Sử Việt 12 khúc tráng ca

Rate this post

Có người nói với tôi: “Người Việt bây giờ không thích sử Việt nữa đâu”. Tôi ngạc nhiên và hỏi họ vì sao nên nỗi như vậy. Họ trả lời: “Sách thì khô khan dài dòng, tư liệu thì hạn hẹp ít ỏi; so với máy tính, điện thoại thì lịch sử kém hơn nhiều; vì thế người ta không thích lịch sử là điều dễ hiểu”. Nghe xong những lời đó,lòng tôi như quặn lại. Chẳng lẽ con cháu ngày nay không ai còn quan tâm đến quá khứ dựng nước giữ nước oai hùng của dân tộc, của cha ông nữa ư. Tôi tự nhủ với lòng: Sử Việt sẽ thay đổi, người Việt chắc chắn rồi sẽ yêu sử Việt,ngày ấy chắc chắn sẽ đến. Và khi Sử Việt 12 Khúc tráng ca ra đời, đó cũng là lúc điều tôi mơ ước, hi vọng, khát khao trở thành hiện thực.

Sử việt 12 khúc tráng ca
Cuốn sách không dài, không dày, người viết nó cũng không phải một Giáo sư hay một nhà nghiên cứu mà lại là một Kĩ sư xây dựng, một tay ngang lần đầu viết sách. Nhưng tại sao cuốn sách vẫn thành công? Tôi tin là chính cái tâm của người viết đã tạo nên thành công ấy. Anh ấy cũng như tôi, viết ra để làm sao khi đọc cuốn sách; người ta sẽ hiểu sử Việt và yêu nó, quan tâm đến nó chứ không phải là chán nó, sợ nó.
Đó là tiếng ca mở nền tự chủ của dòng họ Khúc, là khúc tráng ca chống giặc ngoại xâm giữ vững sơn hà của Ngô Vương Cao Hoàng; của người anh hùng áo vải Quang Trung dám đánh tận Tàu để lấy đất, việc mà cổ chí kim nước Nam ta chưa từng có; của vị Thái uý họ Lý đề ra quyết sách chủ động tấn công trước để ngăn thế mạnh của giặc; của vị Quốc công Tiết chế họ Trần dẹp bỏ tình riêng để dốc lòng vì đại sự, vì xã tắc muôn dân.
Đó là lòng thương cảm, là những dòng bi ai, là nỗi bi thống của vị vua tài năng nhưng sinh nhầm thời Hồ Quý Ly; của vị vua khởi đầu vương triều Tiền Lê trong sự cô độc Lê Đại Hành; của vị tướng tài họ Lý đã phải chọn cách hi sinh đau đớn nhất cho mối tình oan trái, của vị Hoàng đế thứ hai triều Nguyễn đã đưa nước Việt lúc ấy sánh ngang với Đại Thanh phương Bắc.
Đó là cái nhìn mới của những người trẻ, khách quan hơn về một dòng họ đã có công mở đầu công cuộc Nam tiến, tạo tiền đề cho một nước Đại Nam hùng mạnh bậc nhất, một lãnh thổ Đại Nam trải dài hình chữ S như ngày nay.
Đó là cách đóng cọc trên dòng sông Bạch Đằng thuở trước, những Bình Lỗ chống Tống của Lê Hoàn,những Thị Nại gắn liền với trận hỏa công của Gia Long vào triều đình Cảnh Thịnh; được so sánh như một Xích Bích của Việt Nam mà chúng ta ngày nay vẫn còn nhiều điều thắc mắc, chưa tỏ.
Đó còn là những dấu chấm hỏi, những nghi vấn chưa được giải đáp về hoàn cảnh lên ngôi vị tướng quân họ Lê tên Hoàn, của người con Phật Lý Công Uẩn, về cái chết đau lòng mà vị vua thánh triều Lê đã ban cho anh trai của mình.
Những suy nghĩ này; tôi không nghe được, nhận được từ ai; mà đó là những suy tư, nhận xét của riêng bản thân tôi sau khi đọc và nghĩ về cuốn sách. Trang sách cuối cùng giờ đây đã khép lại, cuộc trường chinh của cha ông từ đỉnh Nghĩa Lĩnh tời nơi đất Mũi Cà Mau giờ chỉ còn là quá khứ. Qúa khứ đã qua đi, nhưng những bài học của nó sẽ còn lại mãi. Lịch sử, đó không chỉ là câu chuyện của ngày hôm qua, mà còn là bài học cho hôm nay và mai sau. Và các bạn hãy yên tâm, cuốn sách với tiêu đề là kể chuyện lịch sử, kể lại những khúc tráng ca của dân tộc nên chắc chắn sẽ không khô khan đâu. Đọc sách, ta thấy mình như đang ở trong một bản hòa ca với những cung bậc thăng trầm khác nhau gắn liền với quá khứ của một dân tộc. Ngôn ngữ của cuốn sách mềm mại,dễ hiểu; nguồn tư liệu chính thống kết hợp mở rộng được tác giả chọn lọc và biên soạn lại nên chắc chắn sẽ dễ nhập tâm. Tôi vẫn nhớ câu nói mà Giáo sư Phan Huy Lê dành tặng con người ấy: “Một cuốn sách được kể lại mềm mại, cuốn hút nhưng vẫn dựa trên nền tảng khoa học, là khoa học lịch sử”.
— Trung Nguyễn review—

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *