Có ai đó từng nói “Người làm chính trị nào cũng có đôi bàn tay vấy máu”, cho nên Biển luôn cố hết sức để không dính dáng gì đến chính trường (dù thỉnh thoảng vẫn muốn làm Nữ Hoàng bên cạnh bậc Quân Vương nào đó ^^). Tuy nhiên, chính trị gia trong câu chuyện này có đôi tay vấy máu không phải vì tham danh hám lợi, mà vì tình thương con mù quáng.
Trong quyển “Kẻ cướp cuối cùng” này, mọi chuyện bắt đầu bằng việc có người đã đặt một tập bản thảo ngoài hành lang văn phòng của nam chính David Loogan – tổng biên tập của tạp chí trinh thám Gray Streets. Bản thảo không phải hư cấu mà là câu chuyện có thật xoay quanh cái chết của những kẻ đã từng tham gia vụ cướp ngân hàng cách đây 17 năm, một người đã chết ngay thời điểm vụ cướp, hai người bị giết gần đây, một người được báo trước là sẽ chết. David Loogan là bạn trai của Elizabeth Waishkey – nữ cảnh sát của Sở cảnh sát Ann Arbor thuộc bang Michigan – nên anh đưa tập bản thảo cho cô, trùng hợp với thời điểm Sở cảnh sát bắt đầu điều tra về những cái chết được đề cập đến trong bản thảo. Sự việc giữa những tên cướp ngân hàng bỗng dưng dính líu đến Callie Spencer – người đang tranh cử chức Thượng nghị sĩ bang Michigan khiến gia đình và vệ sĩ của cô ta giương tất cả nanh vuốt lên để giúp cô ta tránh xa mọi rắc rối. Lucy Navarro – phóng viên tờ The National Current đánh hơi thấy một vụ béo bở nên liều lĩnh lao vào tìm hiểu thông tin. Trong bối cảnh căng thẳng dính dáng đến chính trị và quyền lực như thế, David Loogan và Elizabeth Waishkey liệu có thể tìm ra sự thật về tên kẻ cướp cuối cùng trong vụ cướp ngân hàng 17 năm trước không? Để chuộc lại lỗi lầm với người dưng, liệu ta có nên phạm những lỗi lầm khác không thể cứu vãn đối với chính người thân của mình không? Hoặc có thể vì cuộc sống bình yên của người thân mà mặc kệ tính mạng của người dưng không?
Xem thêm : Làm Đĩ – Vũ Trọng Phụng
Vừa mới đọc xong “Mục tiêu cuối cùng” của tác giả Harry Dolan cách đây không lâu, Biển có chút ngần ngại khi “dấn thân” vào một quyển sách to đùng khác của cùng tác giả, nhưng nỗi do dự đó là vô ích, và quyển sách cũng cuốn hút Biển từ những trang đầu tiên đến những dòng cuối cùng. Thật vui vì bên cạnh Robert Dugoni với dòng trinh thám pháp lý ấn tượng, Biển đã phát hiện thêm một tác giả ưa thích khác, là Harry Dolan với dòng trinh thám hiện đại, những cốt truyện đặc sắc được thể hiện qua ngòi bút sắc sảo và đong đầy cảm xúc.
Như trong quyển “Mục tiêu cuối cùng”, nhân vật chính của “Kẻ cướp cuối cùng” cũng tên David, chỉ khác họ. Anh chàng David Loogan này cũng không hề hành nghề cảnh sát hay thám tử, có lẽ vì công việc chính là biên tập tiểu thuyết trinh thám, đồng thời có cô bạn gái là cảnh sát nên David có nhiều cơ hội để rèn luyện và phát triển tố chất thám tử trong anh. Không chỉ riêng David Loogan mà Elizabeth Waishkey cũng sở hữu khả năng suy luận nhạy bén, ứng phó linh hoạt trong tình huống nguy hiểm, có lòng dũng cảm và đồng cảm trong quan hệ với người khác. Nhưng nhân vật mà Biển thích trong quyển này là Sarah Waishkey – cô con gái 16 tuổi của Elizabeth. Mới 16 tuổi nhưng cô bé biết nấu ăn, làm bánh, suy luận vụ án phụ mẹ, và cả cứu thoát David Loogan khi anh lâm vào cảnh nguy khốn. Không nhiều những cô gái 16 tuổi có thể làm được như Sarah. Từ những nhân vật như David, Elizabeth, Sarah, Lucy, thậm chí cả đến nhân vật phản diện Anthony Lark, Biển nhận ra tác giả Harry Dolan có vẻ thích xây dựng hình ảnh nhân vật của ông như những vị anh hùng giữa đời thường: họ vừa nỗ lực để tồn tại giữa cuộc đời rộng lớn hoang mang này, vừa quyết tâm thực thi điều mà họ cho rằng đó là lẽ phải. Buồn thay, “lẽ phải” của người này có thể là “lẽ trái” đối với người khác, và để không phạm phải sai lầm đáng tiếc nào, có lẽ ta nên sống theo “pháp luật” và “lương tâm”.
Sau 2 cuốn thì Biển đã dần quen với văn phong của Harry Dolan nên không thấy “lạ” nữa, nhưng Biển vẫn thích thú với tính chất độc đáo của câu truyện. Thỉnh thoảng, cảnh quá khứ – hiện tại được viết đan xen nhau nhưng câu chuyện vẫn minh bạch chứ không bị rối. Số lượng nhân vật khá nhiều, tình tiết éo le phức tạp nên khi đọc cần tập trung. Truyện không có cảnh nóng, những đoạn mô tả hành động thể hiện tình cảm cũng được viết rất nhẹ nhàng nhưng độc giả vẫn sẽ cảm nhận được lòng tin lẫn nhau và sự biến chuyển của tâm lý con người ẩn mình phía sau những dòng văn. Thật ra Biển chưa hài lòng lắm với cái kết nhưng cũng tạm chấp nhận được, có lẽ vì tuy biết là không thể nhưng Biển lúc nào cũng muốn công lý được thực thi một cách triệt để.
Xem thêm : Vụ án – Kafka
Quyển “Kẻ cướp cuối cùng” có kích thước 16x24cm, dày gần 3cm với 532 trang, đọc rất thỏa mãn, không hề chán. Bìa sách đẹp, được thiết kế mô phỏng lá bài nhưng Biển thấy không liên quan lắm đến nội dung truyện, tuy vậy vẫn phải công nhận bìa đẹp. Phần trình bày khá ổn, giấy sạch, chữ in rõ, có vài lỗi đánh máy do gõ quá nhanh. Phần dịch thuật đạt 10/10, Biển từng nhìn thấy tên dịch giả Ngô Thế Vinh trên vài quyển sách khác. Phải nói là Biển rất hài lòng khi đã hốt nguyên combo 3 quyển to dày của tác giả Harry Dolan, sau này nếu có sách khác của tác giả này thì Biển nhất định sẽ đọc tiếp.
(Sea, 26-6-2018)
Bài review của tác giả Biển (https://www.facebook.com/camellia.phoenix.7)
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học