?”, “Sao lại phải chết?”… mà Myriam cùng các cộng sự mong muốn mang đến cho trẻ em nhằm khơi gợi tình yêu triết học và sự tò mò vốn có của chúng.
– Tại sao con người gây ra chiến tranh?
– Bởi vì là…
Nếu bạn đang trông chờ một tình tiết như vậy trong cuốn sách thì chắc Myriam sẽ làm bạn thất vọng. Triết học không phải là để đi trả lời những câu hỏi, triết học là giúp bạn đặt được những câu hỏi đúng. Trên tinh thần đó, Myriam không cố trả lời bất kì câu hỏi nào, bà đi theo tiến trình tư duy của người đọc từ đó gợi mở thêm những vấn đề và câu hỏi mới. Thử tưởng tượng câu hỏi “tại sao con người gây ra chiến tranh?” là trung tâm, thì Myriam sẽ dẫn bạn đi hết những ngã rẽ còn lại từ “tại sao con người yêu hòa bình nhưng vẫn gây ra chiến tranh?” đến “hung hăng có phải bản tính của con người không?” và nếu như vậy thì “tính hung hăng của con người có giống như loài vật?”… Cứ như vậy mà Myriam dẫn bạn đi hết những ngõ nhách phức tạp ấy một cách tự nhiên nhưng đầy cuốn hút.
Bên cạnh đó, ở cuối và đầu mỗi chương Myriam luôn dành cả một trang để trình bày quan điểm của một số triết gia nổi tiếng liên quan đến chủ đề bà sắp đề cập. Như khi bà nói con người ta vốn dĩ không thích chiến tranh, ai cũng yêu hòa bình cả. Bà đề cập tới câu nói nổi tiếng của Hérodote (một trong những sử gia vĩ đại nhất mọi thời đại): “Chẳng ai mất trí đến nỗi yêu chiến tranh hơn hòa bình”. Hay khi bà khẳng định chiến tranh của con người khác với những quy luật “cá lớn nuốt cá bé” của động vật vì “Không có chiến tranh giữa con người với con người, chỉ có chiến tranh giữa nhà nước với nhà nước” (Rouseau, tác giả cuốn Khế ước xã hội và Emile hay về giáo dục). Điều này không chỉ giúp cho người đọc tổng kết lại kiến thức mà còn giúp cho những lập luận của Myriam thêm phần vững chắc vì nó được củng cố bởi tư tưởng của những triết gia nổi tiếng trước đó.
Nhưng bạn lại lo là quá nhiều câu hỏi, quá nhiều quan điểm của các triết gia nổi tiếng như vậy sẽ khiến cho cuốn sách này khô khan? Đừng lo, Jochen Gerner (họa sĩ chính cho cuốn sách này) đã biến những kiến thức khô khan thành những hình ảnh biểu tượng tuy ngây ngô nhưng cũng đầy tính ẩn dụ. Ai mà biết được cái con cú mèo mập ú xuất hiện ở mỗi trang sách để cung cấp những kiến thức bên lề là “linh vật” của bộ sách nhưng cũng vừa là biểu trưng của sự thông thái, trí tuệ của văn hóa phương Tây. Còn hình ảnh của hai nhà tư bản đang cãi nhau chí chóe ở bìa sách, dù bất đồng nhưng họ vẫn cứ dính chặt nhau như thể dù có khác biệt về quan điểm hay bất cứ điều gì đi nữa thì chúng ta vẫn luôn có một chất keo kết dính, chúng ta đều là con người.
Mặc dù đã được kinh qua rất nhiều câu hỏi trong cuốn sách, việc đọc và tìm hiểu thêm nguyên tác của tác phẩm lại làm tôi có thêm những băn khoăn mới. Tựa đề gốc tiếng Pháp của cuốn sách là “Pourquoi les hommes font-ils la guerre?”, trong đó Myriam dùng từ “hommes”. Tương tự như “men” trong tiếng Anh, hommes trong tiếng Pháp vừa có nghĩa là con người nhưng nghĩa thông dụng hơn là đàn ông. Tôi thắc mắc không hiểu vì sao Myriam lại cố ý dùng “ hommes” trong tựa đề của cuốn sách, vì nếu như bà muốn ám chỉ con người, bà có thể dùng những từ khác thông dụng hơn như “être humain” hay “personne”. Phải chăng bà cũng đang băn khoăn với chính mình, con người hay chỉ đàn ông gây ra chiến tranh? Điều này làm tôi nhớ đến tác phẩm “chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của nữ văn hào Nga Svetlana Alexievich, khi những gì họ trải qua trong chiến tranh được đàn ông cho là nhỏ nhặt, là cá nhân so với những lí tưởng cao đẹp về quốc gia, dân tộc mà đàn ông đang theo đuổi. Thật khó để có được câu trả lời nhưng cũng thật tham lam để kì vọng Myriam trình bày nó trong chỉ vọn vẹn 56 trang sách.
Với tôi, đọc “Tại sao con người gây ra chiến tranh?” không chỉ để giải đáp những thắc mắc của bản thân và mở rộng hiểu biết về chiến tranh, mà nó còn là những câu hỏi về việc làm sao để những cuốn sách như thế này được xuất bản và nhân rộng hơn nữa. Để nhiều người cùng suy nghĩ về câu hỏi mà Myriam cho là quan trọng hơn cả, “Có cách nào đề xung đột được bộc lộ dưới những hình thức không đẫm máu?”