Trong “Lâu đài”, mọi thứ va đập vào nhau, vụn vỡ và sụp đổ. Sự sụp đổ của một niềm tin và hi vọng giờ chỉ còn vô nghĩa, sự sụp đổ của khát khao tự do và làm chủ, sự sụp đổ của ý thức hiện hữu ngay cả trong chính thân xác lẫn ý thức. Nằm trong bộ ba về sự cô đơn (Trilogie der Einsamkeit) cùng với Nước Mỹ và Vụ Án, giữa 84 truyện ngắn và 700 trang nhật ký cùng hàng ngàn trang thư gửi người tình Felice Bauer, có thể nói đây là tác phẩm lớn nhất trong hàng loạt tác phẩm vĩ đại của Kafka, không nói đến độ dài của chính nó so với các tác phẩm khác. Bất kể ai chăng nữa cũng đều đạt được một điều gì đó quan trọng trong đời mình khi đọc Lâu Đài.
K. đột nhiên xuất hiện tại một ngôi làng mù sương, hầu như không thấy một cái gì, tăm tối và huyễn ảo như chính ý thức về thế giới bên ngoài của anh. Kể cả khi bị gặng hỏi về giấy phép trong lãnh thổ Lâu Đài, kể cả họ đang thắt vòng cương toả lên chính thân thịt xác phàm của anh, dần tiến đến tri giác của anh, anh vẫn bình tĩnh đến lạ. Trở thành một người đạc điền mà chẳng biết có thật thế không, rồi nằm quay đầu mà ngủ tiếp, tự nhiên và an bình đến lạ. Đó là biểu hiện của mọi tác phẩm có mùi Kafka.
Lâu Đài khổng lồ nhưng huyễn hoặc, hiện hữu nhưng vô hình, nó vươn bàn tay quyền lực chạm tới mọi nẻo của ngôi làng. Lâu Đài khổng lồ mờ ảo, ngôi làng lại xác xơ, vươn lên giữa cái xác xơ đó là một đỉnh cao, chừng như một phần của toà chính, chăng kín những dây những leo, những sắt những gạch mà chẳng rõ có phải không, đột nhiên sáng rực dưới vòm trời, tường như một sự vươn lên le lói giữa cái bất khả của tâm trí vốn bị kìm kẹp và mịt mù, đột nhiên thấy điên rồ, điên quá. Sao vậy?
Vậy mà Lâu Đài chấp nhận anh, đón nhận anh vào một vòng tay rộng mở nhưng đầy gai góc chẳng khác nào loài nepenthes rajah, với bức thư của ngài Klamm – ảo ảnh. Cái ảo ảnh đó đưa ra một lá thư khoan nhượng và vẻ tiêu khiển, như một cái bẫy dụ những con ruồi khốn khổ bay vào tìm kiếm một sự vô vọng gì đó rồi đánh sập, chúng trở thành một trò tiêu khiển của một thế lực gì đó vô hình đầy mùi ảo ảnh.
Sự tự nhiên của một tác phẩm chắc chắn xuất phát từ chính sự phi thường của nhân vật. Kafka diễn giải sự phi lý qua một phép thử cũng đầy phi lý nhưng lại liên kết một cách logic và hợp thường. Và, dưới sự logic bất thường ấy Kafka diễn đạt một câu chuyện đầy thu hút, đầy phi thường, đầy tính tự nhiên mặc dù kiểu của nó là đọc phát mệt ngay. Phải kể đến ở đây chính xác là Lâu Đài, nhưng phải có mặt thêm Vụ Án nữa, bởi người ta chỉ có thể đọc được Lâu Đài sau khi đọc xong Vụ Án. Hai tác phẩm như một chỉnh thể, phơi mở và giải đáp.
Trong khuôn khổ bài này tôi tạm không nhắc đến một số thiển ý của tôi về các sự kiện, có lẽ tôi sẽ để ở bài sau. Một tác phẩm biểu tượng thì khó lý giải, hay bản thân sự lý giải cũng là vô nghĩa trong một chừng mực nào đó, trong khi Lâu Đài lại là một biểu tượng vĩ đại của văn chương thế giới này. Việc tôi làm chỉ đnag cố thể hiện sự bất lực trong việc thâu tóm tác phẩm, vậy mà vẫn đâm đầu vào nó bởi lẽ đơn giản là Kafka thì xứng đáng.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học