Người vô tội – Harlan Coben

Người dịch: Trần Thiện Huy
Thể loại: trinh thám hình sự – hành động
Quốc gia: Mỹ

Matt Hunter – chàng sinh viên hiền lành, chẳng mong muốn gì hơn một cuộc đời bình dị. Rồi biến cố xảy ra, anh phạm tội ngộ sát, cái giá phải trả là 4 năm tù, một hình phạt có lẽ cũng không quá nặng, nếu không kể đến biệt danh sẽ gắn liền với anh suốt phần đời còn lại – kẻ giết người.

Người vô tội review sách

4 năm sau cái ngày định mệnh đó, anh ra tù, bắt đầu làm lại cuộc đời – điều chưa bao giờ là dễ dàng đối với loại người như anh. Đời vẫn cho anh cơ hội, dù chẳng nhiều nhặn gì, nhưng với anh thế là đủ. Rồi anh gặp Olivia, bất chấp quá khứ của anh, hai người yêu nhau và kết hôn, nàng là tất cả đối với anh…

Nàng có thai, đứa con là hoa trái tình yêu, là bằng chứng cho sự tồn tại của thứ gọi là hạnh phúc mà bấy lâu nay anh những tưởng đã vĩnh viễn đánh mất…. Anh và Olivia bắt đầu nảy sinh những dự định, viễn cảnh tươi đẹp đang trải ra trước mắt, dù còn nhiều chông gai, nhưng anh đã thấy ánh sáng…

Đời cho anh hy vọng. Và rồi lại tước đoạt nó khỏi anh…

Một đoạn video bí ẩn được gửi đến điện thoại của anh: một người đàn ông, và một người phụ nữ, trong một phòng khách sạn…. Anh nhận ra khuôn mặt người phụ nữ đó, khuôn mặt mà mỗi sáng thức dậy anh vẫn hằng nhìn ngắm, khuôn mặt của vợ anh – Olivia.

Một khởi đầu đơn giản, quen thuộc, có lẽ vậy. Tuy nhiên sau đó câu chuyện tiếp diễn theo chiều hướng không thể nào đoán định được: một bà sơ bị tra tấn đến chết; một cảnh sát về hưu bị phát hiện chết trong xe với hai phát đạn vào đầu, quần bị kéo tụt xuống tận mắt cá; rồi gái điếm, giang hồ, bảo kê, thậm chí cả FBI cũng vào cuộc. Tất cả những thứ đó có ý nghĩa gì? Có liên quan gì đến cuộc đời của Matt và Olivia?

Bóng ma quá khứ là chủ đề không mới trong văn học trinh thám. Một thông điệp đơn giản mà sâu sắc: gieo nhân nào gặt quả nấy, có vay ắt có trả, bạn có thể trốn chạy quá khứ, nhưng bạn không bao giờ thoát khỏi nó, rồi sẽ có một ngày nó quay lại tìm bạn. Rất nhiều nhà văn đã thành công với chủ đề này (trong đó không thể không kể đến cụ Conan Doyle với 4 thiên truyện về Holmes. Nhưng cũng không ít tác giả chưa làm được điều đó. Muốn xây dựng vụ án dựa trên nền tảng một (hoặc những) biến cố trong quá khứ, theo suy nghĩ của riêng mình, không phải là điều dễ dàng, tất cả mọi thứ đều phải được nhân hai: hai câu chuyện, hai bối cảnh, hai tuyến nhân vật. Kéo theo đó là hàng loạt khó khăn mà tác giả buộc phải xử lý: sự liên kết giữa các tình tiết trong quá khứ và hiện tại; sự nhất quán đi kèm với sự trưởng thành, biến chuyển về tâm lý của từng nhân vật; và đương nhiên, mối tương quan giữa các nhân vật với nhau, tùy vào từng thời điểm cũng cần được xây dựng thật chặt chẽ và logic. Riêng việc kể 2 mạch truyện quá khứ và hiện tại song song sao cho mạch lạc, dễ hiểu vốn đã rất khó, xây dựng nó thành một tác phẩm trinh thám còn phức tạp hơn bội phần.

Cái thú vị của tiểu thuyết trinh thám là tính ẩn giấu, tính đánh đố, kèm theo đó là sự logic, chặt chẽ tuyệt đối. Hãy hình dung thế này: mỗi tác phẩm trinh thám là một bức tranh ghép hình, các mảnh ghép càng nhiều, càng chi tiết thì vụ án càng phức tạp. Sự tài tình của tác giả không nằm ở chỗ tạo ra được nhiều mảnh ghép, mà ở chỗ biết cách cung cấp cho người đọc đúng những mảnh ghép mà họ cần, để họ không tài nào thấy được bức tranh toàn cảnh, nhưng vẫn nắm đủ manh mối tiếp tục trò chơi, bị kích thích, bị cuốn hút cho đến lúc đặt xong mảnh ghép cuối cùng.

Vậy có trường hợp nào tác giả không biết phải cung cấp gì cho người đọc không? Dĩ nhiên là có. Rất nhiều là đằng khác. Họ xây dựng một câu chuyện cực kỳ phức tạp, mối quan hệ đan xen, chồng chéo, dây mơ rễ má chằng chịt, nhưng họ chẳng biết làm thế nào truyền tải nó đến người đọc, thế là họ TỰ ghép lấy bức tranh của mình, không cho độc giả có cơ hội cùng tham gia vào trò chơi (dẫn chứng ngay và luôn: Robert Galbraith – đúng kiểu tự biên tự diễn, kể một mạch từ đầu đến cuối, chán không lời nào tả xiết).

Và Harlan Coben chắc chắn không nằm trong số đó. Ngược lại, có thể nói ông là một trong những “nhà tạo tác” tài ba nhất mà mình từng gặp ở mảng văn học trinh thám hiện đại với khả năng xây dựng cốt truyện tuyệt vời: mở đầu gợi tò mò, kích thích, diễn biến phức tạp nhưng không gây nhàm chán, nhịp truyện được giữ rất ổn định, có xen lẫn nhiều yếu tố bất ngờ, kịch tính, tạo sự hứng thú, hấp dẫn người đọc, cốt truyện dù lắt léo nhưng vẫn cung cấp đủ manh mối để độc giả cùng suy luận. Và cái kết thì không chê vào đâu được, không quá bất ngờ (nhờ hint của tác giả mà mình đoán mò trúng kha khá) nhưng tựu trung lại là hoàn hảo: có thắt có mở, mọi gút mắc được giải quyết, không tồn tại tình tiết thừa.

Một điểm mình cực thích ở bác Coben nữa đó chính là văn phong: hấp dẫn, dứt khoát nhưng sâu sắc và khơi gợi nhiều cảm xúc. Khả năng khắc họa tâm lý nhân vật và truyền tải đến người đọc của bác Coben có thể gói gọn trong hai chữ: tuyệt vời.

Tóm lại, theo nhận xét cá nhân mình, “Người vô tội” quả là một tiểu thuyết trinh thám đúng nghĩa. Lâu rồi mới đọc được một tác phẩm chuẩn không cần chỉnh như vậy. Một cảm giác rất tuyệt vời!

Bài review của tác giả Steven Nguyễn (https://www.facebook.com/profile.php?id=100004564717289)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *