Làm Đĩ – Vũ Trọng Phụng

Rate this post

Xã hội Việt Nam những thập niên đầu của thể kỷ 19 nó như thế nào nhở? Trong đầu tôi lúc này, cả cái xã hội đó giống như những khu phố dưới ánh đèn vàng lờ mờ. Giữa màn đêm lạnh ngắt, tiếng người ta kéo lê vật gì đó làm bằng sắt trên mặt đất. Văng vẳng. Ken két. Lạnh buốt cả sống lưng.

Cảm nhận sách) Vũ Trọng Phụng – Làm đĩ

Tôi vừa đọc xong Làm Đĩ của Vũ Trọng Phụng (VTP). Một chút trăn trở, có nên viết rv cuốn này. Và tôi viết, bởi chính những lời mà ông đã nói:

“Nó sẽ làm cho bọn đạo đức “không phải đường” phải nhăn mặt.

Nó sẽ làm cho hạng người không muốn hiểu biết gì cả kêu suông: “Ôi phong hóa suy đồi!”.

Nhưng tác giả còn hy vọng ở những người biết nghĩ ….”

Cũng gần cả trăm năm trôi qua, xã hội hiện tại dù có phát triển chóng mặt đến mức nào thì người ta vẫn cứ ngại ngùng khi nói về chuyện xác thịt. Trong lúc tôi đọc cuốn sách này, thi thoảng tôi lại đọc những comments về nó, giống như kiểu: Sao dâm quá. Thô thế. Thấy nó sao sao ấy…

Ngày nay, mấy cái chi tiết miêu tả xác thịt hay cái trò lố lăng học làm sang của các cậu, các ả cho hợp với cái tân thời cũng chẳng có gì đặc biệt lắm. Thời nào cũng cứ nham nhảm ra mà. Nhưng dù người ta thấy làm thường lắm, hiển nhiên lắm, người ta cũng vẫn vờ như không biết, cũng ngượng ngùng tránh đi cho ra cái vẻ thanh cao.

Giữa những cái năm tháng dở ương, dở nghẹn ấy, VTP dám vượt qua cái rào cản định kiến để phản ánh rõ cái hiện thực bấy giờ. Ông dũng cảm thật. Nhưng ông cũng là đau đáu sợ rằng trên đời này sẽ có thêm nhiều cái Huyền như cái Huyền trong truyện của ông. Vậy thì ông khổ tâm lắm.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son. ”

Đời Huyền bị người ta nhào, người ta nặn đến chẳng còn “lòng son” nữa rồi.

Đọc Làm Đĩ, tôi mê nhất chính là cái dòng tâm lý nhân vật xuyên suốt tác phẩm. Rồi cả những chi tiết châm biếm, mỉa mai đắt giá làm ta dở khóc, dở cười nữa. Đấy, cái vấn đề đáng phê phán của cái xã hội thời bấy giờ nó là thế nhưng nếu áp vào thời nay cũng đáng phải suy ngẫm nhiều.

Huyền là con nhà gia giáo, lắm tiền. Em giàu sang, có học thức. Người ta mê em lắm. Em thanh tao như bông sen trắng giữa cái ao lẫn những bèo rơm, bùn đất. Là vậy nhưng vốn chẳng phải vậy.

Đọc cái cuốn này, tôi lại phải lục lại suy nghĩ xem ở cái tuổi 12, trẻ con nó nghĩ gì. Cái tuổi ấy, con Huyền nó hỏi me nó: Em nó “đẻ ra bằng chỗ nào?”. Trẻ con tuổi ấy, đứa vô tâm thì kệ, còn đứa nào tinh lại để ý đáo để. Cả cái thế giới người lớn là thứ chúng ước ao, tò mò. Vậy mà hỡi ôi. Me nó bảo nó: “Đẻ ra bằng nách.”. Vú già nó bảo “đẻ bằng bụng”… để rồi nó nhìn con gà rồi đinh ninh là me nó đẻ trứng. Trẻ con nó như cái mầm non ấy. Nó biết gì đâu. Cái mầm ấy lớn lên ra làm sao là do người ta uốn, người ta chăm. Thế nên người ơi, con cái nhà người, đừng để chúng tự sinh, tự lớn. Xã hội bây giờ cũng đang nhập cái tân thời đấy. Không dạy cẩn thận, để nó hư thì tội nó lắm.

Rồi cái Huyền nó lớn dần. Nó giống như một ông thầy bói xem voi, mò mẫm rồi tự suy đoán về thế giới. Rồi hết lần này đến lần khác, nó như con thiêu thân. Sai lầm nối tiếp những sai lầm. Kể cũng tội con bé. Lớn lên giữa cái xã hội chạy theo cái tân thời. Mấy cái học ở bên Tây, cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ. Nó là con nhà danh giá há phải thua đám này đám nọ à. Thế là nó cũng học cho tân thời.

Tôi nhớ mãi đoạn cái quần trắng, bước đầu tiên trong cái lộ trình tân thời của em. Em tự thấy em có học nên em tin cái suy nghĩ của em lắm. VTP đưa tôi đi theo dòng tâm tưởng của em. Tôi như cái bóng theo dõi cuộc đời em. Cái cách em suy diễn về cái cái cuộc đời này bao năm về sau sao mà nó vẫn cứ đơn thuần như cái thủa em mười hai vậy.

“Chỉ sự từng trải, sự kinh nghiệm mới làm cho người ta được nên khôn. Người đàn bà, muốn được từng trải, thì đã hỏng mất cả cuộc đời, điều ấy không còn ai chối cãi được.”.

Rồi sau bao năm, Huyền giật mình trước cái sự từng trải khốn nạn. Một thời em có cái mộng mơ, ngây thơ và cả sự xinh đẹp nữa. Em đi theo tiếng gọi của tiến bộ, vui vẻ, giải phóng bình quyền, văn minh. Em nằm trong vòng tay của Lưu. Cái xuân xanh rạo rực, em nghĩ đến cả một bầu trời bao la về cái cuộc sống sau này khi em và Lưu bên nhau. Em coi Lưu là chồng em, em sẽ vui vẻ làm hết những việc mà một người vợ phải làm. Mỉa mai thay, những em gái ngây thơ, mới nếm mùi yêu đương thường hay nghĩ thế lắm.

Nhưng cái viễn cảnh xinh đẹp có mấy thành thật bao giờ. Huyền nó lại bị thầy me ép đi lấy kẻ khác. Em thất thân rồi, mà Lưu thì tự tử. Chẳng ai dẫn em đi bỏ trốn nữa. Em lấy chồng trong những cơn lo sợ, thù hằn và khinh khỉnh với chồng em. Nhưng mà cái thằng chồng bị giang mai lại đưa em lên cái tầm cao mới. Em tự cho rằng chồng em là kẻ tiện, còn em thanh cao lắm. Em sống đời sung sướng mà em có thỏa cái lòng em đâu.

Em gặp bạn chồng em là Tân. Người ta điển trai, có xe riêng, con nhà giàu lại đi học bên Tây về. Nhìn người ta lịch thiệp, lãng tử, lòng em ngưỡng mộ lắm. Rồi em mê Tân. Quyễn rũ Tân. Em trốn chồng em đi ngoại tình mà em còn tự cười cho là phải lắm, chồng em đúng là kẻ ngu thật. Nhưng đời người là trái đắng. Chồng em biết rồi. Tân phụ em, cười nhạt coi em như hạng gái đĩ. Em ê chề. Em điên. Em định theo Tân vào tận sài gòn trả thù nhưng người em không thấy. Tiền hết rồi, em sống sao? Em đi tiếp khách. Và sau cái lần đầu gặp khách ấy, đời em từ đó, nó xoay theo cái từ đĩ.

Lúc tôi đọc đến giữa cái cuốn này, nếu VTP không phải đàn ông thì tôi sẽ nghĩ ông đang tả cái đời của ông đấy. Nhưng mà đọc đến cuối cuốn. Cái đoạn cuối Huyền nó dừng tay chắp bút, uể oải sau ba đêm kể chuyện đời em cho anh khách là người quen thủa cũ ấy. Tôi lại nghĩ, khéo cái con bé Huyền kia là có thật. VTP có khi cũng là một kẻ trong hai người khách ấy. Và ông là kẻ biên lại cuộc đời con bé qua lời kể rồi gói vào cái cuốn này.

Thực thay, mỉa mai thay.

#rosabella
#review
#lamdi
#vutrongphung

Bài review của tác giả Rosabella Thanh Hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[X]
i9bet 1