Nậm Ngặt mây trắng – viết về những người lính anh hùng

Mình không làm gì có liên quan đến văn chương hay viết lách, chỉ đơn thuần là một người yêu văn học đặc biệt văn học Việt Nam. Nên mình rất ngại ngùng khi đăng bài vào Hội. Hôm nay, mình mạnh dạn đăng bài, vì mình mong muốn cuốn sách này đến được với đông đảo bạn đọc hơn, để tuyên truyền một giai đoạn lịch sử hào hùng của lớp cha anh đi trước.

nam ngat may trang
—————————
“Nậm Ngặt mây trắng” viết về những người lính anh hùng, quả cảm tại mặt trận Vị Xuyên những năm 1984 – 1989 với lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” khi Trung Quốc mang quân đánh chiếm biên giới phía Bắc của Đất nước Việt Nam.
Trần Việt Hưng là người người lính trải qua những năm tháng khốc liệt, bị thương tại chiến trường Lào và chiến dịch Quảng Trị. Anh được cử đi học, được phân công về Quân khu công tác nhưng anh đã thuyết phục gia đình, đề xuất với cấp trên để bản thân về đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Anh không chỉ là người cán bộ sắc bén linh hoạt, mà còn là người thật thà biết suy nghĩ trước sau, biết chăm lo san sẻ và thấu hiểu, yêu thương đồng đội.
Trái ngược hẳn với Việt Hưng, Vũ Ngọc Ngạn ban đầu là một người đố kị, ích kỉ, bảo thủ, và đa nghi. Qua thời gian, đặc biệt là qua sự việc Việt Hưng không vạch tội Ngạn với cấp trên khi Ngạn vu oan cho mình, thì Ngạn dần thay đổi ngày một hoàn thiện hơn. Ngạn hy sinh để cho mấy chục sĩ quan có mặt trong hang “đang làm thủ tục nhận thay phiên” được sống.
Phan Văn Lê là chiến sĩ trẻ, “ưu tú, sức khỏe tốt, tiếp thu nhanh”, anh là con một trong gia đình có bố là liệt sĩ. Trong chuyến tàu từ Quân khu lên biên giới, nghe tin bà nội mất anh đã giấu đơn vị về viếng bà. Cả đơn vị được một phen nháo nhào. Tại chiến trường, khi anh em dò gỡ mìn, “do động tác dò gỡ mìn sơ suất nên bị vướng mìn, hai đồng chí hy sinh. Sau đó không ai tự tin là có thể gỡ được số mìn bọn thám báo địch cài”, Lê đã xung phong nhận nhiệm vụ, gỡ mìn xong Lê đuổi bắt địch và bị rơi xuống vách núi, điều kì diệu cả Lê và tên địch đều sống sót không những thế Lê còn bén duyên với cô gái người Dao xinh đẹp Triệu Thanh Thủy.
Võ Văn là anh chàng quân y lém lỉnh, vui tính, hài hước và văn nghệ. Anh nên duyên với Kim Tuyết, cô thợ ảnh người Dao đã có một đời chồng. Trong khi Lê còn đang băn khoăn lo lắng việc Thanh Thủy là người Dao sẽ có nhiều phong tục tập quán phức tạp, Võ Văn đã động viên rất hồn nhiên rằng “dao thì cũng có nhiều loại, dù sắc hay cùn thì cũng không nặng nề lắm đâu”.

Đọc “Nậm Ngặt mây trắng” tôi đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Nhưng điều rõ ràng nhất mà tôi cảm nhận được đó là tính gấp gáp, căng thẳng, khó khăn gian khổ trong chiến đấu, đó là những mất mát hy sinh mà chiến tranh gây ra “Cứ để cho anh em ăn, biết ngày mai còn sống không mà ngăn?”, “Đói nẫu ruột, từ đêm hôm qua đến giờ, nửa vắt cơm bõ bèn gì. Để em đi xin cơm liệt sĩ”…Đọc đoạn này, nước mắt tôi cứ thế chảy ra…
Tôi thấy được tình cảm khăng khít của anh em chiến sĩ, thấy được tình cảm của bà con dành cho bộ đội “Hễ thấy bộ đội vận tải ra chợ mua rau, cá khô để tiếp tế cho đồi Đài, đồi Cô Ích là không lấy tiền hoặc lấy rất ít. Biết là trên chốt rất cơ cực, thiếu thốn nên chị em tiểu thương ở chợ có sáng kiến làm “Túi quà tình nghĩa…”…
Tôi như nhìn thấy “mây trắng bồng bềnh muôn hình vạn trạng” che nắng cho chiến sĩ ta trên các trận địa Vị Xuyên, như thấy gương mặt kiên cường của liệt sĩ – Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh cùng dòng chữ “SỐNG BÁM ĐÁ, CHẾT HÓA ĐÁ, THÀNH BẤT TỬ” mà anh khắc trên báng súng…
“Nấm Ngặt mây trắng” thật là cuốn sách đáng đọc, để hiểu rõ sự độc ác, hung hãn và tổn thất to lớn mà “anh bạn hàng xóm” đã gây ra đối với Nhân dân, Tổ quốc Việt Nam!…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *