Quỷ Cốc Tử – Binh pháp tuyệt hay

Rate this post

Sau thất bại ở trận Quế Lăng, Bàng Quyên ôm hận, tính kế phục thù, cùng Trâu Kỵ dùng mưu ngàn vàng phá địch để Tề Vương phế Điền Kỵ, Tôn Tẫn. Kế bất thành, Quyên dốc lực thao luyện binh mã, chờ ngày báo thù.
Năm Canh Thìn, Ngụy cùng Triệu đánh Hàn. Bàng Quyên cầm quân tung hoành chiến địa, Hàn thua liên tiếp, cầu cứu Tề. Tề (Uy) vương thuận lời cầu viện, sai Điền Kỵ làm chủ tướng, Tôn Tẫn làm quân sư cất quân tới cứu. Tôn Tẫn theo kế cũ Quế Lăng, cùng Điền Kỵ đem quân đánh thẳng vào kinh đô Đại Lương của Ngụy. Ngụy vương lo sợ, triệu quân từ biên giới nước Hàn về, bái Thái tử Thân làm Thượng tướng quân, Bàng Quyên làm tướng, cùng mười vạn đại binh quyết chiến với Tề. Bàng Quyên quyết tâm phục hận lại thêm quân Ngụy thiện chiến dũng mãnh, thắng liền mấy trận. Có hôm, Tôn Tẫn đích thân ngồi xe đốc trận, nhưng thế quân Tề rất mạnh, binh Ngụy không địch nổi, rút quân. Bàng Quyên thúc quân đuổi gấp, lại tự mình dẫn mấy trăm lính nhằm hướng xe Tôn Tẫn mà truy,… Quân Tề hộ Tống xe Tẫn chạy, dọc đường đánh rớt một bọc gấm lớn. Quyên bắt được, mở ra xem, thấy mấy cuốn trúc giản, bên ngoài có ghi chữ Binh, thấy đoạn đầu viết: Biến sinh ra sự; Sự sinh mưu; Mưu sinh kế; Kế sinh,…, bèn ngửa mặt lên trời cười lớn : “Trời giúp ta rồi, chỉ trách sư đệ ra trận còn mang theo Binh pháp của sư phụ, phen này ắt thành công”.
Ngụy thắng liên miên, truy gấp quân Tề. Điền Kỵ lo sợ hỏi Tẫn: “Thế cục trước mắt thì Ngụy mạnh quá, ông lại đánh mất binh thư, liệu còn kế gì…”. Tẫn cười đáp: “Binh thư, chỉ là vật chết; duy chỉ có người là biến. Ông cứ yên tâm… khắc có huyền cơ”. Rồi sai người dùng kế “rút bếp”, cứ mỗi lần rút doanh lại giảm số bếp đi, ban đầu mười vạn, qua mấy ngày, số bếp để lại trong doanh chỉ còn vài vạn. Bàng Quyên thấy thế, nói với Thái tử Thân: “Phen này Tề tất bại…”. Thái tử Thân khuyên: “Tôn Tẫn có trí tuệ, mưu kế đa đoan, lại là đệ tử chân truyền của Quỷ Cốc Tử, ông nên cẩn thận”. Bàng Quyên cả cười: “Thượng tướng quân yên tâm, tôi truy gấp quá, Tẫn chạy vội đánh rơi cả binh thư của sư phụ; tôi đã cầm đây, mưu kế trong này nó không dám giở ra với tôi nữa đâu. Vài hôm nữa sẽ bắt nó để Thượng tướng quân báo công”. Thái tử Thân nghe vậy rất đẹp lòng, để Quyên tiếp tục đuổi đánh.

Quỷ cốc tử
Tẫn thống lãnh binh Tề lui gấp về Mã Lăng, thi kế “dùng lợi dụ địch, mai phục trọng binh”, để Độc Cô Trần phục cung nỏ thủ tại nơi hiểm yếu, Điền Anh cầm trọng binh cách ba dặm, rồi cùng Điền Kỵ dẫn đại quân chờ tiếp ứng. Xẩm tối , Quyên đuổi đến hẻm Mã Lăng, thấy cây cối ngổn ngang, khó đi. Tả hữu có ý can ngăn không nên truy tiếp, Quyên cả giận, không nghe, tự mình đốc quân dọn gỗ, lại sai quân lính bật hồng để truy kích ban đêm. Độc Cô Trần y lệnh, thấy có ánh đuốc dưới hẻm, bèn lệnh cho loạn tiễn bắn xuống. Quyên một mình một ngựa đột vây, sau sức mệt, thân trúng mấy mũi tên, ngửa mặt lên trời mà than: “Ta vốn không bằng Tẫn. Thế là ta lại giúp đệ nổi danh”, rồi tự vẫn. Quân Ngụy đại loạn, thái tử Thân bị bắt sống, kết thúc trận chiến Mã Lăng lừng danh thời Chiến quốc.
Rất rất nhiều năm sau, thời Tam quốc, quân sư Tây Thục là Gia Cát Lượng sử dụng kế “thêm bếp” mà yên ổn lùi binh trước sự truy kích của Tư Mã Ý, thực ứng với câu “Binh thư, chỉ là vật chết; duy chỉ có người là biến” của Tôn Tẫn vậy.

Bài viết của bạn Minh Từ Xuân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *