Nếu bạn đã từng đọc và thích “Sapiens – Lược sử loài người” thì có lẽ bạn cũng sẽ cảm thấy thích thú với quyển sách này của Yuval Noal Harari “Homo Deus – Lược sử tương lai”.
Đây có thể nói là là phần hai của “Sapiens – Lược sử loài người”, vì những gì tác giả trình bày trong “Homo Deus” phần nhiều dựa trên những kiến thức và ý tưởng đã được đề cập trong quyển sách đầu tiên.
Những câu hỏi về quá khứ vốn dĩ đã quá phức tạp, thế nhưng những băn khoăn về tương lai cũng không hề đơn giản, bạn đang nghĩ tương lai sẽ diễn biến ra sao? Loài người vốn đã đạt đến “cảnh giới” cao nhất của tiến hoá liệu còn có thể nâng cấp đến mức nào?
Tương lai là thứ mà chúng ta đôi khi cảm thấy đã ở ngay trước mắt (ta có thể mường tượng hướng đi của nó và đoan chắc nó sẽ xảy ra như vậy), nhưng nó cũng là một thứ hết sức khó nắm bắt. Chẳng hạn bạn đang là sinh viên sư phạm, bạn luôn tin rằng tương lai mình sẽ trở thành giáo viên, thế nhưng sau khi ra trường với chuyện này chuyện kia xảy đến, hoá ra bạn lại trở thành một nhân viên văn phòng… và tương lai mà tác giả trình bày trong tác phẩm này cũng có thể không bao giờ xảy ra, nhưng không phải vì thế mà làm giảm đi giá trị của tác phẩm. Mặt khác cần phải có một cái đầu thực sự uyên bác và óc tổng hợp xuất sắc để có thể hình dung một tương lai như cách tác giả đang làm.
Những chương đầu của quyển sách tác giả dùng để nhắc lại một vài kiến thức đã được đề cập ở “Sapiens”, có lẽ để thuận tiện cho những độc giả chưa được tiếp cận với quyển trước có thể dễ hình dung về những gì mà tác giả sẽ diễn giải ở những chương sau.
Điều mà mình thích nhất trong tác phẩm trước cũng như tác phẩm này của tác giả là những góc nhìn hết sức độc đáo, và những ví dụ được ông đưa ra để củng cố cho quan điểm của mình cũng có tính thuyết phục khá cao.
Mình sẽ không bàn quá nhiều đến nội dung ở quyển này, mặc dù so về lượng kiến thức thì “Homo Deus” cô đọng hơn so với “Sapiens”, tuy nhiên những phân tích lại chuyên sâu hơn về các lĩnh vực sinh-hoá và công nghệ, do vậy để tóm tắt nội dung và kiến thức của tác phẩm quả không dễ dàng cho lắm. Với cách vận dụng đa phần lĩnh vực khoa học tự nhiên để giải thích những gì xảy ra ở thì quá khứ, ta gần như nhìn thấy tiến trình lịch sử được diễn ra một cách tinh vi hơn nhiều so với những cột mốc và sự kiện đơn thuần. Và đó rõ ràng đó là một lợi thế để tác giả hướng độc giả đến ý tưởng về tương lai của mình.
Trong quyển sách này, sẽ có rất ít chỗ cho ta những hy vọng về “một tương lai tươi sáng đang chờ đợi chúng ta”, bởi đó là một tương lai có rất ít chỗ cho mơ mộng và “ý chí tự do”, bởi theo những bằng chứng mà tác giả đưa ra vốn không có cái gì gọi là “tự do” tồn tại cả!
Không những vậy, Harari cũng sẽ lột trần những thứ mà bạn đã và đang tin tưởng hoặc hy vọng là mình đang sở hữu, như một tâm trí, một ý thức, những lựa chọn tự do mang tính cá nhân và cả một linh hồn vĩnh cữu.
Và nếu bạn muốn biết tại sao lại như vậy thì đừng vội thắc mắc hay gạt bỏ, hãy đọc và đưa ra nhận định của mình sau nhé!
Vì dù gì thì có lẽ tương lai và khám phá của giới khoa học không phải không có sai lầm, và chí ít cho đến lúc các nhà khoa học tìm ra câu trả lời cho những vấn đề có phần “siêu hình” thì bạn vẫn còn “tự do” chọn niềm tin cho mình.!
Có thể bạn quan tâm
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học