Xem thêm : Chỉ đen – T. Fisher
Lấy bối cảnh của một vùng đồng bằng nước Anh thời kỳ cổ, nơi có những ngôi làng của người Brington và của người Saxon nằm liền kề với nhau. Tất cả mọi người ở đó đều sống một cuộc đời mơ hồ dưới làn sương mù quên lãng. Họ quên đi tất cả ký ức, cả hạnh phúc lẫn đau khổ, họ quên đi hận thù và cũng quên luôn cả tình hữu nghị. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua không chút biến động, và nếu có thì nó cũng chỉ còn là một vệt ký ức mơ hồ khi bình minh bắt đầu lên, và khi tia nắng đầu tiên hiếm hoi ló rạng thì vệt ký ức đó cũng biến mất. Đôi khi, và chỉ đôi khi thôi, người ta bắt gặp đâu đó những mảnh ký ức của mình, rời rạc và tan vỡ, họ suy ngẫm rất nhiều, góp nhặt lại và quên đi mất, và rồi lại bắt đầu góp nhặt lại. Có một cặp vợ chồng già nọ cũng như thế, họ gom nhặt những mảnh ký ức về con trai của mình, cậu con trai đã từ lâu không còn sống với họ nữa nhưng không sao họ nhớ được ra lý do, cứ góp nhặt rồi lại quên đi, cho đến một ngày cái quyết tâm đủ lớn, họ ra đi để tìm con trai của mình.
Một bối cảnh tưởng chừng như đơn giản nhưng là sự đan xen đường đi của ba tuyến nhân vật. Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng già Alx và Beatrice đi tìm con trai của mình, đó là câu chuyện của người chiến binh Whistan với nhiệm vụ phá tan màn sương mờ, đó là câu chuyện của Ngài hiệp sĩ Gawain sót lại từ thời vua Arthur lang thang tìm diệt con rồng Querig. Ba câu chuyện, ba con đường tưởng chừng không liên quan tới nhau mà số phận lại đẩy đưa giao với nhau, đó là tình yêu, đó là cuộc sống cùng với cả chiến tranh và sự hận thù dân tộc, màn sương mù quên lãng có thể che phủ lên nhiều thứ nhưng có những điều vẫn không thể nào xóa đi được.
Sự quên lãng có làm cho người ta yên ổn, khi mà mọi ký ức đau khổ cũng như mọi tổn thương bị xóa mờ? Sự quên lãng có làm người ta an nhiên, khi mà thù hận hay lỗi lầm trong quá khứ không còn day dứt nữa? Nhưng ngoài những mảnh ký ức buồn đau, sự quên lãng còn mang đi cả những kỷ niệm hạnh phúc, cả tình yêu, cả lý tưởng, cả những gì tốt đẹp nhất người ta từng mang đến cho nhau.
Câu chuyện của Kazuo Ishiguo là một cái nhìn sâu sắc về những thứ cần nhớ và những điều muốn quên. Một câu chuyện kỳ lạ đầy những phép ẩn dụ để người ta phải suy ngẫm. Và hơn hết, câu chuyện như mang được cả màn sương mù quên lãng của xứ sở đó bao phủ lên người đọc.
(Dũng Trần)
Bạn đang xem: Người khổng lồ ngủ quên – Karuo Ishiguro
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học Nước Ngoài