Phía Tây không có gì lạ – Erich Maria Remarque

“Chúng tôi là những người chết vô tri vô giác, do một thứ phép lạ và một thứ bùa chú nguy hại, còn đủ sức chạy và giết.”
Rùng mình, ớn lạnh và quá đau đớn… một quyển tiểu thuyết “sắc bén”, khứa từng nhát dao một vào lòng người đọc. Mình biết đến quyển này qua chị winny.win.winny trên IG, thật sự lúc đầu mình không hứng thú với chiến tranh thế giới hay tiểu thuyết lịch sử, nhưng khi đã đọc xong quyển này thì nhất định phải tìm đọc tất cả các quyển còn lại của Remarque. Một góc nhìn từ bên trong cuộc chiến, một góc nhìn chân thật cho người đọc thấy được cái ác độc, vô nghĩa của những cuộc chiến.

Phía tây không có gì lạ
Những chàng trai chỉ mới mười chín đôi mươi, gầy gộc được mang từ trường học ra đến mặt trận, một nơi đầy chết chóc, để rồi họ bị bào mòn đi về cả tâm hồn lẫn thể xác, dần trở nên trống rỗng như “người chết vô tri vô giác”. Với họ mọi thứ bây giờ chỉ duy nhất từ “Sống”, họ giành giật sự sống từ họng súng kẻ thù, họ bảo vệ nó tránh những trái phá, những trận pháo kích. Những chàng trai ấy vẫn cười khi họ còn có thể, họ vui khi được tăng gấp đôi khẩu phần khi đội bị mất 80 người, họ tận hưởng từng miếng ăn ngon lành quí giá trên mặt trận, nhưng họ không lạc quan! Phía trước họ là khói độc từ cuộc chiến, từng lớp đất đá lẫn xác người bị quật lên bởi pháo kích, phía trước họ là màn đêm của thần chết, là những viên đạn bay vù giết họ bất cứ lúc nào,… để rồi khi họ nhận ra bản thân trở nên lạc lõng giữa cuộc chiến, lạc lõng giữa cuộc đời họ.
Những chàng trai chỉ mới mười chín đôi mươi ấy, tâm hồn họ già cỗi và khô héo vì chiến tranh, họ xả đạn, họ giết, giết, giết và giết! Cả hai chiến tuyến,họ giết nhau bởi cái gọi là “tinh thần dân tộc”, giết nhau vì mệnh lệnh từ phía trên đưa xuống, từ những kẻ chẳng bao giờ ra trận. Họ trở nên hoang dã, bản năng của thú tràn đầy trong họ, cái bản năng mách bảo họ phải giết, như một quy luật hiển nhiên của chiến tranh. Thần chết chờ họ ở bên kia dây kẽm dai, chờ họ bên trong những quả đạn pháo,… họ chống lại thần chết bằng giết chóc, họ chết hoặc kẻ đang bắn kia phải chết. Bản năng của họ mách bảo phải giữ từng hơi thở, dù là thoi thóp, mất cả chân hay nửa người, nó vẫn mách bảo HỌ PHẢI SỐNG!
Giữa những hình ảnh ác liệt, tác giả mở ra những ngày phép bình dị của Paul, nhưng với Paul và rất nhiều người lính trở về từ chiến tranh, nó trở nên xa vời với họ, làm sao họ có thể trở lại là bản thân như trước kia, chiến tranh đã tước đi linh hồn của họ, làm sao họ thể hòa nhập trở lại với cuộc sống trước? . Paul đứng sững khổ sở, bối rối, nước mắt trào ra ướt đẫm cả mặt. Nhưng Paul hoảng sợ khi thấy cảnh vật như xa lạ. Ngay cả với căn phòng thân yêu anh cũng không tìm được chút rung cảm nào: “Ở đây tôi là một kẻ xa lạ.” “Nghỉ phép là một sự thay đổi làm cho mọi chuyện sau đó trở nên nặng nề gấp bội.” Những người xung quang anh ca tụng chiến tranh, họ nào có biết ở chiến trường thế nào?Paul ngồi đó, bên cạnh giường bệnh của mẹ, muốn nói với mẹ bao nhiêu chuyện nhưng không thể. Và anh quyết định: “Không bao giờ tôi nên về phép nữa.” Chiến tranh đã gặm nát tâm hồn anh mất rồi!
Giọng văn nhẹ nhàng, tha thiết, Remarque vạch trần cái “chủ nghĩa” dối trá của những tên tướng độc tài, để làm lợi bản thân mà dựng lên một cái chủ nghĩa mà chả có gì gọi là “tinh thần dân tộc” cả. “Dẫu họ dạy chúng ta rằng trọng trách với quốc gia là vĩ đại nhất, chúng ta thừa biết rằng sự giãy chết còn mạnh mẽ hơn.” Một cuộc chiến phi nghĩa, chết chóc và đen tối trong lịch sử loài người.
Vẫn giọng văn ấy, đôi lúc lại khiến ta thấy đẹp đẽ “Sương mù như một cái ao sữa và khói đại bác phủ đầy cánh đồng cỏ, ngập đến tận ngực. Phía trên, mặt trăng chiếu sáng. Lưng ngựa lấp loáng dưới ánh trăng, động tác của chúng thật đẹp mắt, đầu chúng vươn cao, mắt như nẩy lửa.” , nhưng nó có khi lại bóp nghẹt trái tim ta lại :”Này anh bạn, mình có muốn giết cậu đâu….. Tại sao người ta không nói cho bọn mình biết rằng chính các cậu, các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như bọn mình, rằng các bà mẹ của các cậu cũng đau khổ như mẹ chúng mình, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau? Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình; tại sao cậu lại có thể là kẻ thù của mình? Nếu chúng ta bỏ những vũ khí và bộ quân phục này đi, thì cậu rất có thể là người anh em của mình…”.
Và rồi vào một ngày tháng mười năm 1918, Paul ở đó, mỉm cười như thể mãn nguyện, cuối cùng anh cũng lại gặp Kat và mọi người, cùng dòng báo ngắn “Ở phía Tây, không có gì lạ”.
“Cuốn sách này không phải là một bản cáo trạng, cũng không phải một lời thú tội. Nó chỉ cố gắng kể về một thế hệ đã bị chiến tranh hủy hoại – cho dù họ đã thoát khỏi đạn pháo chiến tranh”. – Erich Maria Remarque –
Rate: 10/10 ! Rất tuyệt vời, xúc động và vô cùng đau đớn.

(Bảo Phúc)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *