Người đua diều – Khaled Hosseini

Rate this post

Tác phẩm cảm động, tinh tế và đầy nhân văn này cuốn hút tôi ngay từ những trang đầu bởi giọng văn gần gũi, bình dị và tinh tế của Khaled khiến tôi có cảm giác mình giống như một con người đáng tin, đang được Amir trút bỏ bầu tâm sự, kể về cuộc đời đầy biến động của anh ta, một cuộc đời sung sướng nhưng cũng nhiều khổ đau, thiếu thốn tình thương nhưng cũng được yêu mến rất nhiều, phản bội và chuộc tội…

Người đua diều - Khaled Hosseini - THÍCH ĐỌC SÁCHCâu chuyện bắt đầu từ những hồi ức thời niên thiếu của Amir. Hai cậu bé, Amir và Hassan, một đứa mẹ chết ngay khi mới chào đời, một đứa bị mẹ bỏ rơi, không thèm ẵm lấy một lần đã bỏ đi, cùng được nuôi dưỡng chung một bầu sữa của một bà vú nuôi người Haraza, cùng lớn lên dưới một mái nhà, trải qua những tháng ngày tuổi thơ ngọt ngào thơm mùi lựu chín, của nước anh đào và những trò chơi tuổi thơ bên nhau.

Thân thiết và gắn bó với nhau là thế, giữa chúng vẫn có một khoảng cách rất lớn vì gốc gác chủng tộc: Amir là tộc người Pushtan, giống người thượng đẳng còn Hassan thuộc tộc người Haraza, tộc người bị xã hội Afghanistan mặc định là tầng lớp thấp kém, chỉ có thể làm những việc tay chân, nặng nhọc của kẻ dưới. Và dù sống dưới một mái nhà nhưng Amir là con ông chủ, sống trong khu nhà nguy nga lộng lẫy, được hầu hạ tận răng, còn Hassan sống trong một túp lều sơ sài, trống hoác ngoài vườn. Và dù chúng đều thích đọc, thích sách, thích những câu chuyện nhưng chỉ Amir được đi học, được biết chữ còn Hassan thì chỉ biết sách qua lời đọc, lời kể của Amir.

Cuộc sống của bọn trẻ cứ thế êm ả trôi qua, nhưng vẫn lấp ló đâu đó những mầm mống ghen tị của một đứa trẻ mất mẹ, chỉ còn tình thương của cha nhưng cha lại đối xử tử tế, ân cần với thằng bạn người Harazan hơn nó. Sự thèm muốn được yêu thương từ cha đã biến Amir thành một đứa trẻ ích kỉ và tàn nhẫn. Cái hành động hèn hạ và khốn nạn mà nó đã làm vào đêm mùa đông năm đó, khiến thằng bé Hassan 11 tuổi và người cha què quặt của mình phải rời nơi chốn mà họ đã sinh sống hàng bao năm nay đến một nơi không biết được tương lai, không chắc chắn được điều gì quá là độc ác và nhẫn tâm, chẳng khác nào đẩy họ xuống vách núi…..

Lấy một hành động độc ác để thay thế và che giấu cho một hành động hèn hạ là một điều đốn mạt. Làm hại một người vô tội đã là đáng xấu hổ, hại một người tử tế, luôn yêu thương mình vô điều kiện, vì mình mà chịu tủi nhục, bị chà đạp, giày vò nhân phẩm thực sự rất vô lương và đáng hổ thẹn. Không cần độc giả chúng ta phải phán xét, lương tâm Amir cũng đã là một vị quan tòa công bằng, vị quan tòa đó bắt anh ta thực thi công lý bằng sự day dứt, hối hận, đau khổ và mất ngủ hàng chục năm trời cho đến khi có cú điện thoại của chú Rahim nhắc nhở Amir về quá khứ, về cội nguồn và chuộc tội “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”.

Lần trở về này của Amir, Kabul không còn tươi đẹp, xanh tốt và ngọt ngào như trong trí nhớ của anh, nhà cửa vụn nát những đống hoang tàng, cây cối khô héo, ngoài đường la liệt những già trẻ, lớn bé hấp hối, sắp chết đói. Trẻ em, đối tượng đáng ra phải được quan tâm và chăm sóc nhất lại vất vưởng, không nơi nương tựa, không có gì để ăn, để mặc, những ông bố, đồ ăn và nước sạch là những thứ cực kỳ quý hiếm và xa xỉ với chúng. Ở mọi nơi, dân chúng chẳng khác gì những con thú để bọn Taliban hành hạ, đánh đập và giết hại để giải trí và thỏa lòng khát máu.

Cái cảnh Amir ra sân bóng để mong thương lượng, chuộc lại cậu con trai bé bỏng của Hassan quả thật rất ám ảnh và đau lòng. Những kẻ nhân danh thánh Allah, thi hành đạo lý đã chôn bán thân 1 cặp nam nữ phạm tội ngoại tình, ném đá họ cho tới khi chỉ còn lại một đống bầy nhầy nhão nhoét xương, thịt và máu, chết một cách đau đớn, rách rưới và tức tưởi trong những tràng hò reo của đám đông… Và cũng chính những kẻ Taliban vừa mới cho rằng mình thay thánh Allah thay trời hành đạo giết hại cặp đội phạm tội ngoại tình ấy lại cưỡng hiếp, giày vò cơ thể gầy gò của những đứa trẻ mồ côi, đói khát.

Thời thế tạo anh hùng, thời thế cũng có thể đẩy người ta xuống bùn, giáo sư đại học ư? Thương nhân buôn bán giàu có ư? Người Pushtan ưu việt ư? Chiến tranh và những con quỷ đôi lốt Taliban chẳng ưu ái cho bất cứ ai cả, họ cũng phải sống vạ vật, lay lất, ốm đau bệnh tật, không nhà, không cửa như những người dân Afghanistan khác khi kẻ thù tràn vào quê hương.

Giữa những đau thương, mất mát và những tội ác của kẻ thù, Afghanistan vẫn giống như một người Hồi giáo tốt bụng và ngoan đạo. Những người Afghanistan trong truyện của Khaled quá hiền lành, lương thiện và biết nghĩ cho người khác, ông chủ trại trẻ mồ côi có gia đình nhưng không đi trốn tránh bom đạn vì muốn ở lại chăm sóc bọn trẻ, ông bán hết tất cả những gì mình có để duy trì nơi chốn ăn ở cho bọn trẻ và khi quá khánh kiệt, ông đành nuốt nước mắt và tội lỗi để chấp nhận cho tên lính Taliban mang 1 đứa trẻ đi để những đứa khác được sống bởi “thà mất 1 đứa còn hơn 10 đứa phải chết” . Ông chủ nhà mà Amir và anh lái xe trú tạm 1 đêm, dù nhà không còn gì, bọn trẻ đói vẫn cố gắng mời khách hai bát nóng và bánh mỳ.

Cội nguồn quê hương là một thứ gì đó rất thiêng liêng, ăn sâu vào máu thịt của mỗi con người. Trước nỗi đau của đồng bào, đất nước, có người xách súng ra trận bảo vệ tổ quốc, có người lại viết nên những trang sử đau thương, hào hùng dân tộc và tố cáo tội ác của kẻ thù. Với lòng yêu nước sâu sắc, Khaled Hosseini đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh, chân thật về quê hương Afghanistan của ông, trước và sau khi chiến tranh, hạnh phúc và khổ đau, khắc họa cả những tháng ngày chật vật, kiếm sống vất vả trên đất Mỹ của những người Afghanistan xa xứ.

(Ánh Chu)

Tôi ngấu nghiến cuốn sách trong 2 ngày kỉ lục, nếu bạn biết dạo gần đây tốc độ đọc sách của tôi đã chậm đến mức đáng báo động như nào và nhiều tháng qua tôi chưa đọc được quyển sách nào nên hồn thì bạn sẽ biết rằng Người Đua Diều còn trên cả một câu chuyện được gắn mác best seller.

Trước giờ nhắc đến Afghanistan và tất cả điều tôi có thể nghĩ đến chỉ gói gọn hạn hẹp trong hai từ “chiến tranh”. Nhưng thế hệ năm 70 của Afghanistan, những đứa trẻ sinh ra trong bom đạn loạn lạc còn chưa được sinh ra. Ở những năm 70 vàng son của Kabul sầm uất, vẫn còn đấy cuộc sống sung túc thịnh vượng mà cách đây 10 năm có lẽ Việt Nam vẫn còn thèm muốn. Chiến tranh phá hủy nặng nề một đất nước, tự tận sâu linh hồn. Afghanistan, hay thị thành Kabul dưới con mắt của Amir – nhân vật chính những năm 70 thanh bình như tranh vẽ, rạp chiếu phim hay sở thú, hay những cánh đồng rộng bao la, trẻ con cắp sách tới trường và những chiếc xe mustang của Mỹ biểu trưng cho sự giàu có chạy bon bọn trên đường lớn.

Nhưng đất nước nào cũng có mâu thuẫn. Và mâu thuẫn của Afghanistan lớn nhất là tín ngưỡng. Tín ngưỡng, giống như tình yêu, bản thân nó là thứ đẹp đẽ thuần khiết, nhưng có những kẻ nhân danh điều ấy để thực hiện hành vi xấu xa, thì lại là chuyện khác. Tôi tiếc thương cho một đất nước hùng mạnh giàu truyền thống, với những sự khắc kỉ làm nên nhân cách đáng tự hào, làm nên một dân tộc đáng lẽ nên được ngợi ca và đi vào sử sách như những vị anh hùng. 2001, Amir quay lại quê hương anh đã 20 năm rời bỏ, “luôn có con đường để tốt trở lại”, Amir về để chuộc lại lỗi lầm của hơn hai lăm năm về trước, để giải phóng anh khỏi chính bóng ma quá khứ đang ăn mòn anh từ bên trong.

Dưới góc nhìn của Amir, Afghanistan 2001 hiện lên không còn cái vẻ thanh bình nắng cắt êm du trong những buổi chiều tà chạy ngang qua rặng ngô gầy. Thay vào đó là bom đạn, xác chết, vẻ khắc khổ, là những giá trị làm nên một con người bị quên lãng. Afghanistan 2001 chính là hình bóng của thời chiến tranh Việt Nam 30 40 thậm chí là những năm 60 70 về trước. Chính vì thế nó cho tôi cái sự đồng cảm sâu sắc về những thứ dân tộc anh đang phải chịu qua, bởi dân tộc chúng ta cũng từng chịu nỗi đau tương tự. Chiến Tranh không mang hình hài, cũng không quan trọng vì sao lại xảy ra. Bạo lực trả giá bạo lực, chiến tranh dẫn chiến tranh, nhiều người phải chết. Đó là tất cả những gì quan trọng. Chỉ khác là thế hệ tôi và bạn, nhờ máu của hàng triệu người đi trước, sinh ra đã không còn nghe thấy tiếng súng đạn. Trẻ con các nước trung đông vẫn chưa được may mắn nhường vậy.

Có lẽ tôi đã để dành điều quan trọng nhất, mà lại nói ít nhất, và để sau cuối mất rồi. Hơn hết thẩy giá trị nhân đạo, ấy chính là giá trị nhân văn mà tác phẩm đem lại. Về một Amir và Baba cùng lỗi lầm phải trả giá quá đắt, về tình yêu của Hassan với Amir và tình cảm máu mủ chưa bao giờ biến mất của Baba với hai người con trai ông – một bên đại diện cho tất cả sự hợp pháp và giàu sang ông có, một bên đại diện cho lỗi lầm cho sự nhục nhã nhất với một người Afghan.

Tình yêu có nhiều dạng, và tình yêu của Hassan cho Amir một lần nữa khiến tôi phải gọt dũa lại quan điểm tình yêu của tôi. Bởi đó không phải tình bạn, chẳng phải tình anh em máu mủ, không phải lòng trung thành tận tụy từ một gã hầu với cậu chủ của mình, cũng không phải tình yêu đôi lứa. Tình yêu của Hassan trong trẻo và thuần khiết, đối với tôi hình ảnh Hassan mãi dừng ở tuổi 12 vào mùa đông năm 1975 ấy, khi cậu ngoảnh mặt lại với Amir và nở nụ cười thật lòng trong suốt 26 năm sau này của cuộc đời cậu, trước khi biến mất trong ngõ hẻm mà mọi thứ cả hai cậu bé có sẽ thay đổi mãi mãi.

“- Hassan! – Tôi gọi – Trở về với cái diều nhé!

Cậu đã ngoặt ở góc phố, đôi ủng cao su đá vung tuyết lên. Dừng, rồi rẽ. Cậu bắc loa mồm nói to:

– Vì cậu, cả ngàn lần rồi!”

Sự việc khủng khiếp đã xảy ra chiều hôm ấy, trên một con hẻm nhơ nhớp với Hassan là nạn nhân còn Amir nấp ở gần đấy chứng kiến. Tôi đã từng ghét Amir, thực sự là vậy, tan nát khi chúng nó bẻ vụn con người Hassan theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng cậu vẫn giũ chiếc diều mà Amir muốn, bởi nó là tượng trưng cho hy vọng của Amir, để cuối cùng sau 12 năm dài đằng đẳng, cuối cùng Baba cũng chịu nhìn về phía Amir một lần – đầy tự hào. Và Amir thà mất đi Hassan – người bú cùng một dòng sữa với cậu, người mà tiếng đầu tiên bập bẹ biết nói là tên Amir, người mà luôn bảo vệ cậu. Sau cho cùng, tất cả, danh phận kẻ hầu người chủ, sự khác biệt về tín ngưỡng, cuối cùng cũng lộ ra mặt tối của nó.

Tôi ghét Amir, và ngay khi tôi tưởng cậu sẽ nói hết mọi thứ cho cha mình, toàn bộ sự thật về đêm hôm ấy. Thì cậu lại làm một việc thậm chí còn đáng khinh hơn, vu khống cho Hassan trộm chiếc đồng hồ của cậu để đuổi cha con Hassan ra khỏi dinh thự. Bởi cậu ích kỉ, bởi cậu là thằng hèn, bởi cậu ấm 12 tuổi mà việc duy nhất phải tự làm là mặc quần áo không thể phân biệt định nghĩa đâu là bạn bè, đâu là đúng và đâu là sai, kể cả có đọc bao nhiêu sách đi chăng nữa, cậu vẫn là một cậu ấm 12 tuổi ích kỉ hèn mọn chỉ nghĩ cho bản thân mình, chỉ quan tâm đến bản thân mình. Mỗi lần cậu nhìn Hassan cậu lại nhớ đến sự thật cậu đã không giúp người bạn mình lúc anh ta cần cậu nhất, mỗi lần nhìn Hassan cậu đều đau khổ dằn vặt. Và để xoa dịu cho chính cái sự dằn vặt ấy, cậu làm thứ còn tồi tệ hơn, thay vì nói ra sự thật, cậu lấp liếm nó bằng một lời nói dối khác. Để đến 26 năm sau khi chuộc lỗi lầm, thì cái giá là quá đắt rồi.

Tôi ghét Amir, nhưng không có nghĩa cậu ta là người xấu hoàn toàn. Bởi như Rahim Khan nói – còn dằn vặt tức là còn lương tâm. Ít ra thì, sau từng ấy năm, Amir đã biết tự chiến đấu cho cuộc chiến của riêng mình, đem đứa con trai của Hassan về Mỹ, kiên nhẫn với nó, yêu thương nó. Có lẽ cả đời này Amir không thể trả hết cho thứ tình cảm đơn phương tận tụy sâu sắc Hassan dành cho mình. Nhưng sự đấu tranh của Amir trên con đường tốt trở lại, là điều tốt nhất ông có thể làm rồi. Vì vậy thay bằng sự không chấp nhận và ghét nhân vật này, tôi dành cho Amir một sự khoan dung và thấu hiểu, bởi chúng ta đều là con người. Và con người nào cũng phạm sai lầm.

Hình ảnh chiếc diều xuất hiện mang tính biểu tượng cho hy vọng, cho bước ngoặt mà ở đó mỗi người phải lựa chọn, lựa chọn mình là ai, và sẽ là ai, từng là ai. Cuốn sách xứng đáng với tất cả lời khen nó từng được nhận. Một cuốn sách mà sức nặng của nó ở từng trang giấy.

Ashley Tran

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *