Sapiens: Lược sử về loài người

Sapiens: lược sử về loài người
Rate this post

Sapiens: Lược sử về loài người

Khi Melinda và tôi đi nghỉ hè, tôi đã khuyến khích cô ấy đem theo quyển sách của Yuval Noah Harari’s Sapiens: A Brief History of Humankind. Tôi vừa đọc xong cuốn sách ấy và tôi rất muốn nói chuyện với cô ấy về nó. Nó rất kích thích tôi và đặt ra nhiều câu hỏi về lịch sử loài người đến nỗi tôi biết rằng nó sẽ châm ngòi cho những cuộc trò chuyện tuyệt vời quanh bàn ăn tối. Nó không làm thất vọng. Trên thực tế, trong những tuần kể từ khi chúng tôi trở lại sau kỳ nghỉ, chúng tôi vẫn nói về Sapiens.

Harari, nhà sử học người Israel, đã đảm nhận một thách thức dễ gây choáng ngợp với nhiều người: kể lại toàn bộ lịch sử của loài người chúng ta trong vẻn vẹn 400 trang giấy. Tôi vốn luôn ngưỡng mộ những tác giả muốn tìm ra sợi dây liên hệ giữa mọi thứ và làm rõ những khúc quanh của lịch sử. Có lẽ cho đến giờ vẫn chưa có ai làm điều đó tốt hơn David Christian qua những bài giảng trong lĩnh vực Đại sử. Những bài giảng này “chưng cất” 13,7 tỉ năm lịch sử, từ thời điểm Big Bang trở đi, vào một khuôn khổ khả thi trải rộng trên các lĩnh vực sinh học, vật lý, các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tuy Harari tập trung vào một giai đoạn ngắn hơn – 70.000 năm vừa qua trong lịch sử loài người – song công việc của anh không vì thế mà bớt khó khăn. Mục tiêu của anh là lý giải vì sao chúng ta, loài Homo sapiens, lại thống trị Trái đất và tương lai nào đang chờ đợi chúng ta.

Hầu hết chúng ta đều đinh ninh rằng giống loài mình luôn luôn đứng đầu, cai quản toàn bộ các loài động vật khác. Nhưng Harari nhắc chúng ta nhớ rằng từ rất lâu trước khi chúng ta xây dựng nên các kim tự tháp, viết những bản giao hưởng, hay dạo bước trên Mặt trăng, chúng ta không có gì đặc biệt cả. “Điều quan trọng nhất cần biết về người tiền sử,” Harari viết, “là họ là những động vật nhỏ bé, sức tác động tới môi trường xung quanh không vượt quá loài khỉ, đom đóm, hay sứa.”

100.000 năm trước, Homo sapiens chỉ là một trong nhiều loài người khác nhau đang cạnh tranh giành quyền thống trị. Cũng như ngày nay chúng ta thấy nhiều loài gấu hay lợn khác nhau, khi ấy cũng có nhiều loài người khác nhau. Tổ tiên của chúng ta sinh sống chủ yếu ở khu vực Đông Phi, nhưng những người họ hàng Homo neanderthalensis, còn có tên gọi khác phổ biến hơn là người Neanderthal, sinh sống ở châu Âu. Các loài khác là Homo erectus sống ở châu Á, còn hòn đảo Java là nơi ở của Homo soloensis.

Mỗi loài thích nghi với môi trường sống riêng của mình. Có loài là những thợ săn to lớn, đáng sợ, có loài lại là những người hái lượm thấp bé. Tuy mỗi loài mỗi khác nhau, nhưng có bằng chứng cho thấy hiện tượng lai giống giữa các loài. Chẳng hạn, các nhà khoa học khi lập bản đồ gene của người Neanderthal đã phát hiện ra rằng những người có nguồn gốc châu Âu ngày nay mang một tỉ lệ phần trăm nhỏ gene từ các tổ tiên người Neanderthal của họ.

Ngày nay, dĩ nhiên chỉ còn lại một giống loài người sinh sống. Làm thế nào mà Homo sapiens lại trở nên thành công như vậy trong khi những loài khác thì không? Harari cho rằng sự khác biệt nằm ở năng lực nhận thức độc đáo của chúng ta. Ông viết, khoảng 70.000 năm trước, Homo sapiens đã trải qua một “cuộc cách mạng nhận thức”, qua đó mang lại cho chúng ta ưu thế nổi trội so với các đối thủ khác để có thể từ Đông Phi nhân rộng khắp hành tinh.

Các loài khác cũng có bộ não lớn, nhưng điều khiến Homo sapiens thành công nằm ở chỗ chúng ta là những động vật duy nhất có khả năng phối hợp ở quy mô lớn. Chúng ta biết cách tổ chức thành các quốc gia, công ty, tôn giáo, và điều đó cho chúng ta sức mạnh để hoàn thành những nhiệm vụ phức tạp. Chúng ta cũng có khả năng gắn kết hàng triệu người xa lạ với nhau xung quanh những điều huyền hoặc chung. Những ý tưởng như tự do, nhân quyền, các vị chúa, luật pháp v.v tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng chúng lại có thể gắn kết chúng ta với nhau và khích lệ chúng ta cùng phối hợp thực hiện những nhiệm vụ phức tạp.

Tuy tôi rất thích Sapiens, song cuốn sách vẫn có nhiều điểm cần tranh cãi. Chẳng hạn, Harari muốn chứng minh rằng cuộc cách mạng nông nghiệp là một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử loài người. Theo anh, cuộc cách mạng này đã giúp các nền văn minh phát triển, song ở cấp độ cá nhân, nếu chúng ta cứ giữ nguyên cuộc sống của những người săn bắt và hái lượm thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, tôi không thấy thuyết phục.

Tôi cho rằng nhiều độc giả sẽ đặc biệt hứng thú với phần cuối của cuốn sách. Sau khi du hành qua hàng chục nghìn năm lịch sử, Harari lại mang dáng vẻ của một triết gia khi anh viết về loài người chúng ta hiện nay và cuộc sống của chúng ta trong tương lai. Anh đặt ra các câu hỏi cơ bản về hạnh phúc và với tư cách một giống loài, chúng ta là ai và chúng ta đang đi về đâu.

Đó là những câu hỏi lớn và cổ xưa như chính lịch sử giống loài chúng ta. Sau khi bạn đọc xong cuốn sách này, tôi cam đoan rằng giống như tôi, bạn cũng sẽ muốn ngồi lại với một vài người bạn Homo sapiens của mình để cùng tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Trang Bùi dịch

Nguồn: Review Sách