“Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Cành tre … í … a
Dòng sông … í … a
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
í … a … í … à … í … à … a … ”
( Ở Trọ – Trịnh Công Sơn)
Sống trên thế gian này, ai chẳng mang danh kẻ trọ. Chúng ta lớn lên trong một cái đô thị đầy dãy những tổn thương. Khi bé, ta cố gắng cầu tình để vừa lòng cha mẹ. Lớn lên rồi, ta cầu thương bạn bè, người yêu…đủ các mối quan hệ trong xã hội. Thế rồi để đạt được mục đích, ta không ngừng dùng tới những lời nói dối. Bản thân ta tự huyễn hoặc hoặc cũng chẳng tự ý thức được chính suy nghĩ của mình trước những lời nói dối.
Đúng vậy, HÓA RA, SỰ THẬT SAU CÙNG LÀ TỔN THƯƠNG. Nhưng khoan nhắc đến những phần sau, tôi khuyên bạn nên đọc cuốn “Vạch mặt thiên tài nói dối” trước khi đọc cuốn này để tránh những mông lung trước những khái niệm về nói dối được đưa ra trong đây. Bởi nói dối nó là thứ khác xa với cái nghĩa đơn thuần, cái mà chúng ta vẫn nghĩ.
Khi một đứa trẻ sinh ra, nó tự do bộc lộ cảm xúc của mình. Nên khi chúng hạnh phúc, ta biết, khi chúng tức giận, ta biết. Nhưng khi lớn lên, ta nghe mọi người xung quanh, bạn bắt đầu học về những sợ hãi, tội lỗi hay những chỉ trích của họ. Thậm chí, trong những lời yêu thương đôi khi cũng ẩn dấu những bí mật mà ngay cả kẻ nói ra cũng chẳng hề ý thức được. Nhưng đừng quá lo lắng, cuốn sách sẽ giúp ta hiểu được những ngọn nguồn và chỉ cho bạn nơi cất giấu chiếc chìa khóa để mở lối ra cho tâm hồn của chính mình.
Quá trình trưởng thành tạo cho mỗi chúng ta một cái tôi. Nhưng đôi khi ta sợ hãi chính cả cái tôi của bản thân. Ta thấp thỏm, lo âu. Thế là ta tự huyễn hoặc, lừa dối chính mình. Ta “lại so sánh, lại giấu giếm, lại tôn cao bản thân, lại kiến tạo những cái ngã sai lầm… Còn gì nữa đâu?”
Xem thêm : 5 Cuốn Tiểu Thuyết Về Chiến Tranh Đáng Đọc Nhất
Đã thế rồi, thế giới ngoài kia còn tổn thương ta. “Ta thấy kẻ mạnh có thể đánh ta, kẻ giàu có thể mua ta? Ta thấy khi định dựa vào một ai đó thì bỗng thành sợ mất, định cho ai đó dựa vào mình thì phải lo rằng họ phản bội, thì sao? Cuộc đời tàn nhẫn này thật quá tàn nhẫn.”
Áp lực đâm tấm thân ta đến lỗ chỗ, nhầy nhụa. Thế là ta ảo tưởng và gieo lên những ảo tưởng. Ta hoang tưởng và tô lên cái thế giới này. “Nó như một thứ bệnh dịch vậy: Ủ lại, rồi tìm cách phát tán, lây nhiễm.”
“Giữa nhưng kẻ nói dối thì sao?
Chỉ có tổn thương là chiến thắng!
Chỉ có những cái-Tôi ngày càng tự đánh mất mình!
Chỉ những con người đang cố biến người kia thành kẻ chịu đựng thay!
Xem thêm : Vong Bướm – Nguyễn Huy Thiệp
Nhưng tất cả vẫn không hay rằng tổn thương của tất cả chỉ ngày càng khủng khiếp, ngày càng nuốt chửng lấy những điều tốt đẹp lác đác trong hồn người.”
Cơ mà tổn thương chỉ là một dòng chảy, một năng lượng tâm lí mà thôi. Chỉ cần ta đừng vì những tổn thương mà lạm dụng những lời nói dối đầy sợ hãi và cầu tình thì ta sẽ không bị tổn thương khống chế.
Văn chương là nơi chất chứa những tổn thương. Kẻ có chữ thường là những kẻ có lắm tổn thương. Những trò lãng mạn của chữ nghĩa hay những cốt truyện mê màng chẳng phải là thứ mà người ta vẫn thấy trong văn chương? Chẳng thấy đâu lắm những tổn thương như trong văn chương. Rồi báo, đài, internet… đưa chúng phủ sóng khắp nơi nơi. Nhưng chính văn chương cũng là thứ giúp bạn giải phóng thứ năng lượng tiêu cực lẫn giữa những tổn thương.
“Chúng ta cùng một lúc sống trong sự tổn thương và không tổn thương, vấn đề là bằng một cách nào đấy, chúng ta chỉ chú tâm vào những sự tổn thương và quên mất những sự không tổn thương.” Hãy sống bằng một thứ năng lượng tích cực thì những vô tư, hòa ái và phẩm giá sẽ luôn ẩn hiện trong con người bạn. Hãy đối mặt với nó để từng bước trưởng thành.
Và khi bạn đã hiểu thực sự về những tổn thương thì bạn sẽ dễ dàng tìm được một lối đi cho mình thôi.
Cùng rực rỡ như bông hướng dương đang nở dưới ánh bình minh nhé.
Bài review của tác giả Rosabella Thanh Hoa (https://www.facebook.com/rosabella.thanhhoa)
Nguồn: https://reviewsach.info/
Danh mục: Văn Học