Người Thăng Long – cuốn sách của hào khí Đông A

Rate this post

Hẳn mỗi người con đất Việt đều biết đến Hào khí Đông A, đến Hội nghị Diên Hồng, đến những con người tài hoa thượng võ thời Trần.
Ta lại gặp họ trong “Người Thăng Long” của Hà Ân.

Người thăng long
Đọc “Người Thăng Long”, ta sẽ bị mê mẩn bởi nét tình tứ đến lạ lùng, cái tình từ những câu văn, cái tình tứ của từng ánh mắt người, tình anh em, tình yêu đất nước, ta sẽ cảm thấy yêu quê hương đến từng cành cây ngọn cỏ.
Những người con đất Việt được tác giả mô tả thật là đẹp, thật tài hoa, từ chàng trai lộ Đà giangTrịnh Mác – một chàng trai khôi vĩ dị thường, cái mũi dọc dừa sống sắc như đá đẽo, đôi mắt tròn to, mi mắt dài cong rậm rạp nom thâm trầm và đa cảm đồng thời cũng huyền bí như rừng núi nhưng cái miệng cười rất tươi để lộ hàm răng đều đặn to khoẻ và bóng láng đem lại vẻ đẹp khoẻ mạnh, trong sáng, thiên thần của tuổi mười bảy.
Hay, Đỗ Vỹ, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử, một hàn sĩ, một người Thăng Long, tài hoa, nghệ sĩ, đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt…
Trần Quốc Tảng ,vốn là một chàng trai quý tộc nhưng tính rất phóng khoáng, ưa thích cuộc đời lãng du đầy những bất ngờ ở bốn phương trời. Là một người văn võ toàn tài, Trần Quốc Tảng cứ một ngựa, một kiếm ngắn ăn mặc xuềnh xoàng đi lang thang khắp nơi. Xem hội, xem phong cảnh, vào núi sâu đàm đạo với các bậc cao tăng, ẩn sĩ hoặc uống rượu trong một cái quán giữa đường cùng với những kị sĩ du khách quen thói không nhà không cửa.
Trần Nhật Duật, ông hoàng Sáu Chiêu Văn với vẻ đẹp thanh tú, duyên dáng, lịch sự từ cách nói năng, cách chơi bời. Trần Nhật Duật đẹp một vẻ đẹp thư sinh mặc dù theo lề thói tộc họ, người ta đã buộc ông hoàng Chiêu Văn luyện tập võ nghệ từ khi còn nhỏ.
Chiêu Quốc vương – Trần Ích Tắc, có một dáng người và một vẻ mặt tuyệt đẹp. Mái đầu có một góc nghiêng kiêu sa khinh thị, Chiêu Quốc vương có một đôi mắt đẹp, đuôi mắt dài, màu đen thăm thẳm, những lúc Chiêu Quốc vương lim dim mắt, người ta có cảm giác như màn đêm phủ xuống không gian bí mật…Tác giả miêu tả ông là một người kiêu sa, tự phụ, “Trần Ích Tắc như một vì sao đã sáng nhưng vẫn khát vọng cả cái sáng của những vì sao khác. Và cái nhầm lẫn của y là y có cái sáng của một vì sao nhưng y cứ ngỡ đó là cái cái sáng và cái đức của vầng mặt trời”.
Chúng ta cũng không quên được nàng công chúa An Tư thông minh, xinh đẹp nghịch ngợm với ngón đàn bầu và tài chơi cờ cực phẩm.
Không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp của những con người tài hoa, đa dạng tích cách thuở ấy, ta còn được ngắm nhìn vẻ đẹp phố phường Thăng Long xưa, những hàng quán, trò chơi đánh phết đầy tinh thần thượng võ, những phong tục như hội thề Đồng Cổ, tiệc rượu mặt nạ mo nang ( tiệc này vui cực), thưởng thức thứ rượu sủi tăm nổi tiếng, hay uống thứ trà có pha thêm gỗ cây mai già mọc trên núi đá châu Mai,…
Rồi cùng hòa mình vào nếp sống xưa, cùng Đức ông Trần Nhật Duật được ông già bến Đại Than mời ăn một bữa gỏi cá kỳ lạ và ngon nhớ đời, sau khi rượu say thì ngủ ngay trong khoang bè vó, gió sông ào ạt thổi ngoài mui mái, nước vỗ lóc bóc đầu bè, càng về khuya thiên nhiên càng thuộc về côn trùng và chim chóc. Tiếng chim vỗ cánh lưng trời, tiếng gió nỉ non, tiếng phi của rái cá ở vụng nhỏ cuối bè. Ta lại nhớ lại Trần Quốc Tảng, con người thích “ phượt “ ấy, nhớ cái dung dị thoát phàm của những đêm đất lạ. Trong thiên nhiên trong lành, người ta chợt thấy cũng có những điều nhân loại bày đặt ra thành vô nghĩa và một câu hỏi tự nảy ra: Thế nào là có nghĩa đối với một con người?
Những năm ấy, kẻ thù phương Bắc, quân Nguyên Mông, ôm mộng thôn tính Đại Việt ta một lần nữa. “Ôi cái nước Việt như trong truyện thần tiên, một năm ba mùa lúa chín, cá đầy sông hồ biển suối, ngọc trai, trầm hương, sừng tê, vàng vớt lên từ suối, ngọc lấy từ bờ khe mà con gái thì đẹp như tiên, dệt những tấm lụa mặc vào người rồi mà vẫn tưởng cởi trần…”
Thăng Long vào những ngày đánh giặc với kế “vườn không nhà trống” cũng thật là đẹp. Các ngõ, các phố, các phường đều trống trơn, cửa ngõ mở tông tốc. Cỏ đã mọc um tùm ở cổng lớn các phủ đệ, các dinh thự, cỏ mọc cả trong lòng đường cái. Cây cối đang mùa chín trái rụng đầy mặt đất các vườn, chim chóc líu tíu tranh ăn và trái chín nẫu lên men ngửi say như hương rượu.
Quân dân ta một lòng đánh giặc, ba chi trong vương tộc,chi Long Hưng đặc biệt là hai chi: chi Tức Mặc, chi Vạn Kiếp bỏ qua những hiềm khích từ đời ông cha để cùng nhau trổ hết tài năng, lãnh đạo nhân dân đuổi giặc ngoại xâm đem về chiến thắng cho Thăng Long.
“Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng”. Hiểu được mình là Đẹp, thắng được mình là Hùng. Một châm ngôn cổ đơn giản mà thâm thuý, đó là bài học mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn truyền lại cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cũng là lời mà ông già viết sử Lê Văn Hưu nhắc với Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Chúng ta, thế hệ sau cũng nên dùng nó để rèn luyện bản thân mình.
Như đã nói trên, mình thích cái tình trong câu chuyện này, cái tình khi người ta nhìn nhau, khi người ta nói chuyện, tình thân giữa người với người trong tông tộc hay chỉ là bạn từ tấm bé, ngôn ngữ của tác giả rất thuần Việt, cái thuần Việt ấy càng làm nổi bật lên một chữ “ tình” rất Việt. Nét duyên trong câu chữ của tác giả thật sự rất hợp với mình.
“Giữa canh ba hiệu nêu Kiêu Kỵ báo tin chiến thắng Giang Khẩu nhưng cũng vào lúc đó đoàn thúng cóc từ Thăng Long thuận dòng xuôi về Thiên Mạc cặp bến. Trung Thành vương chạy như bay lên ra mắt hai đức ông:
– Kính lạy hai đức ông. Nhờ phúc ấm của tổ tông đồn Giang Khẩu đã ra tro, đoàn thuyền giặc đậu trên sông Tô Lịch đã ra tro, tướng giặc Mã Vinh đã bị bắn chết.
Binh lính chung quanh reo lên:
– Đức ông hoàng Bảy muôn tuổi. Đức ông lưu thủ kinh thành muôn tuổi.
Trần Quốc Tuấn gỡ chiếc bài vàng chạm rồng đeo ở cổ mình choàng lên ngực Trung Thành vương.
– Chiến chinh mới biết anh hùng. Em ta thật là hòn ngọc của họ Đông A.”

(Ngân Giang Bùi)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *