Có lẽ tôi sẽ sợ khi đọc những cuốn viết về chiến tranh vì nó quá ám ảnh. Tôi đọc xong cuốn sách lúc 2h sáng và trằn trọc chẳng thể nào ngủ được đành lên đây viết vài dòng về cuốn sách này. Chí ít tôi đã đọc trọn vẹn nó hơn so với “Phía Tây không có gì lạ” đã drop.
Chiến tranh khiến cho không chỉ những nước thắng trận mà cả những nước bại trận đều trải qua những nỗi đau, tổn thương khủng khiếp. Như Nhật Bản, một nước chiến bại trong thế chiến thứ 2. Thần phong Kamikaze có lẽ quá nổi tiếng với nhiều người vì những phi đội máy bay cảm tử của quân Nhật. Nhưng tại sao họ lại cảm tử, họ có muốn cảm tử như vậy không thì Naoki Hyakuta đã đưa ra trong cuốn sách một cách bao quát. Mặc dù những nhân vật trong truyện là hư cấu nhưng tất cả được ông nhào nặn trên nguồn nguyên liệu có thật trong cuộc chiên tranh Thái Bình Dương của Nhật với Mỹ.
Câu chuyện xoay quanh anh chị em nhà Saeki là Keiko và Kentaro muốn tìm hiểu về người ông ngoại “authentic” của mình đã hi sinh trong thế chiến thứ 2 với tư cách là một phi công cảm tử nhân kỉ niệm 60 năm kết thúc chiến tranh.Qua những câu chuyện chia sẻ của 9 người đồng đội đã từng kề vai sát cánh với ông ngoại Miyabe Kyuzo của họ trong chiến tranh, Kentaro và Keiko đã lắp ghép những câu chuyện hồi tưởng đó thành một bức tranh hoàn chỉnh về con người thật của người ông hịn quá cố đã qua đời 30 trước khi họ sinh ra. Mà thậm chí đến khi bà ngoại họ qua đời họ mới biết được sự thật này.
Những dòng hồi tưởng về cuộc chiến tranh Thái Bình Dương của những người phi công của lực lượng Hải quân Đế Quốc Nhật Bản từ trận Trân Châu Cảng, Rabaul, Guadalcanal, Saipan, Okinawa đến khi Nhật Bản đầu hàng tháng 8/1945 được khắc họa một cách chân thực đến tàn khốc. Chiến tranh thật khủng khiếp quá sức tưởng tượng đối với tôi và chúng ta- những người lớn lên thời bình.
Thông điệp phản chiến, phản đối kế hoạch hi sinh cảm tử của những người lính tuổi đôi mươi được khắc họa rõ nét. Lý tưởng hi sinh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những người thân, phải sống sót để trở về với gia đình của Miyabe Kyuzo được đặt lên bàn cân phán xét hèn nhát hay là can đảm dẫn dắt câu chuyện. Có lẽ chỉ đến khi đọc xong ta mới có thể trả lời câu hỏi đó. Bên cạnh đó Hyakuta còn phê phán những góc tối của xã hội Nhật khi đó, những quan niệm phân biệt, vô trách nhiệm của những kẻ chỉ huy bất tài nhưng lại ích kỉ vì những quyết định sai lầm của cá nhân mà làm sẵn sàng biến người lính trở thành những kẻ hi sinh vô ích. Ông phê phán cả trách nhiệm của báo chí, xã hội khi lúc nâng những người phi công ấy thành anh hùng rồi vùi dập họ như những kẻ tội phạm sau chiến tranh chỉ vì đất nước thất bại mặc dù đó là những người cống hiến và hi sinh cho đất nước.
Twist nhẹ chương cuối khi ghép bức tranh hoàn chỉnh vừa đủ đẩy lên cao trào của câu chuyện cùng với những giá trị nhân văn, yếu tố lãng mạn ngọt ngào và lí tưởng về tình yêu đôi lứa trong bom đạn chiến tranh khiến cho cuốn sách giàu cảm xúc và có thể rung động đến độc giả. Phải chăng vì lẽ đó cuốn sách này đã bán được 3,5 triệu bản và được dưng thành phim?
Có thể, những người đang chạy trốn thực tại, đi tìm lí tưởng sống và phân vân lựa chọn giữa con tim và lí trí có thể tìm thấy phần nào đó câu trả lời cho sự phân vân, mông lung của mình.